Xuất bản thông tin
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quyết tâm dẹp vấn nạn phương tiện thủy chở hàng quá tải, thiết lập trật tự ATGT trên luồng tuyến, cảng bến để tạo sự cạnh tranh công bằng trong vận tải thủy.
Phương tiện chở quá tải bị đắm sau khi đi vào vùng nước xoáy tại gầm Cầu Đuống, Long Biên, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn |
Khắp nơi quá tải
Quan sát thực tế tại hầu hết các tuyến sông trọng điểm phía Bắc, dù mùa nước cạn hay mùa nước lũ đều xảy ra tình trạng phương tiện chở hàng quá tải. Chẳng hạn trên tuyến sông Hồng từ Phú Thọ về Hà Nội, chỉ cần quan sát từ trên cầu Vĩnh Thịnh, Long Biên hay tại các cảng vật liệu xây dựng khu vực cầu Thăng Long… dễ dàng thấy rất nhiều tàu cát, sỏi quá tải.
Không ít tàu chở quá tải đến mức nước tràn lên mặt boong, gây cảm giác nếu gặp sóng mạnh sẽ chìm ngay. Tại cảng Chèm, thuyền viên tàu chở cát vàng VP- 3012 Bùi Văn Đắc cho biết, khoảng từ cuối tháng 4 đến tháng 10, mực nước dâng cao, tàu thuyền không lo bị cạn, đi lại thuận lợi hơn, nhưng tàu nào cũng cố chở càng nhiều càng tốt, nên "nguy hiểm như nhau". Nước cạn lo tàu mắc cạn, phải nằm chờ vượt qua luồng cạn, mùa lũ lại lo nước ngược chảy siết, dòng nước xoáy ở gần các trụ cầu. "Tàu nào cũng chở quá tải, không chở cũng "phí", mà chắc chắn không cạnh tranh được với mấy "ông" chất quá tải", ông Đắc nói.
"Cục Đường thủy nội địa VN đã đưa thông tin của gần 3.200 cảng, bến thủy lên trang điện tử www.viwa.gov.vn và đang thống kê, xây dựng phương án quản lý đối với tất cả các bến hoạt động không phép. Cục đang đẩy nhanh tiến độ tin học hóa quy trình cấp giấy ra, vào cảng bến để quản lý chặt hơn phương tiện ngay từ cảng, bến". Ông Hoàng Hồng Giang |
Các thuyền viên khi được hỏi đều cho biết, trên mạn phải của các tàu đều có vạch ngang đánh dấu mớn nước, nếu mực nước vượt qua vạch dấu này nghĩa là tàu chở quá tải. Theo Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy số 1, số 6 (hai đơn vị quản lý luồng sông Hồng), trung bình trên tuyến sông Hồng mỗi ngày có 400-500 tàu chở hàng qua lại, phần lớn là chở vật liệu xây dựng. Hầu hết các tàu có trọng tải trên dưới 500 tấn và tình trạng chở quá tải diễn ra quanh năm. Những tưởng tình trạng chở quá tải chỉ mang lại nguy cơ mất an toàn cho thuyền viên khi tàu bị đắm, đứt neo, nhưng theo ông Cao Văn Định, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6, tàu chở quá tải trong mùa cạn cũng gây bồi lở, thay đổi hướng và làm mất ổn định của luồng chạy tàu.
Quan sát của PV Báo Giao thông cho thấy, nạn chở quá tải không chỉ diễn ra trên các tuyến dành riêng cho phương tiện thủy, mà trên cả các sông có luồng sử dụng cho tàu biển và phương tiện thủy như: Sông Cấm, Cái Tráp, Chanh… gây mất trật tự ATGT.
Tương tự ở phía Nam, theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III, tình trạng phương tiện thủy chở quá khổ, quá tải cũng khá phổ biến tại một số tuyến sông phía Nam. Điển hình trên tuyến từ TP HCM đi Bình Dương, chiều đi không nhức nhối, nhưng chiều ngược hầu hết phương tiện chở đất, đá đều trong tình trạng quá tải. Có phương tiện quá tải ngay khi xuất phát từ mỏ đất, đá và không có giấy phép rời cảng. Nhưng cũng có tàu xuất phát từ cảng, bến hợp pháp do địa phương quản lý. Những trường hợp này ngăn chặn không đơn giản vì tàu quá tải khi đã rời bến không thể không cho cập bến.
Ông Thạch cũng đề nghị Cục ĐTNĐ VN có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh cảng, bến và cảng vụ địa phương kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện từ cảng, bến.
Tăng trách nhiệm cảng vụ, chủ cảng bến
Nạn chở quá tải trên đường thủy đã diễn ra từ nhiều năm qua, dù Cục ĐTNĐ VN năm nào cũng có chỉ đạo ngăn chặn tình trạng trên. Thậm chí, Cục ĐTNĐ VN còn quy định phương tiện trong mùa lũ phải giảm tải ít nhất 10% tải trọng so với bình thường. Tuy nhiên, tình hình không mấy chuyển biến.
Trước thực tế trên, Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN Hoàng Hồng Giang mới đây đã chỉ đạo lực lượng cảng vụ, thanh tra đường thủy giải quyết bằng được nạn chở quá tải trên đường thủy, cũng như việc trung chuyển hàng hóa từ cảng, bến thủy lên phương tiện đường bộ. "Lực lượng cảng vụ quản lý các cảng bến, thế nhưng tại sao tình trạng chở quá khổ, quá tải vẫn xảy ra. Chẳng lẽ Cảng vụ chỉ ngồi trong nhà cấp phép cho phương tiện ra, vào cảng bến?", ông Giang thẳng thắn đặt vấn đề.
Để giải quyết vấn đề trên, Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN yêu cầu Giám đốc các Cảng vụ đường thủy chỉ đạo lực lượng cảng vụ kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện, kiên quyết không cấp phép rời cảng bến cho phương tiện chở quá tải, đồng thời xử phạt phương tiện cập bến trong tình trạng quá tải.
"Cục ĐTNĐ VN chỉ đạo các đơn vị Cảng vụ trực thuộc và cảng vụ các địa phương quản lý chặt từ chân hàng, nơi bốc xếp hàng hóa. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý phương tiện quá tải, quy trách nhiệm của chủ cảng, bến thủy nội địa để xảy ra tình trạng bốc, xếp hàng hóa quá tải lên phương tiện thủy, phương tiện đường bộ", ông Giang cho biết.
Cũng theo ông Giang, tới đây, Cục ĐTNĐ VN sẽ thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện tại các cảng vụ, đối với doanh nghiệp kinh doanh cảng, bến thủy trong vấn đề kiểm soát tải trọng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo atgt.vn
New articles
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ giữa hai Bộ trưởng
- Đại hội Công đoàn Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V lần thứ I, nhiệm kỳ 2024- 2028
- Thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024
- Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 “Chuyển đổi để bứt phá”
- Kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn đường thủy tại nhiều địa phương