Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: "Ưu tiên phát triển lĩnh vực đường thủy"
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chỉ đạo nhiều giải pháp nâng hiệu quả quản lý lĩnh vực đường thủy.

IMG_8388

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị có quan điểm tiếp cận phù hợp với thực tế khi đưa ra định hướng quản lý, phát triển GTVT đường thủy.

Tại buổi làm việc với Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam sáng nay (24/5), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu các cơ quan, đơn vị thay đổi cách tiếp cận để có chính sách quản lý, huy động thêm nguồn lực từ xã hội đầu tư vào đường thủy.

Nền tảng là phục vụ doanh nghiệp, người dân

Lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, đơn vị quản lý về các khó khăn của ngành hiện nay, Bộ trưởng chia sẻ: "Trong thời gian dài, từ sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và thực hiện theo cơ chế thị trường, đường thủy ít được quan tâm đầu tư, khiến điều kiện cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, nguồn nhân lực còn yếu, ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế". Thực tế cũng cho thấy, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trong những năm qua chỉ đạt 2% trong tổng nguồn vốn của ngành GTVT. Trong khi đó, đường thủy đang đảm nhận 18% tổng sản lượng vận tải của ngành và mục tiêu đến năm 2020 phải đạt 28-32% thị phần.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ trưởng cho rằng, Cục ĐTNĐ Việt Nam cần thay đổi quan điểm tiếp cận trong quản lý để thu hút nguồn lực, huy động các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư vào đường thủy, phục vụ doanh nghiệp, người dân.

"Đường thủy cần phát huy lợi thế đặc thù của mình, thu hút nguồn lực, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, kỹ năng quản lý để có thể khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực vận tải thủy nội địa trong cả nước".

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa

"Chính phủ coi doanh nghiệp là nền tảng, là cơ sở nguồn lực phát triển. Doanh nghiệp làm được gì thì Nhà nước thôi. Nếu doanh nghiệp và Nhà nước cùng làm công việc như nhau sẽ không còn chức năng quản lý Nhà nước. Vì vậy, cách tiếp cận của ngành ĐTNĐ cần thay đổi, tránh cơ chế xin - cho để tạo sự phát triển. Nhiệm vụ số một là đề ra các chính sách quản lý Nhà nước, khuyến khích tất cả các thành phần KT-XH tham gia cùng làm", Bộ trưởng nói và nêu rõ quan điểm của Bộ GTVT là thực hiện việc phân cấp quản lý mạnh mẽ cho các địa phương để tạo hiệu quả quản lý chung. Tuy nhiên, không phải việc gì khó làm hay địa bàn nào khó là giao cho địa phương, mà phân cấp để tạo điều kiện có sự thay đổi tốt hơn.

Thấu hiểu khó khăn của ngành ĐTNĐ, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo Vụ Tài chính lưu ý việc cân đối, bố trí ngân sách dành cho đường thủy, cũng như kêu gọi đầu tư xã hội hóa và coi đây là nhiệm vụ chiến lược của ngành trong việc tái cơ cấu vận tải.

"Đầu tư cho đường thủy sẽ mang lại hiệu quả lớn cho toàn ngành GTVT, tăng thị phần vận tải thủy, giảm tải cho đường bộ và kéo giảm TNGT", Bộ trưởng nói.

Cùng đó, Bộ trưởng cũng cho rằng, ngành ĐTNĐ và Đường sắt cần học hỏi từ kinh nghiệm thu hút nguồn lực xã hội để phát triển đường bộ thời gian qua, cần có nhiều cách tiếp cận để thu hút nguồn lực đầu tư xã hội.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ quản lý đường thủy

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, Cục ĐTNĐ Việt Nam năm 2015 có nhiều đổi mới, tiến bộ trên nhiều mặt như: Cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ trong quản lý, phục vụ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Cục ĐTNĐ Việt Nam cần tiếp tục có sự thay đổi hơn nữa trong tư duy xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thông thoáng hơn nữa trong việc cấp phép. Đồng thời, cục cần khai thác hiệu quả nhất các tuyến đường thủy đã được đầu tư từ dự án WB5, WB6, tránh mở rộng đầu tư quá mức cần thiết.

Còn theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, ngành ĐTNĐ cần khắc phục các hạn chế như: Thiếu cơ chế gom hàng cho các cảng thủy hiện có, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để đóng mới tàu được rẻ hơn, hiệu quả hơn.

Trước đó, báo cáo Bộ trưởng, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết, đang quyết liệt triển khai tái cơ cấu vận tải để thực hiện mục tiêu đạt 28-32% thị phần vào năm 2020, trong đó thúc đẩy kết nối vận tải thủy - sắt, thủy - bộ, cảng biển; Nâng khả năng vận tải các tuyến ven biển, tuyến container Việt Trì - Hải Phòng, Hải Phòng - Móng Cái và các tuyến Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng ủng hộ Cục ĐTNĐ Việt Nam triển khai một số đề xuất, kiến nghị nhằm đưa ngành ĐTNĐ bắt kịp với sự phát triển chung của đất nước và đòi hỏi thực tiễn quản lý, bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Bộ trưởng cũng đồng ý triển khai một số việc cụ thể như: Lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng AIS và thiết thông tin liên lạc VHF trên một số nhóm phương tiện thủy; Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý luồng, tuyến và ATGT đường thủy; Xem xét việc cải cách đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện cho phù hợp với vùng, miền...

Theo Huy Lộc (Báo Giao thông)

Quay lại