Xuất bản thông tin
Do luồng bị bồi lấp, các loại tàu cá, tàu khách phải rất vất vả để ra vào cảng Phan Thiết, nguy cơ "mắc cạn" mất ATGT luôn thường trực.
Cảng Phan Thiết bị bồi lấp gây khó khăn cho hoạt động giao thông Hàng hải
"Kẹt" đường vào cảng
Cảng Phan Thiết là cửa ngõ nối thông ra biển thuộc khu vực cửa sông Cà Ty, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Cảng có vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận tàu thuyền vận chuyển hành khách, hàng hóa từ đất liền ra đảo Phú Quý, xuất nhập hàng hóa của tỉnh Bình Thuận, đồng thời cũng là cảng cá phục vụ hàng nghìn tàu cá của ngư dân Bình Thuận và các tỉnh khác đến. Tuy nhiên, tuyến luồng và vùng nước trước cảng Phan Thiết những năm gần đây chưa được nạo vét, duy tu kịp thời gây khó khăn cho tàu thuyền cập cảng và hoạt động Hàng hải.
Ông Nguyễn Phi Long, Thuyền trưởng tàu cá BTH 96003TS cho biết, tình trạng bồi lấp tại khu vực cửa biển ngày càng nghiêm trọng, tàu thuyền không thể thường xuyên ra vào được mà phải chờ thủy triều, nguy cơ gây mất an toàn Hàng hải rất cao.
Thực tế, sáng 5/9 vừa qua, tàu khách Bình Thuận 16 chở theo 150 hành khách và hàng chục tấn hàng hóa chạy từ đảo Phú Quý vào Phan Thiết đã bị mắc cạn tại khu vực cách cảng Phan Thiết khoảng hai hải lý. "Khi tàu từ huyện Phú Quý về TP Phan Thiết ngay lúc thủy triều bắt đầu dâng, có thể lái tàu không nhìn rõ khu vực bị bồi lấp nên đã bị mắc cạn", một thuyền trưởng tàu khách tuyến Phan Thiết, Phú Quý nói.
Nhận nạo vét luồng theo hình thức xã hội hóa rồi... bỏ đấy
Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận cho biết, tình trạng cửa biển bị bồi lấp gây khó khăn cho việc cập cảng đã xảy ra từ nhiều năm nay. Do cửa biển bị bồi lấp, các tàu ra vào cảng phải trông theo thủy triều để không bị mắc cạn.
Phía Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận cũng cho hay, năm 2013 đã có doanh nghiệp tư nhân thực hiện việc nạo vét đảm bảo nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa và an toàn cho hoạt động hàng hải của tàu thuyền. Theo đó, Công ty TNHH Doanh Thương Việt Nhật là chủ đầu tư thực hiện dự án thi công nạo vét tuyến luồng, khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão và vùng nước vào cảng Phan Thiết theo hình thức xã hội hóa, tận thu sản phẩm, bù chi phí, không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Dự án có khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 4,6 triệu m3. Chiều dài nạo vét tuyến luồng và vùng nước vào cảng Phan Thiết có tổng chiều dài 4.200 m. Thế nhưng đã gần hai năm kể từ ngày triển khai, đơn vị thực hiện chỉ mới nạo vét được 46 nghìn m3, tức chỉ đạt 1% khối lượng và hiện nay đã tạm dừng thi công. Khối lượng trên là chưa đạt so với tiến độ thực hiện dự án. Chủ đầu tư viện nguyên nhân khách quan như: Mật độ rác thải rất dày, thành phần rác thải hỗn tạp gây khó khăn trong việc hút vận chuyển cát thi công đến khu đổ thải, việc thực hiện thi công dự án trong khu vực có sóng to, gió lớn gây trở ngại lớn cho các phương tiện thi công.
Trước thực trạng dự án đang chậm tiến độ vào giữa tháng 7, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã có công văn báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu Công ty TNHH Doanh Thương Việt Nhật cần khẩn trương điều động bổ sung thêm máy móc, phương tiện thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đảm bảo kịp thời khơi thông tuyến luồng và vùng nước vào cảng Phan Thiết cho tàu thuyền ra, vào được thuận lợi, an toàn.
Việc nạo vét khơi thông luồng bằng hình thức xã hội hóa, tận thu sản phẩm, bù chi phí, không sử dụng ngân sách Nhà nước là cần thiết nhưng quá trình nạo vét thì đơn vị thi công không hiểu vì nguyên nhân gì lại chưa triển khai thực hiện dự án một cách rốt ráo. Kết quả là luồng cứ kẹt, chủ tàu khổ vẫn hoàn khổ.
Theo Báo giao thông
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương