Xuất bản thông tin
Chiều 1/8, trong buổi làm việc tại Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã chỉ đạo ngành ĐTNĐ phải quyết liệt đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp để khai thác hiệu quả các tuyến ĐTNĐ...
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tại buổi làm việc |
Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III cho hay, đơn vị này hiện đang quản lý 792 cảng bến, trải dài trên 1.500km sông, kênh, rạch thuộc 8 tỉnh, thành phố gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và TP. HCM. Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đều chưa hoàn thiện công tác quy hoạch chi tiết cảng bến thủy nội địa, do vậy, các cảng bến thiếu sự đầu tư kiên cố lâu dài, hoạt động còn phân tán, nhỏ lẻ.
Cũng theo ông Thạch, hiện nay, việc chuyển giao quyền cấp phép cảng bến cho các địa phương, địa bàn quản lý thì chồng chéo nên đã và đang xảy ra tình trạng "nhà nhà có bến", phá vỡ quy hoạch, lấn chiếm luồng lạch…
Mặt khác, Luật Giao thông ĐTNĐ và các văn bản dưới luật chưa đề cập đến việc quản lý không cho xuất bến các phương tiện thủy chở cát khai thác trên sông nên thường xảy ra hiện tượng phương tiện chở quá tải, quá mớn nước cho phép.
Trước khi đến Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III, Thứ trưởng Nguyễn Nhật và đoàn công tác đã đi khảo sát một số tuyến luồng trên địa bàn TP.HCM |
Tại các khu vực có cụm cảng bến thủy nội địa tập trung, đơn vị đã xây dựng văn phòng các tổ công tác, bố trí 02 cảng vụ viên/ca trực nhằm làm tốt chức năng quản lý Nhà nước và tránh tiêu cực. Đối với các cảng bến nhỏ lẻ, Cảng vụ III yêu cầu chủ bến thông báo kế hoạch xếp dỡ hàng tuần và hỗ trợ thông tin về việc phương tiện cập và rời bến, các tổ công tác bám sát, kiểm tra.
Tại các cảng thủy nội địa tiếp nhận tàu biển xuất, nhập cảnh, đơn vị phối hợp với lực lượng Hải quan, Biên phòng, Y tế kiểm dịch thống nhất quy trình kiểm tra, thực hiện thủ tục theo quy định hiện hành theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cùng đó là việc thường xuyên chỉ đạo các cảng vụ kiên quyết không cấp giấy phép rời cảng bến, lập biên bản xử lý vi phạm, yêu cầu khắc phục lỗi đối với phương tiện chở quá tải, trang thiết bị không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Trong năm 2014, đã lập biên bản 1.632 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc Nhà nước gần 1,4 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị tiến hành lập biên bản 780 trường hợp, nộp kho bạc Nhà nước hơn 700 tỷ đồng.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam, mô hình tổ chức của ngành ĐTNĐ hiện nay chưa hiệu quả; còn chồng chéo trong quản lý Nhà nước giữa ĐTNĐ, Hàng hải và các địa phương. Về văn bản quy phạm pháp luật, mặc dù đã có các văn bản luật và dưới luật tương đối đầy đủ nhưng vẫn chưa quản lý hết các vấn đề, vẫn còn những "lỗ hổng" cần rà soát lại để tham mưu bổ sung, hoàn thiện hơn. Về vấn đề đầu tư, tới đây Cục sẽ đề xuất để có những đột phá…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, sau 30 năm đổi mới, ĐTNĐ đã có những bước phát triển nhưng cần phải tiến nhanh hơn nữa mới đáp ứng với nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời kỳ mới. Hiện vận tải ĐTNĐ mới chỉ đạt 17%, hàng hải là 5,2%, cộng lại mới chỉ đạt trên 22%. Đối với ĐBSCL, mặc dù có hệ thống sông ngòi dày đặc, chiếm khoảng 60% tổng số sông ngòi của cả nước; trong khi đó, vận tải bằng ĐTNĐ hiện tại còn rất yếu. Việc đầu tư xây dựng cầu đường tại khu vực ĐBSCL rất tốn kém, còn ĐTNĐ thì lãng phí vì chưa khai thác được thế mạnh. Như vậy thì rất nhiều hàng hóa như nông sản, vật liệu xây dựng… đắt đỏ là điều dễ hiểu.
Thứ trưởng cũng chỉ ra những bất cập trong quản lý các tuyến ĐTNĐ; những điểm yếu từ việc chưa tạo được sức hút cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng bằng ĐTNĐ; sự thiếu đồng bộ và các "rào cản" từ hệ thống cơ sở hạ tầng…
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cắt băng khánh thành công trình nâng cấp Nhà điều hành Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III |
"Chính phủ đã có chỉ đạo, bằng mọi cách, từ nay dến 2020 phải đưa vận tải ĐTNĐ và hàng hải lên 30%. Chúng ta phải đưa hàng xuống đường thủy. Quan trọng là quản lý Nhà nước bằng cơ chế chính sách, tạo sự thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với những chính sách khuyến khích từ phía Nhà nước, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng chỉ đạo: Việc cần phải làm ngay là ngay trong giữa tháng 8 này, Cục ĐTNĐ phải trình lãnh đạo Bộ đề án cải tổ bộ máy từ Cục ĐTNĐ đến các Chi cục, các Cảng vụ, các công ty cổ phần… Phải thay đổi cách quản trị để mọi thứ tốt lên, để đời sống cán bộ nhân viên được nâng cao… Bên cạnh đó, phải thể chế hóa Luật ĐTNĐ để thực hiện triển khai hiệu quả. Phải cải cách hành chính mạnh mẽ, tinh gọn và đơn giản hóa, cần có sự thống nhất trong quản lý.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng lưu ý Cục ĐTNĐ khẩn trương trình kế hoạch nạo vét luồng ĐTNĐ 2016, cần duy tu các tuyến ĐTNĐ để đưa vào khai thác thay vì đề xuất làm những tuyến mới, gây lãng phí, tốn kém…
Theo baogiaothong.vn
New articles
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ giữa hai Bộ trưởng
- Đại hội Công đoàn Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V lần thứ I, nhiệm kỳ 2024- 2028
- Thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024
- Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 “Chuyển đổi để bứt phá”
- Kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn đường thủy tại nhiều địa phương