Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Giật mình nhà bè nổi dễ chìm!
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Vụ sập bè nổi Vĩnh Tiến trên vịnh biển Vĩnh Hy khiến dư luận chưa hết bàng hoàng. 

6

Hiện trường vụ sập chìm nhà bè nổi Vĩnh Tiến kinh doanh ăn uống tại vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận - Ảnh: Vĩnh Phú

Vụ sập bè nổi Vĩnh Tiến trên vịnh biển Vĩnh Hy khiến dư luận chưa hết bàng hoàng. Những ai chứng kiến cảnh hàng trăm người bị rơi xuống biển ở độ sâu 2-2,5m khi đang ăn uống, cùng những tiếng kêu cứu thảm thiết trong giây phút sinh tử mới thấy hết sự nguy hiểm nhường nào từ những chiếc bè nổi này.

Dù hàng chục người dân cùng các cơ quan chức năng kịp thời có mặt nỗ lực cứu hộ, nhưng vẫn có 2 người chết, nhiều người khác bị thương và bị sốc nặng về tâm lý.

Nguyên nhân ban đầu của vụ việc đã được công bố là do một chiếc tàu đáy kính chuẩn bị cập sát bè nổi cũng là lúc một đợt sóng lớn xô đập mạnh, đẩy tàu va chạm mạnh với bè nổi. Điều này khiến hàng trăm thực khách đang ngồi ăn uống bên trong Nhà hàng Vĩnh Tiến nhốn nháo, hoảng loạn chạy dạt về phía bên trái, khiến cho bè nổi chao nghiêng, rồi gãy bè, mái tôn đổ sập xuống biển. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng chỉ đạo lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đồng thời yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ tàu du lịch vận tải đường thủy nội địa và nhà hàng trên bè nổi ở vịnh biển Vĩnh Hy để rà soát, chấn chỉnh sai phạm.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận bàng hoàng và giật mình hơn là sau vụ việc trên, những lỗ hổng trong quản lý về loại hình bè nổi này bắt đầu hiện hình. Những chiếc bè nổi này thực chất chỉ là lồng bè nuôi thủy sản, được "hoán cải" để kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không phải nhà hàng nổi, không hề có giấy phép đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn được địa phương cấp đăng ký kinh doanh.

Cả lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN và Cục Đăng kiểm VN đều xác nhận, hầu hết nhà bè nổi đang phổ biến hiện nay có kết cấu hình dạng đặt trên các thanh gỗ, tre liên kết với nhau và đặt trên các vật nâng như thùng, phao nhựa… rất thô sơ. Đây chỉ là nhà bè, không được gọi là nhà hàng nổi vì không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và không thuộc diện đăng ký, đăng kiểm. Các bè nổi này thuộc diện quản lý của các địa phương. UBND cấp tỉnh muốn cho hoạt động phải có biện pháp quản lý. Thực tế, Cục Đăng kiểm VN đã không ít lần từ chối cấp chứng nhận "nhà hàng nổi" cho các nhà bè này.

Đáng buồn hơn nữa là hiện chưa có số liệu thống kê toàn quốc về phương tiện nhà hàng nổi, bè nổi đang kinh doanh dịch vụ ăn uống. Dù Cục Đường thủy nội địa VN nhiều lần yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý và thống kê, phân loại dịch vụ kinh doanh trên đường thủy, trong đó có nhà hàng nổi, nhà bè, nhưng gần như không nhận được phản hồi. Trong khi vụ sập bè ở Ninh Thuận chưa lắng xuống, các địa phương vẫn đang thống kê, phân loại để quản lý, hàng loạt bè nổi thô sơ tại nhiều tỉnh, thành ven biển vẫn vô tư hoạt động, phục vụ thực khách trong mùa du lịch.

Hà Thanh Oai

Quay lại