Xuất bản thông tin
Năm 2018, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐ) đã tích cực tổ chức đấu thầu, áp dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại hóa công tác bảo trì kết cấu hạ tầng (KCHT) ĐTNĐ và đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đây là những tiền đề quan trọng để năm 2019 Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, góp phần giảm tải cho đường bộ, phát huy tiềm năng lợi thế quốc gia.
TIẾP TỤC ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Cục đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện chương trình kế hoạch cải cách TTHC; tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đối với 06 thủ tục hành chính và đề nghị không triển khai đối với 02 thủ tục; rà soát báo cáo và được Bộ GTVT chấp thuận cắt giảm 04 thủ tục và thực hiện đơn giản hóa 17 thủ tục. Bên cạnh đó, Cục cũng đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết các TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp. Năm 2018, Cục tiếp nhận và giải quyết đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Cục và các đơn vị thuộc Cục (các Chi cục và Cảng vụ) đúng quy định đạt 342.180 hồ sơ, trong đó thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua mạng và qua tin nhắn là 137.570 hồ sơ, chiếm 40,2%, không có hồ sơ quá hạn.
Năm 2018 cũng là năm thứ 3 Cục ĐTNĐ Việt Nam tiến hành đấu thầu, đặt hàng và ký hợp đồng công tác quản lý, bảo trì thường xuyên các tuyến ĐTNĐ đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm cho ngân sách 3%-5%. Tăng cường các giải pháp quản lý, sử dụng nguồn NSNN, theo quy định. Bên cạnh đó, công tác ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong quản lý, bảo trì cũng được đẩy mạnh. Cục ĐTNĐ đã triển khai phần mềm quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng, thiết bị báo hiệu và cảng bến trên toàn quốc, hoàn thiện phần mềm và cập nhật toàn bộ dữ liệu kết cấu hạ tầng lên Cổng thông tin điện tử của Cục, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu công tác và các phương tiện thực hiện công tác điều tiết, bảo đảm giao thông tại các vị trí cầu; tập trung nghiên cứu hiện đại hóa 2 hành lang vận tải mẫu; tăng cường công tác quản lý KCHT và giám sát, điều hành giao thông ĐTNĐ thông qua việc ứng dụng KHCN.
Đồng thời, Cục cũng đẩy mạnh xây dựng chương trình triển khai kế hoạch Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ GTVT, kế hoạch tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực ĐTNĐ, triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN lĩnh vực ĐTNĐ, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Phối hợp với Ban Quản lý dự án 7 kiểm tra hiện trường các cầu có kích thước khoang thông thuyền và tĩnh không chưa đúng cấp kỹ thuật ĐTNĐ, đề xuất Bộ GTVT xin chủ trương đầu tư nâng cấp tĩnh không thông thuyền một số cầu trên tuyến ĐTNĐ phía Nam...
GIẢI QUYẾT NÚT THẮT CÁC TUYẾN VẬN TẢI HUYẾT MẠCH
Năm 2019, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, đặc biệt các cơ chế, chính sách thông thoáng để khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ, xúc tiến các nguồn vốn ODA. Cục cũng sẽ kiến nghị Chính phủ bố trí vốn để triển khai thực hiện theo Hiệp định đã ký kết đối với cục công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam với chi phí đầu tư dự kiến là 300 triệu USD, trong đó dự kiến 250 triệu USD từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng thế giới (WB), 50 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ; kiến nghị Bộ GTVT cân đối, bố trí nguồn vốn để tâp trung giải quyết những nút thắt về hạ tầng trên các tuyến vận tải huyết mạch như: Nâng cấp kênh Chợ Gạo - giai đoạn 2; cải tạo, nâng cấp tĩnh không cầu Đuống trên hành lang vận tải thủy số 1...
Đặc biệt, Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về bảo trì, định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý, bảo trì ĐTNĐ theo hướng tăng cường ứng dụng KHCN, vật liệu mới để nâng cao chất lượng, năng suất, hạ giá thành, xây dựng để Bộ GTVT trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý và bảo trì công trình ĐTNĐ.. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệm vật liệu mới trong lĩnh vực bảo trì như: Xây dựng thủy đồ điện tử, lắp đặt các vị trí đọc mực nước tự động, sử dụng phao báo hiệu bằng vật liệu nhựa PE thay thế cho phao báo hiệu cũ. Tiếp tục chuyển đổi mô hình quản lý từng tuyến nhỏ sang mô hình quản lý hành lang vận tải lớn. Áp dụng công nghệ cao, vật liệu mới có độ bền cao trong công tác sản xuất, thay thế báo hiệu trên bờ trên các tuyến ĐTNĐ quốc gia. Hoàn thành kiểm tra, kiểm kê và lập hồ sơ lý lịch tài sản kết cấu hạ tầng ĐTNĐ trên toàn quốc. Tăng cường công tác quản lý đấu thầu, công tác kiểm tra, giám sát quản lý, bảo trì thường xuyên ĐTNĐ theo quy định.
Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tiếp tục triên khai kế hoạch Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT, kế hoạch tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực ĐTNĐ, triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN inh vực ĐTNĐ, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương