Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Đường sông miền Tây
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Người đồng bằng từ xa xưa đã sống và tận dụng thế sông mà đi lại, vận chuyển hàng hóa. Những dòng sông đi cùng bao thăng trầm, chuyển động lớn lao của đồng bằng. Sông không chỉ cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy mà còn tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho đất và người miền Tây.

 

Mạng lưới sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, thông suốt từ Cà Mau tới TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ hình thành hệ thống giao thông thủy tấp nập và vô cùng nhộn nhịp. Chuyên chở biết bao cuộc đời mưu sinh, những dòng sông còn chứng tỏ vai trò là đường giao thương quan trọng đưa ĐBSCL ra biển lớn, phát triển và hội nhập.

Đường sông miền Tây, chúng tôi mời bạn đọc khám phá những tuyến ĐƯỜNG SÔNG hàng hóa, sôi động không thua gì quốc lộ. Cuộn chảy cùng đời sống thương hồ xuôi ngược, rày đây mai đó!

Kỳ 1: Nhộn nhịp đường giao thương

Từ thượng nguồn Tân Châu (An Giang) sông Mekong vào ĐBSCL được gọi sông Cửu Long, chia đôi dòng nước thành sông Tiền và sông Hậu. Từ đó sản sinh vô số sông rạch tỏa khắp đồng bằng, cùng kinh đào nối những tuyến đường thủy nhộn nhịp.

Nhộn nhịp chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), trên kinh Quản Lộ- Phụng Hiệp.

Sông nước miền Tây

Quan sát trên bản đồ, sông Tiền qua Đồng Tháp, Vĩnh Long và từ vị trí Mỹ Thuận, chia thành 4 phân lưu đổ ra biển Đông với 6 cửa sông: cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu; sông Hậu qua An Giang, Cần Thơ, đổ ra biển Đông qua cửa Tranh Đề (hay Trần Đề) và Định An. Còn cửa thứ 9- Ba Thắc, đã bị bồi lấp từ khoảng thập niên 1970.

Một gia đình thương hồ 3 thế hệ trên chiếc ghe hàng.

Thông tin từ các nhà nghiên cứu thủy văn ghi nhận dòng chảy sông Cửu Long bắt đầu biến đổi với khuynh hướng nước chảy vào sông Hậu nhiều hơn sông Tiền so với trước đây. Khảo sát mùa lũ trong 7 năm (2000- 2007) cho thấy mực nước ở Tân Châu (sông Tiền) xuống thấp 0,8m, nhưng ở Cần Thơ (sông Hậu) dâng cao hơn 0,3m, nhiều vùng ở Cần Thơ trước kia không có lũ thì nay lại xuất hiện. 

Và những biến đổi đó ngày càng biểu hiện rõ rệt. Theo các nghiên cứu gần đây, tác động của biến đổi khí hậu đến dòng chảy đang diễn ra rất phức tạp, làm thay đổi diễn biến mưa và dòng chảy nhất là ở những lưu vực sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, Cổ Chiên, Hàm Luông…

Khi tất cả những dòng sông đều chảy, đã hình thành hệ thống đường sông hơn 28.550km, trong đó 13.000km phục vụ vận tải thủy. So với đường bộ, mật độ của các tuyến đường thủy cao gấp 3 lần, chiếm gần 70% tổng lượng hàng hóa vận chuyển hàng năm. 

Là một lợi thế rất lớn, nhưng giao thông thủy ở ĐBSCL "trước sao giờ vẫn vậy", thiếu đồng bộ và mang tính tự phát. Những tuyến huyết mạch như kinh Chợ Lách, Chợ Gạo… tàu bè đông đúc, rất hạn chế lưu thông. 

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải thủy đều nhìn nhận, các luồng giao thông thủy vẫn lợi dụng điều kiện tự nhiên là chính.

So với cả nước, hoạt động đường sông ở ĐBSCL sầm uất, tấp nập hơn hẳn. Đường sông không chỉ vận chuyển hàng hóa, mà còn là tuyến đường du lịch hấp dẫn. Những chuyến ghe thương hồ từ khắp các ngã năm, ngã bảy họp về đoạn sông mua bán, trao đổi hàng hóa hình thành chợ nổi với các loại trái cây, rau, củ… đầy ắp xuồng, ghe dập dềnh sóng nước. 

Hãy xuống đò từ bến Ninh Kiều thăm chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), Phụng Hiệp (Hậu Giang) lúc sớm mai. Về Vĩnh Long mê theo "Tình anh bán chiếu" giữa chợ nổi Trà Ôn, mặc kệ mặt trời lên cao. Qua sông Tiền thì ghé chợ nổi Cái Bè. Khách muốn ghé ghe hàng nào thì nhìn lên cây bẹo dựng cao treo lủng lẳng khoai mì, khoai lang, dưa hấu, khóm, mía… Quay về cập bến sông miệt vườn cù lao An Bình, nghe đờn ca tài tử trong vườn cây trái giữa bốn bề sóng nước.

Đường giao thương

Điều thú vị chúng tôi nhận ra ở những vùng sông rạch Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ là người dân chủ yếu sử dụng ghe, xuồng máy, xuồng chèo trên sông khá hiền hòa; thì trên những dòng kinh thẳng đuột họ đi vỏ lãi composit xé nước Đồng Tháp Mười hay chạy như bay giữa bạt ngàn vuông tôm miệt Bạc Liêu, Cà Mau. 

Từ đường sông mưu sinh, trao đổi, mua bán hàng hóa, những tuyến giao thông thủy mở ra con đường giao thương quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hội ĐBSCL.

Nhiều nhà máy, khu công nghiệp tận dụng thế mạnh đường sông thuận tiện vận chuyển nguyên- vật liệu.

 

5 tuyến vận tải thủy từ ĐBSCL về các cảng TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa- Vũng Tàu:

- Tuyến TP Hồ Chí Minh- Kiên Lương qua kinh Lấp Vò: 320km.

- Tuyến TP Hồ Chí Minh- Kiên Lương qua kinh Tháp Mười 1: 288km.

- Tuyến TP Hồ Chí Minh- Cà Mau qua kinh Xà No: 336km.

- Tuyến Vũng Tàu- Thị Vải- TP Hồ Chí Minh- Mỹ Tho- Cần Thơ: 242km.

- Tuyến duyên hải TP Hồ Chí Minh- Cà Mau: 367km.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, mạng lưới sông rạch ĐBSCL phân bố dày đặc với 26.550km sông tự nhiên, mật độ 0,67km/km2, giao thông thủy thuận lợi vào bậc nhất ở nước ta. Khu vực Nam Bộ và ĐBSCL có 3 hệ thống sông chính Đồng Nai, sông Cửu Long và các sông ngắn nối biển Đông với biển Tây. 

Ngoài ra còn có mạng lưới kinh, rạch liên kết các sông với nhau tạo thành hệ thống giao thông đường thủy hết sức thuận lợi. Hiện 13 tỉnh, thành ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đến cuối năm 2013, có gần 230.000 phương tiện được đăng ký, đăng kiểm, chiếm 82% tổng phương tiện cả nước. 

Vận tải thủy ngày càng có sự cạnh tranh lớn, nhất là tốc độ giao hàng nên việc "chạy đua" đổi mới phương tiện rất được quan tâm. Đặc biệt sự xuất hiện của các đoàn phương tiện có trọng tải lớn 2.000- 3.000 tấn và nhiều phương tiện tự hành vận chuyển container.

 

Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV, cho biết: "Vận chuyển đường thủy chậm hơn đường bộ về thời gian, bốc dở hàng, nhưng lợi hơn nhiều. 

Hiện khoảng 70% lượng gạo của doanh nghiệp từ Vĩnh Long vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh bằng đường sông". Một doanh nghiệp sản xuất, chế biến lúa gạo ở Cần Thơ so sánh thời gian vận chuyển từ Thốt Nốt đi TP Hồ Chí Minh khoảng 24 giờ, chậm hơn đường bộ khoảng 5 giờ, nhưng có thể vận chuyển số lượng lớn, giá chỉ bằng 1/3 so với đường bộ.

Ưu thế đó không ngừng phát huy, nhất là thời gian gần đây nhu cầu chuyên chở nguyên liệu, nông sản… dần chuyển sang các loại ghe tàu, xà lan. Anh Nguyễn Văn Tâm- chủ xà lan 650 tấn, chuyên chở nguyên liệu sản xuất thức ăn từ các tỉnh ĐBSCL đi Đồng Nai và chở thức ăn thành phẩm chiều ngược lại, cho biết lượng hàng vận chuyển ngày càng tăng.
 
"Đoàn xà lan của anh em, bà con tôi ở vàm sông Măng Thít hơn 30 chiếc nhưng vẫn không chở hết hàng"- anh Tâm nói. Một doanh nghiệp kinh doanh gạch men ở TX Bình Minh chỉ chuyển hàng bằng đường bộ, hiện đang tìm hướng vận chuyển đường sông qua việc xúc tiến thuê mặt bằng tại cảng Cái Cui (Cần Thơ), hàng hóa từ các nơi chuyển bằng xà lan về kho trung chuyển rồi đem đi phân phối.

2 tuyến sông huyết mạch sông Tiền và sông Hậu có vô số kinh rạch nối kết tạo thành những tuyến giao thông thủy rất thuận lợi. Chẳng hạn, sông Vàm Nao (An Giang) nối sông Tiền với sông Hậu như một dấu gạch ngang của chữ H, dài chỉ 6,5km nhưng là "tuyến quá cảnh" thuộc tuyến sông Hậu từ cửa Định An qua Vàm Nao và sông Tiền đến cảng Phnom Penh (Campuchia). 

Sông Măng Thít dài hơn 48km nối nhánh Cung Hầu của sông Tiền chạy qua Vĩnh Long tới sông Hậu tại cù cao Mây (Trà Ôn). 

Tuyến sông nối liền ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, đóng vai trò kết nối trung chuyển hàng nông sản từ các tỉnh ĐBSCL lên TP Hồ Chí Minh và chiều ngược lại, hàng công nghiệp tiêu dùng, vật liệu xây dựng về miền Tây. Sông Măng cũng tiếp đón hàng chục du thuyền lớn nhỏ xuôi ngược ngày đêm, đưa du khách lênh đênh sông nước Cửu Long, qua Campuchia trên dòng Mekong.

Một số tuyến đường sông nhộn nhịp trên đây, sẽ đi cùng chúng tôi trong hành trình tiếp theo của phóng sự thực tế đời sống ghe tàu hàng hóa.

 

Năm 2009, Hiệp định vận tải đường thủy Việt Nam- Campuchia cho phép tàu sông của Campuchia đi xuôi dòng Mekong từ Campuchia đến cảng nước sâu Cái Mép. Việc liên kết cảng Phnom Penh với cảng Cần Thơ, các cảng ở TP Hồ Chí Minh và mở tuyến container để nối các cảng này với nhau tạo thành tuyến vận tải thuận lợi. Lượng hàng container vận tải bằng đường thủy tăng lên rất nhanh.

Kỳ sau: Đời xà lan "lang thang"

 

Quay lại