Xuất bản thông tin
Hàng loạt bến thủy nội địa tại Hà Nội hoạt động trong tình trạng "treo", thiếu vắng sự quản lý của cơ quan Nhà nước vì chưa được tái cấp phép hoạt động từ 2-3 năm nay,...
Một bến thủy tại Tx. Sơn Tây không có giấy phép hoạt động vi bị thanh lý hợp đồng thuê đất.
Bỗng dưng thành… không phép
Bến Bình của Công ty CP Phát triển Thảo Nguyên nằm ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Phú Thịnh, TX Sơn Tây hình thành từ năm 1980, có vị trí kết nối giao thông thuận lợi và lưu lượng hàng hóa (cát, sỏi, than) thông qua lớn. Sau nhiều năm đầu tư nâng cấp đã có quy mô 2,3 ha, với hệ thống cầu tàu, kết cấu hạ tầng khá hiện đại.
Trước kia, mặt bằng bến do phường giao khoán, với thời hạn đến năm 2017 và hàng năm đều được cấp phép hoạt động bến thủy. Tuy nhiên, năm 2013 sau khi chính quyền phường gọi lên thanh lý hợp đồng thuê đất, với lý do thành phố có văn bản yêu cầu các xã, phường chấm dứt hợp đồng giao, cho thuê đất thì bến cũng không được cấp phép hoạt động. Từ đó đến nay, bến thủy này rơi vào tình trạng chờ tái cấp phép, nếu theo quy định của Luật GTĐT nội địa phải ngưng hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty CP Phát triển Thảo Nguyên cho biết: "Sau khi không được cho thuê đất, chúng tôi đã làm đơn, được thị xã hướng dẫn là đề nghị thành phố cấp. Mấy chủ bến chúng tôi cũng đã tập hợp lại, nhờ người làm thủ tục, nhưng hai năm rồi vẫn chưa được, nghe nói phải qua Sở Tài nguyên - Môi trường rồi mới được thuê đất. Mấy hôm trước Sở GTVT cũng đã mời họp, hướng dẫn thủ tục, nhưng chưa biết bao lâu nữa mới được cấp phép".
Tìm hiểu một số bến khác trong khu vực được biết, ngoài bến Bình còn 6 bến thủy khác cũng trong tình trạng "hết phép" với lý do tương tự. Các chủ bến cũng cho biết, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản và đình chỉ hoạt động của bến, nhưng xuất phát từ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và áp lực cạnh tranh với các bến không phép đang tồn tại, những bến này không thể ngừng hoạt động.
Cơ quan quản lý… ngồi nhìn
Ngạc nhiên hơn khi tìm hiểu từ cơ quan quản lý cảng, bến thủy, tình trạng bến thủy bỗng dưng bị mất giấy phép và "chờ phép" trở thành tình trạng chung. Ông Lê Quang Trung, Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Sơn Tây (trực thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II) cho biết, đơn vị được giao quản lý 72 bến thủy trên tuyến sông Hồng, sông Đà thuộc địa bàn Hà Nội, nhưng hiện chỉ còn 10 bến có phép hoạt động, số còn lại rơi vào tình trạng "hết hạn", mà nguyên nhân đều do vướng mắc thủ tục về đất đai.
"Thẩm quyền cấp phép bến thủy là của Sở GTVT địa phương, cơ quan cảng vụ đường thủy chỉ được giao quyền quản lý đối với bến đã được cấp phép. Thực tế, hầu hết các bến hết phép nhưng vẫn hoạt động, lực lượng cảng vụ không thể vào kiểm tra", ông Trung nói.
Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, trong tháng 4 và 7, 8/2015, Sở GTVT đã tổ chức đoàn kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động bến thủy tại 16 quận, huyện, thị xã. Kết quả có 159 bến được kiểm tra, phát hiện 57 bến đã hết hạn và 51 bến chưa có giấy phép (chỉ 15% bến đang có phép). Nguyên nhân bến chưa được cấp phép hoặc cấp lại giấy phép hoạt động là do các tổ chức, cá nhân còn vướng mắc trong thủ tục đất đai theo quy định.
Theo Huy Lộc (Báo Giao thông)
New articles
- Kiểm tra việc thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, công bố hoạt động khai thác bến thuỷ nội địa trên đường thuỷ nội địa quốc gia tại Sở GTVT thành phố Cần Thơ
- Hội nghị ban công tác 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ Quý IV/2024
- Công điện KHẨN tập trung ứng phó với bão số 4 trên biển Đông
- Danh sách vị trí hạn chế luồng trên ĐTNĐ quốc gia bảo vệ công trình cầu
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ủng hộ người dân bị ảnh hưởng của bão Yagi