Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

TP.HCM sắp có buýt đường sông nội đô
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Hai tuyến buýt bằng đường sông kéo dài từ Q1 đi Thủ Đức và Q8 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác...

1

Tuyến buýt sông số 2 sẽ chạy trên Kênh Tàu Hũ đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8 và nối với kênh Lò Gốm (quận Bình Tân) - Ảnh: Vĩnh Phú

Hai tuyến buýt bằng đường sông kéo dài từ Q1 đi Thủ Đức và Q8 sẽ hoàn thành và lần đầu tiên đưa vào khai thác, san sẻ gánh nặng đáng kể cho vận tải đường bộ, góp phần kéo giảm ùn tắc trong nội ô TP.HCM.

128 tỷ đồng triển khai 2 tuyến buýt trên sông

Chia sẻ về kế hoạch triển khai 2 tuyến vận tải trên sông (còn gọi là buýt) này, ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đang chờ UBND TP phê duyệt dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BOO: Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh), nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2016.

Theo quy hoạch, tuyến số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) dài gần 11 km. Suốt lộ trình tàu chạy qua có tổng cộng 7 bến dừng thuộc địa bàn các quận: 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tuyến xuất phát từ bến Bạch Đằng (Q1) đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa, sau đó kết thúc tại bến khách ngang sông Bình Quới (phường Linh Đông - Thủ Đức) và ngược lại. Tuyến 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài 10,3 km, từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch bến Nghé, kênh Tàu Hũ đi qua các quận: 1, 4, 5, 6, 8 và ngược lại.

Khu bến trung tâm của 2 tuyến buýt đường sông sẽ được xây dựng ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức với diện tích khoảng 3ha, gồm các hạng mục: Bến đón - trả khách, khu vận hành bảo dưỡng và neo đậu tập kết tàu về đêm; Khu nhà điều hành và các công trình khác phục vụ hoạt động, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ. Tương tự là bến cuối Lò Gốm cũng như vậy. Riêng bến Bạch Đằng sẽ do thành phố quy hoạch và xây dựng. Hiện, dự án đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để chuẩn bị khởi công. Trong khi chờ xây dựng các bến, bến Bạch Đằng, Bình Quới đã có sẵn sẽ đưa vào khai thác trước. Tại một số bến của tuyến 1, 2 còn vướng giải tỏa hành lang kênh rạch.

2

Một khúc sông Sài Gòn, nơi tuyến buýt đường thủy sẽ đi qua

Buýt đường sông hiện đại cỡ nào?

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) cho biết, sẽ trang bị 10 tàu với sức chở tối thiểu 60 chỗ. Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư phương tiện có sức chở lớn hơn phù hợp với nhu cầu vận hành trên tuyến.

"Hiện nay, vận tải công cộng đang xuống cấp, việc mở tuyến buýt đường sông sẽ giúp chia sẻ bớt gánh nặng với đường bộ, tạo ra tuyến buýt đường sông văn minh đô thị. Tuy nhiên, với địa thế của đường sông TP hiện nay chủ yếu phục vụ khách du lịch, nên nhà đầu tư sẽ phải có chiến lược để thu hút người dân đến với loại hình buýt mới. Để đánh giá dự án có khả thi về hiệu quả kinh tế hay không, cần nghiên cứu cụ thể về giá vé, phương án đầu tư của tuyến buýt này. Nhà đầu tư phải đảm bảo nguồn thu đủ bù đắp chi phí hoạt động, ngân sách thành phố sẽ không cấp bù nếu doanh thu không hiệu quả". 

Ông Lê Trung Tính
Chủ tịch Hiệp hội Vận tảihành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM

Cũng theo chủ đầu tư, kiểu dáng chiếc tàu sẽ thiết kế theo mẫu của châu Âu, kết hợp cùng nét văn hóa của người Việt. Mỗi chiếc tàu đảm bảo tuyệt đối điều kiện an toàn kỹ thuật, thích hợp với thời tiết bán nhật triều của Việt Nam. Hơn nữa, đây là tàu buýt, mỗi km lại có một bến, mỗi lượt tàu cập bến nhiều lần nên mỗi tàu cần đủ độ bền, an toàn, trang bị đầy đủ áo phao, thuyền nhỏ thoát hiểm. Ngoài ra, tàu được thiết kế theo tiêu chí thân thiện môi trường, ít tạo sóng, lối thoát hiểm, đảm bảo mùa nắng cũng như mùa mưa. Trên tàu được trang bị máy lạnh, các ghế ngồi thông thoáng, tầm nhìn rộng, màu sắc hài hòa…

Công tác đảm bảo ATGT của tuyến buýt đường sông được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ. Mỗi tàu buýt khi đưa vào khai thác đã mua bảo hiểm về an ninh, an toàn kỹ thuật, do đó hành khách trên tàu cũng được đảm bảo tuyệt đối an toàn.

"Khi đi vào hoạt động, giá vé đường thủy sẽ tính toán làm sao chỉ cao hơn đường bộ chút ít do việc tiêu hao năng lượng lớn hơn nhiều, chưa kể phí bảo trì, bảo dưỡng. Nhưng lịch trình chạy tàu đúng giờ nên sẽ rút ngắn khoảng cách, thời gian đi. Mỗi tuyến tàu buýt dài khoảng 12 km với thời gian di chuyển 30 phút/chuyến, mỗi ngày 2 tuyến buýt đường sông sẽ vận chuyển khoảng 5.000 khách, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân và san sẻ đáng kể cho vận tải đường bộ", đại diện chủ đầu tư thông tin.

San sẻ gánh nặng ùn tắc cho đường bộ, phát triển du lịch

Ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, dự án đang trong quá trình hoàn tất thủ tục chờ phê duyệt của UBND TP để lựa chọn Công ty TNHH Thường Nhật là chủ đầu tư nên những thông tin chi tiết của dự án chưa công bố được trong giai đoạn này. Thành phố ủng hộ chủ trương đầu tư 2 tuyến xe buýt đường sông đưa vào khai thác, bởi sẽ góp phần giảm tải giao thông đường bộ và tăng khả năng phát triển du lịch đường sông. Đây là hai tuyến đường thủy sẽ thu hút người dân, học sinh, sinh viên từ các khu vực dân cư dọc các tuyến kênh rạch tại các bến có tàu buýt đi qua. Các tuyến này cũng thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế muốn khám phá TP trên phương tiện tàu thủy.

Ông Nguyễn Văn Hải, trú tại phường 8 (Q5) sinh sống gần kênh Tàu Hũ cho biết: "Tôi có nghe TP sắp mở tuyến buýt đường sông, sẽ thuận tiện với những hộ dân sống gần kênh rạch. Hiện nay, đường Võ Văn Kiệt, dọc kênh Tàu Hũ, Bến Nghé đi qua địa bàn các quận đã được xây dựng rất đẹp nhưng vẫn thường xuyên ùn tắc, trong khi đó hệ thống đường thủy lại bị lãng quên. Nay được đầu tư khai thác sẽ được nhiều người ủng hộ. Nhưng tại các tuyến này nên có bãi giữ xe gắn máy thì sẽ thu hút người dân đi tàu buýt nhiều hơn.

Đại diện Công ty TNHH Du lịch Dã ngoại Lửa Việt (TP.HCM) đánh giá: "Nếu tuyến buýt đường sông này có dịch vụ tốt sẽ thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước. Bởi, hiện nay TP.HCM đã xây dựng các công trình đô thị nằm ven bờ sông Sài Gòn tuyệt đẹp và hiện đại không thua gì các nước trong khu vực, nhất là về đêm. Hiện tại, TP.HCM mới chỉ có tuyến du thuyền cho hạng "thương gia" và chỉ chạy một đoạn ngắn trên sông Sài Gòn chưa khám phá hết nét đẹp của thành phố. Do đó, tuyến buýt đường sông trên hy vọng cũng sẽ là lựa chọn của khách du lịch muốn thưởng ngoạn Sài Gòn".
 

Buýt đường thủy trên thế giới hoạt động ra sao?

Ở New York, thành phố đông dân nhất của Mỹ, tuyến buýt đường thủy đã giúp giảm đáng kể áp lực giao thông tại đây, theo cơ quan đường thủy thành phố.

Các tuyến buýt đường thủy được điều hành bởi Cơ quan quá cảnh New Jersey và Cơ quan du lịch buýt đường thủy New York, với các điểm dừng chính dọc sông Hudson (New York), nối với các con phố trung tâm như: Wall, Vesey… Các tuyến buýt đường thủy gồm: 156R, 158 và 159R, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa New Jersey và New York. Giám đốc Cơ quan đường thủy New York cho rằng, đây là sự hợp tác chiến lược mang tầm nhìn xa giữa New York và New Jersey, giúp cư dân không bị mắc kẹt trong các giờ giao thông cao điểm.

Thay vì mất ít nhất 1 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe hơi hoặc xe buýt thông thường trong giờ cao điểm trên những tuyến phố sầm uất ở New York, với tuyến buýt đường thủy, du khách chỉ mất khoảng 22-25 phút. Vé tháng cho một tuyến buýt đường thủy ở New York từ 191-229 USD nếu cập Bến West 39th Street và 254-273 USD nếu cập Bến Lower Manhattan.

Tại Thái Lan, xe buýt đường thủy từng có "thâm niên" hoạt động hàng chục năm trên sông Chaopraya, rất thuận tiện cho hoạt động đi lại của người dân lẫn du khách tham quan, giá vé loại xe buýt này rẻ hơn so với các phương tiện khác, lại linh hoạt theo từng chặng, tuyến đường.

Toàn bộ tuyến buýt đường thủy này có hơn 30 bến đỗ dọc hai bên bờ sông. Các bến có tên riêng và ký hiệu bằng số thứ tự, ví dụ: Nonthaburi (N30) là bến tên Nonthaburi, số 30, hướng Bắc; Wat Rajsingkorn (S3) là bến tên Wat Rajsingkorn số 3 hướng Nam. Các bến xe buýt đường thủy được thiết kế nổi theo mực nước, đồng bộ với thân tàu, các xe buýt cũng cập/rời bến rất nhanh, thuận tiện không kém xe buýt đường bộ.

Ngoài ra, các nước trên thế giới như: Hà Lan, Hàn Quốc còn đưa loại hình dịch vụ "Wonder Bus" (xe buýt chạy dưới nước) vào hoạt động, loại xe này có thể vừa chạy trên đường bộ, vừa chạy dưới nước, trên xe có đầy đủ thiết bị và dịch vụ như: Vệ sinh, TV hay phục vụ ăn uống… Năm 2010, một công ty tại bang California (Mỹ) chế tạo chiếc WaterCar. Nó trở thành chiếc Amphibious nhanh nhất thế giới với tốc độ trên cạn đạt 204 km/h, dưới nước đạt 96 km/h.  

Hương Mai

Theo Đỗ Loan (Báo Giao thông) 

Quay lại