Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Phát triển đường thủy: Cần huy động gần 31 nghìn tỷ đồng
Từ khóa Xem với cỡ chữ

"Ngành vận tải thủy nội địa sẽ triển khai kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức BOT, PPP, trái phiếu chính phủ (TPCP) trong giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phấn đấu đến năm 2020, sản lượng hàng hóa đường thủy nội địa liên tỉnh đạt 356 triệu tấn/năm, thị phần vận tải chiếm hơn 32,3%", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải  Nguyễn Nhật nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

Phát triển hệ thống đường thủy nội địa góp phần san sẻ gánh nặng với vận tải đường bộ. Ảnh: Toàn Khánh

PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về các mục tiêu cụ thể phát triển vận tải thủy đến năm 2020?

- Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Để san sẻ bớt gánh nặng với vận tải đường bộ, mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020, sản lượng hàng hóa đường thủy nội địa liên tỉnh đạt 356 triệu tấn/năm, thị phần vận tải chiếm hơn 32,3%. Giai đoạn 2015 - 2017 ngành vận tải thủy nội địa phấn đấu đạt 17 - 19%, từ năm 2018 đến 2019 đạt từ 19% - 27%, từ năm 2019 - 2020 đạt 32,38%; vận tải hành khách liên tỉnh đạt khoảng 0,17% khối lượng vận tải toàn ngành, trong đó từ năm 2015 - 2018 đạt  0,15%, từ năm 2018 - 2020 đạt 0,17%; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm chi phí vận tải.

Mục tiêu đến năm 2020 tổng trọng tải đội tàu hàng là 20 - 22 triệu tấn (trong đó trọng tải đội tàu sông pha biển khoảng 0,85 triệu tấn, trọng tải đội tàu chở container khoảng 1,2 - 1,3 triệu tấn) và tàu chở khách là 780 nghìn ghế. Đồng thời, cũng phấn đấu đến năm 2020 tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa trên tuyến vận tải sông pha biển sẽ đảm nhận 17,1 triệu tấn, quy mô đội tàu pha sông biển khoảng 855.000 tấn;  đến năm 2020 có khoảng 160 cảng hàng hóa đưa vào khai thác, sản lượng hàng hóa đạt khoảng 92 triệu tấn; có trên 30 cảng hành khách đưa vào hoạt động, đạt trên 30 triệu lượt khách/năm.  


    PV: Mục tiêu thì đã khá cụ thể, vậy  giải pháp để có thể hiện thực thì thế nào, thưa ông?

- Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Để đạt được những mục tiêu trên thì việc phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy đồng bộ là yêu cầu tất yếu. Dự kiến đến năm 2020 sẽ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư, tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính; ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh; các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình. Tăng cường hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành 253 km hành lang đường thủy qua đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; 148 km hành lang duyên hải phía Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thành 250km hành lang đường thủy Quảng Ninh - Việt Trì qua sông Đuống; 180 km hành lang đường thủy qua sông Ninh Cơ.

Đồng thời, cải tạo, nâng cấp 6 tuyến vận tải thuỷ gồm: Tuyến vùng hồ Sơn La, tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - Sài Gòn - Mỹ Tho - Cần Thơ, tuyến sông Đồng Nai, tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn II, sông Hàm Luông, sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cầu Bến Súc…

PV: Để triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy đồng bộ sẽ cần nguồn vốn đầu tư lớn, vậy ngành sẽ có những giải pháp gì để huy động, khi nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này còn eo hẹp, thưa ông?

- Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Đúng vậy, vận tải thủy nội địa từ trước đến giờ chỉ các dự án được thực hiện bằng nguồn vốn ODA là được đầu tư tổng thể và có quy mô đồng bộ, có tính liên thông với các lĩnh vực khác. Các dự án lĩnh vực đường thủy nội địa đầu tư bằng nguồn vốn này như WB 5, WB 6 được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao vì tính lan toả xã hội, suất đầu tư thấp, đa mục tiêu và đặc biệt là sự hưởng lợi của các vùng dân cư nghèo, có điều kiện kinh tế khó khăn, hạ giá thành sản phẩm…  

Còn đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) do nguồn vốn hạn hẹp nên các dự án thường phải phân kỳ đầu tư, kéo dài thời gian đầu tư. Nguồn vốn đầu tư cho giao thông đường thủy nội địa thấp, chủ yếu là vốn NSNN gây ra tình trạng lúng túng, khó khăn trong công tác duy trì, nên nhiều dự án luồng tuyến sau khi nạo vét nâng cấp nhưng không có kinh phí duy tu bảo trì, bồi lắng trở lại, không phát huy tác dụng. Công tác tìm kiếm và huy động vốn từ nguồn ngoài NSNN còn rất khó khăn do kém hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành Vận tải thủy nội địa giai đoạn này cần khoảng gần 38.000 tỷ đồng, dự kiến nguồn vốn từ ngân sách trung ương khoảng gần 7.000 tỷ đồng và các nguồn khác khoảng gần 31.000 tỷ đồng. 

Để có thể huy động được nguồn vốn lớn như vậy, ngành  sẽ triển khai kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, PPP, TPCP (giai đoạn 2016 - 2020) cho các dự án trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Đầu tư xây dựng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo hướng tăng cường huy động vốn ngoài NSNN cho đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

PV: Xin cảm ơn ông! 


Theo Cục Đường thủy nội địa, Việt Nam có tiềm năng sông kênh đứng thứ 4 trên thế giới với hơn 80.000km sông kênh, 3.200km bờ biển. Hạn chế lớn nhất của đường thủy nội địa nhiều năm qua là chưa được đầu tư đúng mức để phát triển vận tải thủy tương xứng với tiềm năng vốn có.    

Theo Trí Dũng (Thời Báo Tài Chính)

Quay lại