Xuất bản thông tin
Không trang bị áo phao, vật nổi cứu sinh hoặc có nhưng hành khách không mang, không mặc... là những hình ảnh dễ thấy ở nhiều bến đò ngang trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Mặc dù đã có nhiều tai nạn thương tâm từ những bến đò ngang, thế nhưng nhiều người vẫn phớt lờ với những cảnh báo mất an toàn, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Hiện nay, nhiều bến đò ở huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Bình Sơn đều không đảm bảo các quy định về an toàn giao thông đường thuỷ. Tại bến đò xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà, ngay cả người lớn và những em học sinh qua sông trên chuyến đò hầu như đều không quan tâm đến việc mặc áo phao để đảm bảo an toàn cho chính mình. Họ cho rằng, với tình hình mưa gió và nước sông chưa đến mức cần phải mặc áo phao? hoặc suy nghĩ chỉ có vài phút thì mặc vào, cởi ra mất công.
Bà Đinh Thị Hải, xã Sơn Hải kể: "Khi đi qua sông thì nước lớn, có trẻ nhỏ bị chìm và đã chết".
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do công tác tuyên truyền, phối hợp, quản lý đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa chưa được quan tâm đúng mức. Chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường thủy chưa nhận thức đầy đủ và chấp hành nghiêm các quy định. Bên cạnh đó, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra của chính quyền địa phương, các ngành chưa thường xuyên, đồng bộ.
Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, các chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải có trách nhiệm trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng cho hành khách, thuyền viên và người lái. Mọi hành khách, thuyền viên và người lái phương tiện qua sông phải mặc áo phao từ khi rời bến đến khi cập bến. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều chủ phương tiện không trang bị áo phao, nhiều hành khách không chịu mặc áo phao.
Ông Huỳnh Ngà, Chánh Thanh tra giao thông, Sở Giao thông Quảng Ngãi cho biết: "Chúng tôi kiểm tra các thiết bị an toàn và kỹ thuật phương tiện, nếu phương tiện nào đủ điều kiện thì chúng tôi cho hoạt động, phương tiện nào không đủ điều kiện thì chúng tôi đình chỉ hoạt động. Chúng tôi tổ chức cấp áo phao cho các phương tiện để đảm bảo cho người dân đi lại an toàn. Chúng tôi làm việc với địa phương để có trách nhiệm theo dõi và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy."
Thiết nghĩ, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi cần tăng cường phối hợp với chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện, cũng như người tham gia giao thông đường thủy nội địa chấp hành tốt các quy định về Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát về mức độ an toàn giao thông ở các bến đò, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân mỗi khi qua đò, nhất là khi mùa mưa lũ đang đến gần.
Theo ANTV
New articles
- Kiểm tra việc thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, công bố hoạt động khai thác bến thuỷ nội địa trên đường thuỷ nội địa quốc gia tại Sở GTVT thành phố Cần Thơ
- Hội nghị ban công tác 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ Quý IV/2024
- Công điện KHẨN tập trung ứng phó với bão số 4 trên biển Đông
- Danh sách vị trí hạn chế luồng trên ĐTNĐ quốc gia bảo vệ công trình cầu
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ủng hộ người dân bị ảnh hưởng của bão Yagi