Xuất bản thông tin
Dù các cảng bến đều có lực lượng chức năng kiểm soát nhưng vẫn xảy ra tình trạng tàu thủy chở khách quá tải, không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bát nháo trong dịch vụ vận tải.
Hành khách đổ xô lên tàu HP-3767 với vài chục chiếc ghế được kê thêm trên boong |
Có mặt cảng vụ vẫn ngang nhiên vi phạm
Nhiều ngày thực tế cùng đoàn kiểm tra của Chi cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phía Bắc (từ 20 - 25/6) tại địa bàn Hải Phòng, PV Báo Giao thông chứng kiến nhiều phương tiện tuyến vận tải khách Bến Bính (sông Cấm) - đảo Cát Bà không đảm bảo, mất ATGT đường thủy. Điển hình là tàu Mekong Hoàng Yên 2 mang số hiệu HP - 3767 của Công ty CP vận tải và du lịch Hải Phòng, với vài chục ghế được đặt thêm trên boong và cải tạo khu vực bar của tàu cũ thành chỗ ngồi cho hơn chục người.
Sáng 20/6, tàu Mekong Hoàng Yên 2 có lịch xuất bến lúc 9h, nhưng do trước đó nhận thấy sự có mặt của lực lượng chức năng kiểm tra nên thuyền viên "câu giờ" bằng cách đưa tàu đi lấy dầu và 30 phút sau mới trở lại bến. Tại bến khách cũng do công ty trên quản lý, trong thời gian chờ tàu còn diễn ra cảnh hành khách chen chúc, giành chỗ để được lên tàu trước. Có hành khách đã bức xúc, to tiếng với nhà tàu vì không được bố trí chỗ ngồi. Lý do là trên tất cả các tấm vé tàu không hề có thông tin về số ghế, giờ chạy tàu, mặc dù ghế trên tàu đều đánh số thứ tự. Điều này khác hẳn với tuyên bố của giám đốc Công ty CP vận tải và du lịch Hải Phòng khi trả lời PV đồng thời đổ lỗi cho hành khách về việc không vào phòng chờ, mà chỉ thích đứng chen lấn để chờ tàu (!?).
"Qua kiểm tra, chi cục đã phát hiện, xử phạt gần 20 trường hợp phương tiện, thuyền viên vi phạm Luật Giao thông ĐTNĐ. Chi cục sẽ kiến nghị Cục ĐTNĐ Việt Nam có văn bản đề nghị các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh chấn chỉnh công tác quản lý vận hành, khai thác vận tải đường thủy để đảm bảo an toàn nhất cho hành khách ngay từ cảng, bến". Ông Nguyễn Công Minh |
Theo chứng kiến của PV, nghiêm trọng hơn là khi tàu cập bến, hành khách còn tràn lên tàu vượt quá số lượng 160 người mà phương tiện được phép chở, bất chấp một cảng vụ viên (của Cảng vụ ĐTNĐ Hải Phòng) đang có mặt tại đó để kiểm soát. Nhiều khách được cho lên boong, ngồi cả trên những chiếc ghế gỗ di động. Theo giải thích của thuyền viên trước đó là "chỉ dùng cho thuyền viên nghỉ ngơi".
Chỉ đến khi lực lượng Thanh tra - an toàn của Chi cục ĐTNĐ phía Bắc kiên quyết yêu cầu tàu không được chở quá tải, nhà tàu mới đưa một số khách xuống. Trong khi đó, tại thời điểm kiểm tra, giám đốc của đơn vị kinh doanh không xuất trình được hồ sơ, giấy tờ liên quan đến thuyền viên, phương tiện và hẹn sẽ xuất trình vào buổi chiều. Một số người dân bán hàng tại khu vực cụm bến trên cho biết, tình trạng tàu chở quá tải thường xuyên diễn ra, nhất là vào các ngày cuối tuần.
Cũng tại cụm Bến Bính, đoàn kiểm tra phát hiện một số tàu khách khác chung tình trạng là nhà tàu bán vé nhưng không ghi số ghế ngồi, không bố trí phao cứu sinh gần chỗ hành khách ngồi hoặc dưới gầm ghế.
Còn tại bến Đình Vũ, dù tàu chuẩn bị xuất bến chở khách đi đảo Cát Hải nhưng kíp thuyền viên tàu khách HP-2232 của Công ty vận tải Hoàng Long không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến phương tiện, thuyền viên.
Lơi lỏng kiểm tra
Ông Đặng Thế Quang, Phó trưởng phòng Pháp chế của Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết, những vụ việc trên cho thấy có sự lơi lỏng trong việc kiểm soát các điều kiện thực tế của phương tiện thủy chở khách, gây mất trật tự ATGT và lộn xộn trong dịch vụ vận tải. Không chỉ Hải Phòng, tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tuy không có trường hợp phương tiện chở khách quá tải, nhưng cũng phát hiện một số phương tiện chở khách tuyến Cái Rồng - đảo Cô Tô, đảo Quan Lạn tự ý thay đổi thiết kế hoặc không tuân thủ các quy định về an toàn.
Đoàn công tác kiểm tra ngẫu nhiên tàu khách QN-4495 đã cập bến Cái Rồng, phát hiện những chiếc ghế ngồi của tàu này không được định vị cố định trong khoang khách và xoay ngang dọc theo các hướng khác nhau, trên tàu không có bảng hướng dẫn hành khách sử dụng áo phao cứu sinh. Thuyền viên trên tàu thừa nhận việc tự ý thay đổi vị trí ghế ngồi để "chiều khách", còn khi đi đăng kiểm lại sắp xếp lại theo đúng hồ sơ kỹ thuật. Không chỉ vậy, hành lang hai bên mạn tàu dùng để làm lối thoát hiểm cho hành khách bị chắn bởi những bao tải hàng hóa.
Tương tự, tàu khách QN-1216 chạy tuyến Cái Rồng - Cô Tô trong tình trạng khá nhiều hàng hóa, vật dụng nặng xếp trên nắp tàu, hành lang tàu và phao cứu sinh cất kín trong bao tải, nhưng vẫn được cập bến mà không hề bị cơ quan cảng vụ tại đây kiểm tra, xử phạt. Tàu cao tốc QN-7276 chạy từ đất liền ra đảo Cô Tô tuy đã trang bị thiết bị nhận dạng tự động (AIS) nhưng lại không hoạt động được vì nhà tàu cất trong… tủ.
Thực tế trên cho thấy, việc quản lý khai thác vận hành của lực lượng chức năng tại cảng bến bị buông lỏng, đe dọa sự an toàn của hành khách. Ngay cả với tàu du lịch cũng vậy khi đến nay chưa có tàu du lịch nào tại Hải Phòng, Quảng Ninh gắn biển hiệu phương tiện thủy chở khách du lịch theo quy định. Có những trường hợp, những việc kiểm soát dù đơn giản cũng bị bỏ qua.
Tại bến Cái Bèo thuộc đảo Cát Bà, tàu HP-2521 chuẩn bị xuất bến đưa khách du lịch vịnh Cát Bà nhưng bị phát hiện Tem đăng kiểm đã hết hạn từ tháng 11/2015. Vì thế, Đoàn kiểm tra đề nghị không cho xuất bến. Một lúc sau, chủ tàu mới xuất trình được giấy tờ Tem đăng kiểm còn hiệu lực, với lý do trong 6 tháng qua quên chưa… dán lên phương tiện.
Theo Hồng Xiêm (Báo Giao thông)
New articles
- Gặp mặt cán bộ hưu trí Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, xuân Ất Tỵ 2025
- Thông báo lịch tiếp công dân định kỳ của Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam năm 2025
- Thư chúc mừng năm mới 2025 của Cục trưởng Bùi Thiên Thu
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa