Xuất bản thông tin
Việc đấu thầu bảo trì đường thủy sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tiết kiệm nguồn vốn Nhà nước.
Trục vớt phao tiêu, một hạng mục cụ thể của công việc bảo trì đường thủy. |
Năm 2016, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam bắt đầu tổ chức đầu thầu bảo trì các tuyến ĐTNĐ quốc gia để nâng hiệu quả nguồn vốn, tạo đột phá trong công tác bảo trì đường thủy.
Đấu thầu kỳ hạn 3 năm
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, dự kiến quý II/2016 sẽ tổ chức đấu thầu bảo trì các tuyến ĐTNĐ quốc gia. Trong đó có ba tuyến đường thủy áp dụng phương thức đấu thầu hạn chế là lòng hồ Thủy điện Sơn La, sông Vàm Cỏ Đông đoạn từ ngã ba sông Vàm Cỏ Đông - Tây (một nhánh sông Vàm Cỏ Đông đổ ra hướng Tây) đến cảng Bến Kéo và sông Hồng từ cửa Ba Lạt đến Việt Trì; các tuyến còn lại được đấu thầu rộng rãi.
Theo ông Giang, đấu thầu hạn chế là chủ đầu tư có thể lựa chọn, mời một số nhà thầu mà chủ đầu tư thấy năng lực phù hợp. Còn đấu thầu rộng rãi sẽ không hạn chế số lượng nhà thầu. "Việc đấu thầu hạn chế đối với 3 tuyến đường thủy trên được thực hiện theo Quyết định số 47 ngày 5/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT ĐTNĐ", ông Giang nói và cho biết, khác với thời hạn đặt hàng cho các đơn vị quản lý bảo trì mỗi năm một lần, kỳ hạn của các gói thầu sẽ trong vòng 3 năm.
Việc đấu thầu bảo trì đường thủy sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tiết kiệm nguồn vốn Nhà nước và đảm bảo minh bạch việc chi tiêu ngân sách và cạnh tranh bình đẳng giữa các DN, thúc đẩy DN nỗ lực đổi mới để thích nghi với quy luật kinh tế thị trường.
Cũng theo ông Giang, đến nay toàn bộ 15 đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý bảo trì đường thủy trực thuộc Cục đã hoàn thành việc CPH, đủ điều kiện để tham gia đấu thầu. Trong số đó, có 5 công ty đã cổ phần hóa từ năm 2005, đã tích lũy được kinh nghiệm trong hoạt động theo kinh tế thị trường. Còn lại 10 công ty chuyển sang cổ phần từ tháng 4/2014 cơ bản ổn định, một số đơn vị đã bắt đầu mở rộng sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp lo gì?
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo các công ty cổ phần đã chuyển đổi sang cổ phần hóa từ cách đây 10 năm đều ủng hộ việc đấu thầu bảo trì, nhất là với thời hạn của gói thầu là 3 năm sẽ giúp DN ổn định công việc trong thời gian nhất định.
Tuy nhiên, lãnh đạo các công ty mới chuyển sang cổ phần lại tỏ ra băn khoăn bởi mới "chân ướt, chân ráo" hoạt động theo kinh tế thị trường, khó cạnh tranh nổi với các công ty đã cổ phần hóa lâu năm. Vì thế, các DN mong được tạo cơ chế đấu thầu hạn chế trong lần đấu thầu đầu tiên, để DN có thời gian, điều kiện mở rộng lĩnh vực hoạt động như phương án cổ phần hóa ban đầu đặt ra.
"DN bảo trì đường thủy đã CPH đòi hỏi người đại diện phần vốn Nhà nước phải năng động, đổi mới tư duy, tăng năng suất lao động. Phải coi nguồn thu từ bảo trì chỉ chiếm 30% doanh thu, còn lại phải tìm kiếm từ bên ngoài. Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Cục là quản lý hạ tầng tốt nhất, nhưng không thể làm thay cho DN". Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang |
Ông Trần Xuân Khơi, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 1 cho biết: "Đơn vị mới hoạt động theo mô hình cổ phần được hơn 8 tháng, năng lực các mặt đều yếu, ngay cả kinh nghiệm làm hồ sơ, đấu thầu cũng chưa có, rất khó để cạnh tranh với các công ty đã cổ phần từ 10 năm nay. Đến nay, đơn vị vẫn chưa mở rộng được sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, nếu trượt thầu chắc DN khó trụ nổi".
Cùng chung tâm trạng, ông Dương Hải Thanh, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 4 cho rằng, DN mới cổ phần cần có thời gian để tái cơ cấu. "Sau khi DN chuyển sang CPH phải đối mặt với "3 không": Không vốn, không trang thiết bị để phục vụ kinh doanh và quan trọng nhất là không có thị trường. Cán bộ, công nhân viên trước đây chủ yếu được đào tạo làm quản lý bảo trì theo bao cấp. Nếu đấu thầu mà không trúng thầu đồng nghĩa với việc DN phá sản", ông Thanh nói và mong được tạo điều kiện bằng cơ chế đấu thầu hạn chế.
Tương tự, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 7 Vũ Cao Khải cho biết, DN mới chuyển sang cổ phần mong có thời gian để chuẩn bị nhân lực cho hướng kinh doanh ngoài mảng bảo trì, tinh giản tiếp biên chế và liên danh liên kết với các DN khác.
Trả lời những băn khoăn của DN, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết, việc thực hiện đấu thầu phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, tuy nhiên Cục sẽ tính toán đưa tiêu chí kinh nghiệm để tạo điều kiện cho các DN tham gia đấu thầu.
Theo Hồng Xiêm (Báo Giao thông)
New articles
- Gặp mặt cán bộ hưu trí Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, xuân Ất Tỵ 2025
- Thông báo lịch tiếp công dân định kỳ của Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam năm 2025
- Thư chúc mừng năm mới 2025 của Cục trưởng Bùi Thiên Thu
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa