Xuất bản thông tin
Quyết định số 70/2007/QĐ-UBND, ngày 28/12/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai về lộ trình sắp xếp và cấp phép hoạt động bến thủy nội địa đề ra mục tiêu tới năm 2010 phải kiểm soát chặt, thậm chí dừng hoạt động tất cả những bến thủy nội địa không phù hợp với quy hoạch. Song hiện nay, tại Đồng Nai vẫn tràn ngập bến thủy nội địa không phép.
Đồng Nai chưa quy hoạch xong bến thủy nội địa. Ảnh: G.H
Giăng đầy bến thủy nội địa không phép
5h chiều một ngày đầu tháng 1/2016, trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP. Biên Hòa), trong dòng xe cộ đông đúc bỗng xuất hiện những chiếc xe ben chở đầy cát, đá… từ hướng sông Đồng Nai về trung tâm thành phố. Người dân tại đây cho biết, những chiếc xe tải chạy với vận tốc khá nhanh chở đầy cát, đá này xuất phát từ những bến thủy không phép dọc sông Đồng Nai.
Theo một báo cáo từ UBND tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 96 bến thủy nội địa. Những bến thủy nội địa này chủ yếu cung cấp dịch vụ kinh doanh vật liệu xây dựng, theo đó có 33 bến có giấy phép hoạt động, 63 bến không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn. Số lượng bến không phép tập trung nhiều nhất ở TP. Biên Hòa, với 35 bến hoạt động không phép. Các bến này tập trung chủ yếu tại các xã Tân Hạnh, Hóa An, phường An Bình. Huyện Nhơn Trạch có 13 bến. Hai huyện Tân Phú và Định Quán có 5 bến thủy nội địa đang hoạt động nhưng tất cả đều không phép.
Trên đoạn ngắn sông Đồng Nai đi qua địa bàn xã Tân Hạnh hiện có hơn chục bến thủy kinh doanh vật liệu xây dựng hoạt động không phép. Tại các bến này, cát, đá được cần cẩu vận chuyển từ sà lan lên bờ, sau đó chuyển lên xe ben chở về các công trình hoặc điểm bán vật liệu xây dựng trong nội thành. Ngoài ra, tại đoạn sông Đồng Nai đi qua xã Hóa An, cũng có gần chục bến thủy kinh doanh vật liệu xây dựng không phép hoạt động.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, tại xã Tân Hạnh có tới 17/19 bến hoạt động không phép như bến ông Lam, ông Hiếu, bà Quới… Còn tại xã Hóa An có 7/7 bến hoạt động không phép; phường An Bình có 4/8 bến hoạt động không phép. Các bến thủy nội địa không phép hình thành khá dày đặc dọc tuyến sông Đồng Nai.
Đại diện Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai cho biết, đã nhiều lần Sở phối hợp với lực lượng liên ngành tổ chức kiểm tra đột xuất, nhưng khi mới kiểm tra được một bến thì các bến khác đã đóng cửa bến và không hoạt động trong thời gian có đoàn kiểm tra. Sau đó, mọi việc lại diễn ra bình thường. Ngoài ra, một số bến cát thường nhập hàng vào ban đêm, ban ngày chỉ cho xe chở hàng từ bến đến nơi tiêu thụ, nên khi tiến hành kiểm tra không có phương tiện thủy đang neo đậu tại bến, vì vậy chủ bến không thừa nhận việc còn hoạt động bến thủy nội địa.
Quá 5 năm vẫn chưa quy hoạch xong
Đầu năm 2015, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Vĩnh đã yêu cầu Sở GTVT và các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ hệ thống bến thủy nội địa trong tỉnh, loại bỏ những bến không phù hợp với quy hoạch và đến tháng 9/2015, phải xử lý dứt điểm tình trạng trên. Ngày 11/9/2015, UBND tỉnh Đồng Nai phải ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường các biện pháp chấn chỉnh tình hình hoạt động các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
Đã qua 5 năm so với mục tiêu đề ra là quy hoạch lại hệ thống bến bãi đường thủy nội địa trên toàn tỉnh, nhưng tới nay, Đồng Nai vẫn chưa thực hiện được điều này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh và TP. Biên Hòa cùng các ngành liên quan giải pháp hạn chế những bến thủy nội địa không phép trên địa bàn tỉnh. Sở cũng không cấp phép thành lập bến thủy mới trong khu vực quy hoạch, giải tỏa từ năm 2010 tới nay. Cuối năm 2015, Sở cùng với UBND TP. Biên Hòa và các địa phương trong tỉnh đã lập nhiều đoàn kiểm tra, kiên quyết xử phạt các bến thủy nội địa không phép, nhưng hiện tại nhiều bến không phép trên địa bàn vẫn tiếp tục hoạt động ban đêm và ngưng hoạt động ban ngày.
Ông Vĩnh cho rằng, việc quản lý hoạt động các bến thủy nội địa là hết sức khó khăn, bởi đường bộ có rất nhiều biển bán cấm đỗ cấm dừng, trong khi đường thủy gần như không. Chính vì vậy, khi thanh tra kiểm tra thấy ca nô hay xà lan đậu tại bến nào không có biển báo cấm đậu thì không thể xử phạt được.
Để góp phần giải quyết tình trạng trên, theo ý kiến chung, trước mắt là cắm biển cấm đậu tại các bến không phép để cơ quan chức năng có cơ sở xử phạt nghiêm những phương tiện vi phạm quy định. Sau nữa cần ra soát việc cấp phép kinh doanh vật liệu xây dựng cho các chủ đầu tư tại các bến thủy nội địa. Song đây là vấn đề khó, đòi hỏi phải có thời gian.
Trong khi chính quyền chức năng chưa có được biện pháp hữu hiệu lập lại trật tự các bến thủy nội địa, thì sự xuất hiện thêm những bến thủy nội địa không phép đang ngày càng ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống khu vực sông Đồng Nai.
Theo Gia Huy (Báo Đầu tư)
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương