Xuất bản thông tin
Hiện dưới lòng sông Đồng Nai còn rất nhiều bãi đá ngầm, vô tình trở thành những cái "bẫy" đe dọa an toàn các phương tiện thủy.
Bãi đá ngầm cầu Ghềnh lộ rõ khi thủy triều rút - Ảnh: Vĩnh Phú |
Nguy hiểm núp dưới sông
Tại một cuộc họp về công tác khắc phục cầu Ghềnh, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, dưới lòng sông Đồng Nai còn rất nhiều bãi đá ngầm chưa được xử lý. Điều này đe dọa đến sự an toàn của tàu thuyền qua lại, mất ATGT đường thủy.
Để tìm hiểu vấn đề này, PV Báo Giao thông nhiều ngày trực tiếp thực tế trên sông Đồng Nai và ghi nhận, đoạn từ cù lao Bà Sang (TP Biên Hoà) đến huyện Vĩnh Cửu có nhiều bãi đá ngầm dưới sông. Những bãi đá này chỉ lộ ra mỗi khi thủy triều rút. Giới tài công nhận định các bãi đá ngầm này rất nguy hiểm, đe dọa các phương tiện thủy. Nếu các tài công không thông thuộc luồng lạch có thể va vào bất cứ lúc nào.
Khoảng 3h ngày 13/7/2014, tàu hàng An Phú Khang 07 chở gần 2.000 tấn hàng lưu thông trên sông Đồng Nai. Khi đi đến đoạn sông gần cù lao Bà Sang (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) thì va vào bãi đá ngầm trên sông khiến thân tàu thủng 2 lỗ ở buồng máy; Nước tràn vào làm thân tàu nghiêng trên sông. Sau đó, cơ quan chức năng huy động nhiều lực lượng cứu hộ, cứu nạn, lai dắt kéo tàu cập bờ để sửa chữa. |
Tại đây, PV đếm được 6 bãi đá ngầm trên đoạn sông dài chưa đầy 4km. Cụ thể bãi đá trạm 4, đá ngầm Bà Sang (gần cù lao Bà Sang), đá ngầm Saica, bãi đá cầu Ghềnh, trụ đá đứng (trụ đá ông Một-PV), đá ngầm Biên Hòa. Theo người dân địa phương, trong số các bãi đá trên, bãi đá cầu Ghềnh và bãi đá khu vực cù lao Bà Sang được xem là những cái "bẫy" nguy hiểm nhất. Bởi các bãi đá này nằm ở đoạn sông hẹp qua cù lao Phố nước chảy xiết.
"Các phương tiện thủy muốn lưu thông qua cầu Ghềnh phải canh con nước và phải rất vất vả né tránh bãi đá cầu Ghềnh. Đoạn sông này hẹp, nước chảy xiết, tài công nếu không đi đúng luồng lạch theo hướng dẫn biển báo hoặc chưa có bằng lái chuyên môn rất dễ va phải đá ngầm, nhất là về ban đêm", tài công Tám Tăng có kinh nghiệm lái sà lan hơn 10 năm thường xuyên qua đoạn sông này cho hay.
Ông Bùi Kế Tường Dũng, Trưởng trạm quản lý đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Biên Hòa cho biết, bãi đá ngầm gần cầu Ghềnh nằm hạ lưu phía bờ trái phường Hiệp Hòa tạo dòng chảy mạnh gây nhiều trở ngại đến hoạt động giao thông thủy. "Từ lâu Cục ĐTNĐ đã cắm biển báo hiệu trên bờ, phao tiêu dưới sông cảnh báo khu vực nguy hiểm các phương tiện phải chú ý quan sát vì có dải đá ngầm nước lớn. Mật độ phương tiện thủy lưu thông trên sông Đồng Nai khá lớn nên lực lượng điều tiết giao thông thủy luôn phải túc trực để ứng phó", ông Dũng nói.
Khi nào xử lý các bãi đá ngầm?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Ngọc Nghĩa, Trưởng phòng kỹ thuật, giám sát (Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 10, trước đây là Đoạn quản lý ĐTNĐ số 10 thuộc Cục ĐTNĐ VN) cho biết: Hệ thống sông Đồng Nai có 17 bãi đá ngầm nằm dưới lòng sông. Đây là những chướng ngại vật nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất cao. Nhiều bãi đá ngầm có chiều rộng ngang sông kéo dài gần 1km. Quy mô lớn nhất là bãi đá ngầm trạm 4 (rộng 600m) và bãi đá ngầm Ba Sang (rộng 800m) thuộc luồng hàng hải gần cảng Đồng Nai; Bãi đá ngầm Biên Hòa (rộng 750m). Các bãi đá ngầm còn lại cũng có chiều rộng ngang sông từ 120-500m. Trong đó, nguy hiểm nhất là bãi đá ngầm cầu Ghềnh (rộng 350m) do đặc điểm bãi đá này nằm gần cầu Ghềnh nhưng đoạn sông qua đây lại chia nhánh khá hẹp.
Theo ông Nghĩa, để đảm bảo ATGT đường thủy trên sông Đồng Nai, vào tháng 11/2002, các cơ quan chức năng đã tiến hành thực hiện phá đá ngầm tại 5 vị trí. Tháng 7/2003 công việc này mới kết thúc với khối lượng thanh thải 6.084 m3 đá ngầm. Tuy nhiên, việc tiến hành phá đá ngầm tại các vị trí nêu trên chỉ là "vạt" bớt đá bằng các phương pháp thủ công (dùng xáng cạp có răng kết hợp thợ lặn bốc đá lên sà lan vận chuyển lên bờ) để tạo luồng cho tàu thuyền qua lại chứ không thể xử lý hết đá ngầm vì không có kinh phí.
"Hiện nay, với công nghệ hiện đại, sà lan, xáng cạp công suất lớn kết hợp với lực lượng công binh nổ mìn, hoàn toàn có thể phá đá, thanh thải đá ngầm tạo thông thoáng cho luồng sông Đồng Nai", ông Nghĩa nói.
Ông Vũ Trung Tá, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 10 cho biết: "Để đảm bảo ATGT các tàu, phương tiện thủy lưu thông thông suốt, cần phải xử lý những bãi đá ngầm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là cần nguồn kinh phí khá lớn. Do đó, việc xã hội hóa công tác nạo vét, thanh thải đá ngầm cũng cần được tính đến", ông Tá cho hay.
Theo Vĩnh Phú (Báo Giao thông)
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương