Xuất bản thông tin
Ngày 13/9, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Trung Quốc Lý Tiểu Bằng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Trung Quốc Lý Tiểu Bằng |
Hợp tác GTVT trên nhiều lĩnh vực
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá tình hình chung về hợp tác GTVT giữa hai bộ. Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực; trong đó hai nước đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, toàn diện trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Hợp tác về giao thông vận tải giữa Việt Nam và Trung Quốc được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực, nhiều hiệp định và thoả thuận hợp tác trong các lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy đã được hai bên ký kết, triển khai.
Bên cạnh đó, hai bên cũng đã tích cực phối hợp triển khai các dự án kết nối hạ tầng giao thông trong khuôn khổ hợp tác "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" Việt - Trung; Các dự án kết nối tại khu vực biên giới giữa hai nước, cũng như việc hoàn thành xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc trên lãnh thổ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác hai nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu trao đổi hàng hoá, xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại và du lịch giữa hai bên.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa (thứ hai từ phải sang) dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT trong buổi làm việc ở Bộ GTVT Trung Quốc |
Cụ thể, về lĩnh vực đường sắt, trên cơ sở Hiệp định đường sắt biên giới Việt – Trung ký năm 1992, ngành đường sắt hai nước đang hợp tác tổ chức vận chuyển hàng hóa, hành khách liên vận quốc tế trên tuyến Hà Nội – Nam Ninh, Hà Nội – Côn Minh và Hà Nội - Bắc Kinh. Hai bên cũng đã thống nhất, từ ngày 1/1/2009, hàng ngày chạy đôi tàu không đổi toa từ Gia Lâm đi Nam Ninh và ngược lại.
Về tuyến kết nối với đường sắt Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai: Hiện nay tuyến đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu Bắc khổ đường 1.435mm đã được phía Trung Quốc đưa vào sử dụng từ tháng 12/2014, trong khi đó Việt Nam vẫn đang sử dụng tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai khổ 1.000mm. Để đảm bảo tiếp tục thực hiện vận tải đường sắt liên vận giữa hai nước trên tuyến này được thông suốt, phía Việt Nam đã trao đổi với phía Trung Quốc để nghiên cứu phương án xây dựng đoạn đường sắt khổ lồng kết nối tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai hiện có của Việt Nam với tuyến đường sắt Côn Minh – Hà khẩu Bắc mới của Trung Quốc tại khu vực Lào Cai - Hà Khẩu.
Về sử dụng khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu Nhân dân tệ để khảo sát lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai: Tổ công tác phía Trung Quốc (Công ty HH tập đoàn Viện thiết kế khảo sát số 5 đường sắt Trung Quốc) đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu tính khả thi tại Việt Nam từ ngày 19/4/2016 đến 18/5/2016. Qua nghiên cứu khảo sát, Tổ chuyên gia phía Trung Quốc sơ bộ cho rằng, việc lập quy hoạch tuyến đường sắt này có tính khả thi về mặt kỹ thuật và sẽ báo cáo với Chính phủ Trung Quốc về vấn đề này.
Về Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông: Dự án đã được Chính phủ chấp thuận một số cơ chế đặc thù để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án nhanh hơn. Tuy nhiên, hiện còn một số nội dung vướng mắc về cơ chế thực hiện Hợp đồng EPC như về Hiệp định vốn vay bổ sung cho Dự án, công tác mua sắm vật tư, thiết bị... Để giải quyết dứt điểm việc này, đòi hỏi sự chủ động, tích cực của Tổng thầu EPC, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan liên quan hai bên trong việc giải quyết các điều kiện ràng buộc. Hôm qua, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, "Hiệp định khung về khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông" đã được ký kết.
Trong lĩnh vực đường bộ, hai bên đã ký Hiệp định đường bộ Việt - Trung ngày 22/11/1994 và Nghị định thư sửa đổi, Nghị định thư thực hiện Hiệp định năm 2011 nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải qua biên giới phù hợp với quá trình hội nhập, liên kết GTVT giữa hai nước và khu vực. Trên cơ sở các Nghị định thư, Bộ GTVT hai nước đã tổ chức thông xe trên các tuyến hàng hóa và hành khách vào sâu nội địa của nhau gồm tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Côn Minh, Hà Nội - Nam Ninh và Hà Nội - Thâm Quyến. Ngay sau khi thông xe, hai bên đã tiến hành trao đổi giấy phép vận tải và thực hiện cấp giấy phép vận tải Việt – Trung cho các doanh nghiệp vận tải hai nước.
Việc hai bên cho phép phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa được vào sâu lãnh thổ của nhau theo phương thức chạy suốt từ điểm đến điểm thay vì dừng lại chuyển tải tại các thị trấn, thị xã biên giới đã tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động vận tải bằng đường bộ giữa hai nước, góp phần phát triển hợp tác kinh tế thương mại, đáp ứng nhu cầu đi lại giữa nhân dân hai nước.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp vận tải tham gia khai thác tuyến vào sâu trong lãnh thổ hai nước, đề nghị các cơ quan liên quan của hai bên cần đơn giản hóa thủ tục hơn nữa về hải quan, kiểm dịch, xuất nhập cảnh tại các khu vực cửa khẩu.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trung Quốc Lý Tiểu Bằng (thứ 5 từ phải sang) và Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Trương Quang Nghĩa (thứ 4 từ phải sang) cùng đại diện lãnh ngành giao thông hai nước chụp ảnh lưu niệm |
Về lĩnh vực hàng hải, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cảm ơn Bộ trưởng GTVT Trung Quốc đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tham gia tích cực vào quá trình tìm kiếm máy bay CASA 212 của Việt Nam gặp nạn trên biển – khu vực Vịnh Bắc bộ tháng 6/2016 vừa qua. Trên cơ sở Hiệp định hàng hải Việt - Trung ký năm 1992, đến nay đã có nhiều tuyến vận tải hàng hóa bằng đường biển giữa hai nước được khai thông và hoạt động hiệu quả. Phía Việt Nam mong muốn hai bên đẩy mạnh hơn nữa hoạt động vận tải biển giữa hai nước và tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn trên biển theo thông lệ quốc tế.
Đối với lĩnh vực hàng không, trên cơ sở Hiệp định hàng không Việt - Trung ký năm 1992, đến nay thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc đã có 9 hãng hàng không khai thác, trong đó 6 hãng hàng không Trung Quốc khai thác trên 20 đường bay từ 10 điểm tại Trung Quốc đến 6 điểm tại Việt Nam với tổng tần suất 101 chuyến/chiều/tuần và 3 hãng hàng không của Việt Nam khai thác trên 28 đường bay từ 5 điểm của Việt Nam đến 17 điểm tại Trung Quốc với tần suất 140 chuyến/chiều/tuần.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng vận chuyển trên các đường bay giữa, hai nước đạt trên 1,1 triệu lượt hành khách, tăng gần 58% so với cùng kỳ 2015. Thị phần vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt 50% với hệ số sử dụng ghế trung bình trên 80%. Dự kiến năm 2016, tổng vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ đạt trên 2 triệu lượt hành khách.
Tuy nhiên, trong hoạt động khai thác, Vietnam Airlines gặp khó khăn trong việc xin giờ hạ, cất cánh trong khai thác đi/đến Trung Quốc (cả thường lệ và thuê chuyến), bao gồm cả việc xin tăng thêm tần suất cũng như khai thác đường bay mới. Nhà chức trách hàng không Trung Quốc thường chỉ cấp cho Việt Nam giờ cất hạ cánh đêm (01h00-02h00 sáng), cấp theo từng tháng và rất gần ngày bay nên gây khó khăn cho công tác điều hành của hãng hàng không.
Về lĩnh vực đường thuỷ, hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực đường thủy nội địa chủ yếu là giữa các tỉnh biên giới trong phạm vi quản lý đi lại trên sông chung biên giới như sông Hồng (giữa Lào Cai và Vân Nam), sông Bắc Luân (giữa Quảng Ninh với Quảng Tây).
Hiệp định tàu thuyền đi lại tại Khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân giữa Chính phủ hai nước đã được ký ngày 5/11/2015 tại Hà Nội. Theo phân công của Chính phủ, Bộ GTVT – cơ quan chủ trì thực thi Hiệp định, đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Hiệp định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 8/2016.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Bộ GTVT Trung Quốc Lý Tiểu Bằng (trái) |
Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác GTVT
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, trên cơ sở kết quả hợp tác đã đạt được, trong thời gian tới, ngành GTVT hai nước cần tăng cường đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giao thông theo tinh thần hợp tác bình đẳng, hai bên cùng có lợi, đặc biệt tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn nhằm thúc đẩy hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng cũng như triển khai các biện pháp kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, phối hợp giải quyết thủ tục hành chính qua lại biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hành khách và hàng hóa giữa hai nước, góp phần thúc đẩy kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển.
Về phần mình, Bộ trưởng GTVT Trung Quốc Lý Tiểu Bằng tán thành quan điểm phát triển hợp tác giao thông để phát triển kinh tế xã hội và cho rằng, ở Trung Quốc, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự ủng hộ của người dân nước này nên từ năm 1978 tới nay, ngành GTVT Trung Quốc phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực. Ông Lý Tiểu Bằng cũng chia sẻ các kinh nghiệm mà Trung Quốc đúc kết trong quá trình xây dựng, phát triển giao thông nước này, trong đó đặc biệt cần coi trọng an toàn, tập trung sức lực và trí tuệ của nhân dân, không nên nóng vội.
Bộ trưởng Lý Tiểu Bằng cũng khẳng định sẽ thúc đẩy giải quyết ngay những công việc thuộc thẩm quyền đối với các lĩnh vực hàng không, đường sắt, triển khai Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân,… đồng thời trao đổi và phối hợp với các bộ ngành khác để hợp tác tốt với Việt Nam trong lĩnh vực giao thông, thúc đẩy việc thực hiện đối với các nội dung, chương trình đa ngành khác.
Bộ GTVT Trung Quốc sẵn sàng tăng cường giao lưu chia sẻ, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với Bộ GTVT Việt Nam để cùng nhau phát triển.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị một số vấn đề nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực GTVT giữa hai nước: - Hai bên tiếp tục chỉ đạo cơ quan đường sắt của hai bên thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định vận tải đường sắt mới cấp Chính phủ thay thế Hiệp định đường sắt biên giới Việt – Trung cấp Bộ ký năm 1992; - Phía Trung Quốc đã cung cấp Hỗ trợ kỹ thuật 10 triệu Nhân dân tệ (khoảng 1,5 triệu USD) để nghiên cứu lập Quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng khổ 1.435mm, đề nghị phía Trung Quốc sớm hoàn thiện nghiên cứu và tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu khả thi dự án. - Về kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu là cần thiết và quan trọng nhằm khôi phục thông thương hàng hóa, hành khách trên trục Côn Minh - Hà Khẩu - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. - Các bên đã nghiên cứu và có nhiều trao đổi, đề nghị phía Trung Quốc cùng thống nhất điểm kết nối theo phương án 2, theo đó: điểm nối ray tại vị trí cầu Hồ Kiều mới (cách cầu hiện hữu khoảng 1km về phía thượng lưu trên sông Nậm Thi). Phía Việt Nam sẽ cải tạo đường sắt (bao gồm cả đường ga Lào Cai) thành đường lồng (1.000mm và 1.435mm), xây mới tuyến đường lồng dài 855 m đến giữa cầu Hồ Kiều mới; trong đó có 350m hầm và 140 m nửa cầu Hồ Kiều mới. Sau khi hoàn thành, việc chuyển tải có thể thực hiện cả 2 bên ga Lào Cai và ga Hà Khẩu mới. - Hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng giai đoạn trước mắt tuyến Đường sắt kết nối Hải Phòng với các cảng biển trong khu vực nhằm kết nối toàn tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, cụ thể tuyến từ ga Vật Cách/Hùng Vương – Đông Thái – Đại Đồng – cảng Lạch Huyện (tuyến chính dài 35,7 km) và kết nối nhánh ra cảng Đình Vũ (tuyến nhánh dài 7,8 km). - Về Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông: Quan điểm của phía Việt Nam là cùng tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các vướng mắc càng sớm càng tốt. Hai bên sớm thống nhất, hoàn tất thủ tục và ký kết Hiệp định Khung khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD (căn cứ theo Công thư ngày 6/7/2016của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc gửi Bộ Tài chính Việt Nam khẳng định Khoản vay ưu đãi bổ sung đã được Chính phủ Trung Quốc chấp thuận) làm cơ sở để ký kết Hiệp định vay vốn. - Hai bên tiếp tục chỉ đạo tổ chức lại các cuộc họp hàng năm giữa nhà chức trách hàng không hai nước để trao đổi, kiểm điểm tình hình hợp tác cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không hai nước hoạt động hiệu quả hơn. - Về triển khai Hiệp định tàu thuyền đi lại tại Khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân (giữa Quảng Ninh với Quảng Tây): Đề nghị hai bên tăng cường phối hợp hơn nữa nhằm thúc đẩy việc triển khai Hiệp định, đặc biệt là công tác tiến hành khảo sát chung để xác định luồng tuyến, phương án lắp đặt phao tiêu biển báo nhằm phục vụ công tác đầu tư, quản lý khai thác sau này. |
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương