Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Thông tin về hoạt động vận tải trên tuyến ĐTNĐ quốc gia tại các tỉnh khu vực phía Nam trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Kể từ ngày 19/7/2021 đến nay 19 tỉnh khu vực miền Nam đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng số cảng, bến thủy nội địa hoạt động là 191 cảng, bến; số cảng, bến tạm thời ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19: 1.519 cảng, bến làm cho sản lượng vận tải giảm, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động vận tải các địa phương đã ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện vận tải trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể như sau:

- Đa số các địa phương yêu cầu thuyền viên phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng hóa hạn chế lên bờ, khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển chỉ cử 01 người đại diện làm thủ tục cảng vụ và phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch theo quy định, người lên bờ phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc test nhanh kháng nguyên.

- Bình Dương, Bến Tre: Sở GTVT Bình Dương ban hành văn bản số 2674/SGTVT-VTPTNL ngày 26/7/2021; Sở GTVT Bến Tre ban hành văn bản số 409/SGTVT-VTPTNL ngày 26/7/2021 yêu cầu tất cả các thuyền viên chỉ được ở trên phương tiện, không tiếp xúc với người khác trong bất kỳ tình huống nào; khi phương tiện vào, rời cảng, bến thủy nội địa thực hiện thủ tục cảng vụ thông qua người được ủy quyền làm thủ tục, người được ủy quyền khi đến làm thủ tục cảng vụ phải tuân thủ các quy định về các biên pháp phòng, chống dịch Covid 19 theo quy định của Bộ Y tế và địa phương.

- Long An: Sở GTVT Long An có văn bản số 3756/SGTVT-VT ngày 22/7/2021 yêu cầu đơn vị vận tải, chủ phương tiện, trong đó có quy định: Chỉ cho phép người điều khiển và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hoá thực hiện nhiệm vụ khi đã có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 được thực hiện trong vòng 3 ngày (72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm). Không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm Sars - CoV - 2 đối với người trên phương tiện khi lưu thông.

- Đồng Tháp: Kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại cuộc họp ngày 20/7/2021 (số 207/TB-VPUBND ngày 21/7/2021) trong đó giao Ủy Ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo Trung tâm Y tế phân công 01 nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại các chốt giao thông đường thuỷ thuộc địa bàn quản lý, tạo thuận lợi cho việc lưu thông đường thuỷ trong thu mua nông sản.

- Tỉnh An Giang: UBND tỉnh An Giang ban hành Công văn số 800/UBND-KTN ngày 30/7/2021, trong đó có quy định: các phương tiện vận tải thủy, bộ vận chuyển hàng hóa gồm: Lúa, gạo, nếp, cá, rau, củ và trái cây được phép lưu thông trong khung giờ từ 18 giờ đến 05 giờ sáng hôm sau và Sở GTVT An Giang có Phương án số 1702/PA-SGTVT ngày 02/8/2021 về tổ chức giao thông trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời kỳ dịch bệnh COVid-19, quy định: Phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa lưu thông từ khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16, khu vực phong tỏa vào địa bàn tỉnh thì tất cả thuyền viên trên phương tiện phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2 còn hiệu lực (theo phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên).

- Tỉnh Bạc Liêu: Sở GTVT Bạc Liêu ban hành Công văn số 949/SGTVT-QLVT ngày 03/8/2021, trong đó có quy định: Toàn bộ người trên phương tiện phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên) còn hiệu lực trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm và khai báo y tế trong suốt hành trình.  

- Tỉnh Sóc Trăng: Sở GTVT Sóc Trăng ban hành Công văn số 1358/SGTVT-QLVT-PTNL ngày 03/8/2021, trong đó có quy định: Toàn bộ người trên phương tiện phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 còn hiệu lực và khai báo y tế trong suốt hành trình.

- Tỉnh Hậu Giang: UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Công văn số 1568/UBND-NCTH ngày 22/8/2021, trong đó có quy định: Hàng hóa được vận chuyển từ ngoài tỉnh vào phải có bãi trung chuyển, tập kết lên, xuống hàng; hàng hóa phải được khử khuẩn trước khi chuyển sang phương tiện khác vận chuyển vào vùng xanh; lái xe khi vào bãi tập kết hàng hóa phải có giấy xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 không quá 72 giờ kể từ thời điểm xét nghiệm. Trường hợp đặc biệt vận chuyển hàng hóa thẳng vào vùng xanh phải có địa chỉ cụ thể (có xác nhận hành trình điểm đi và điểm đến), có người giám sát dẫn đường, sau khi giao hàng xong phải quay về bãi tập kết hoặc về nơi xuất phát ngay.

- Tỉnh Vĩnh Long: Sở GTVT Vĩnh Long có Tờ trình số 145/TTr- SGTVT-QLVT ngày 18/8/2021, trong đó có quy định: Yêu cầu thuyền trưởng và người đi theo phương tiện, trước khi thực hiện nhiệm vụ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 còn giá trị (trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm) và phải trình báo (và có xác nhận) với chính quyền nơi cư trú (Trưởng khóm hoặc Tổ trưởng) trước và sau mỗi chuyến đi.

- Thành phố Cần Thơ: Sở GTVT Cần Thơ ban hành Công văn số 2102/SGTVT-CVĐTNĐ ngày 01/8/2021, trong đó quy định: Yêu cầu thuyền viên đi trên phương tiện vận chuyển hàng hóa phải thực hiện khai báo y tế trước khi bắt đầu hành trình và bảo đảm xuất trình được mã QR kết quả khai báo y tế khi có yêu cầu kiểm tra; chỉ cho phép thuyền viên và người đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa thực hiện nhiệm vụ khi đã có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 trong thời hạn 3 ngày kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.

- Tỉnh Kiên Giang: Sở GTVT Kiên Giang ban hành Công văn số 908/SGTVT-VTPTNL ngày 04/8/2021 trong đó quy định: Toàn bộ người trên phương tiện phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) còn hiệu lực và khai báo y tế suốt tuyến hành trình.

Từ sự chỉ đạo không đồng nhất giữa các tỉnh như trên đã gây khó khăn cho hoạt động vận tải đường thủy nội địa. Theo thông tin phản ánh tại Cà Mau, các Chốt thực hiện lấy mẫu gộp miễn phí tại phương tiện sau đó cho phương tiện tiếp tục hành trình và sẽ thông báo kết quả sau. Đây là cách làm sáng tạo vì: Tránh nguy cơ tiếp xúc nhiều người; tạo điều kiện tối đa cho vận tải; có nguy cơ thì phương tiện cũng bị quản lý không gây lây lan ra cộng đồng, mô hình này cần được nhân rộng tại các địa phương.

 PHÒNG VT - ATGT

Quay lại