Xuất bản thông tin
Tuyến đường thủy trên sông Đồng Nai đoạn qua cầu Ghềnh, đang dần thông thoáng trở lại sau khi cây cầu bị đâm sập...
Tuyến luồng sông Đồng Nai đã thông trở lại - Ảnh: Vĩnh Phú |
Tuyến đường thủy trên sông Đồng Nai đoạn qua cầu Ghềnh, đang dần thông thoáng trở lại sau khi cây cầu này bị sà lan chở cát đâm sập hôm 20/3 nhờ sự vào cuộc tích cực của các đơn vị tham gia điều tiết giao thông.
Giải tỏa ùn ứ sông Đồng Nai
Ngày 24/3, ông Vũ Trung Tá, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 10 cho biết, đã cho những phương tiện nhỏ qua lại không cần thiết đi theo con nước, nhưng phương tiện lớn vẫn phải đi theo con nước để đảm bảo an toàn. Dự kiến đến 26/3, các phương tiện phục vụ trục vớt cầu Ghềnh gồm sà lan và cẩu sẽ được tập kết để trục vớt, thanh thải dưới lòng sông.
"Hiện tại chúng tôi đã huy động 25 người thay phiên nhau trực phối hợp với các đơn vị khác tiếp tục đóng chốt 24/24h đảm bảo ATGT thủy", ông Tá nói.
Chiều 24/3, Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN Hoàng Hồng Giang chủ trì cuộc họp trực tuyến với Chi cục ĐTNĐ phía Nam, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III về phương án đảm bảo an toàn phương tiện thủy lưu thông qua cầu Ghềnh. Ông Giang chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các thủ tục cần thiết để từ ngày 28/3 lập hai vùng nước neo đậu phương tiện thủy (thượng và hạ lưu cầu) trước khi cho đi qua cầu Ghềnh. Các phương tiện khi đến đây phải dừng lại, được lực lượng cảng vụ đường thủy kiểm tra các điều kiện an toàn thực tế, sau đó mới được cấp giấy phép lưu thông.
Bên cạnh đó, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III thống nhất với lực lượng CSGT đường thủy về việc tổ chức điều tiết phương tiện đi qua khu vực cầu Ghềnh, tránh chồng chéo, gây phiền hà.
Được biết, mới đây Cục cũng có văn bản giao hai đơn vị trên lập tổ kiểm tra an toàn phương tiện thủy trước khi cho qua cầu.
Hết lòng phục vụ hành khách
Lãnh đạo ga Sài Gòn cho biết, trong hai ngày 23-24/3 đã trung chuyển hành khách bằng tàu đi ga Sóng Thần và ngược lại 18 lượt đi về với số lượng gần 3 nghìn hành khách (tính đến đầu giờ chiều 24/3). Chị Nguyễn Hồng Anh, một hành khách đợi trung chuyển tàu SE6 (xuất phát lúc hơn 12h cùng ngày) cho biết, chị đặt mua vé đi Huế cách đây hơn 10 ngày. Sau sự cố cầu Ghềnh, chị đã định đổi trả vé để đi phương tiện khác. Tuy nhiên, khi biết thông tin ngành Đường sắt tổ chức trung chuyển, khách được phục vụ rất tốt nên tiếp tục đi tàu.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Thái Văn Truyền, Giám đốc Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam cho biết: "Cầu Ghềnh bị sập, ngành Đường sắt tổn thất rất lớn, khách hàng cũng chịu thiệt thòi vì phải trung chuyển. Hành khách chia sẻ với ngành, mình càng phải trân trọng. Chúng tôi sẽ hết lòng phục vụ hành khách đi tàu", ông Truyền nói.
Cũng theo ông Truyền, ngay sau khi xảy ra sự cố, Đoàn đã thành lập ngay các tổ tiếp viên đặc biệt thường trực 24/24h tại các ga Sóng Thần, Biên Hòa và Nha Trang để hướng dẫn, hỗ trợ hành khách. Riêng tuyến Sài Gòn - Sóng Thần, Đoàn có ba tổ tiếp viên theo các đoàn tàu phục vụ khách trung chuyển.
Ga Sài Gòn điều chỉnh giờ tàu chạy Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn vừa điều chỉnh giờ tàu đi và đến ga Sa Gòn, áp dụng từ 17h ngày 31/3. Theo đó, tàu khởi hành tại ga Sài Gòn sẽ xuất phát sớm hơn một giờ và tàu đến ga Sài Gòn sẽ muộn hơn một giờ. Những hành khách nhỡ tàu do thay đổi giờ khởi hành sẽ được bố trí đi chuyến tàu kế tiếp hoặc hoàn trả lại 100% tiền vé. |
Theo Báo Giao thông
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương