Xuất bản thông tin
Tình trạng người lái đò và hành khách đi đò không mặc áo phao diễn ra phổ biến ở Phú Thọ.
Đò hoạt động ở bến Chiểu Dương không có hành khách nào mặc áo phao |
Trên địa bàn Phú Thọ hiện có khoảng 20 bến đò ngang, tập trung nhiều nhất trên tuyến sông Hồng và sông Lô. Tuy nhiên, một trong những quy định bắt buộc đối với chủ đò và hành khách đi đò là mặc áo phao để đảm bảo ATGT vẫn đang bị bỏ quên.
Trưa 25/5, con đường mòn nối từ QL32 vào bến đò Lời thuộc địa phận xã Hồng Đà, huyện Tam Nông, Phú Thọ nườm nượp người, xe. Những người dân sống bên kia sông đang hối hả đón chuyến đò trưa. Chủ đò luôn tay thu tiền, giục khách bước lên đò. "Đi xe máy thì mỗi người 10 nghìn đồng, ai đi hai người thì nộp thêm 5 nghìn nữa", chủ đò giục giã.
Bến đò Lời nối liền hai đầu sông Hồng, một bên là xã Hồng Đà, một bên là xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Tại bến đò này, luôn có hai con đò luân phiên hoạt động, dù vị trí của bến đò Lời cách không xa cầu Trung Hà nhưng vẫn có rất nhiều người dân địa phương chọn cách đi đò. Hai bên mạn đò có hơn chục chiếc áo phao treo ngay ngắn, phía trên nóc con đò cũng có phao cứu sinh nhưng đều được chằng buộc kiên cố, mọi người trên đò không ai mặc áo phao.
"Trung bình mỗi ngày cô chạy khoảng 15-20 chuyến đò, mỗi chuyến ít nhất hơn chục người. Áo phao treo cho đúng quy định thôi, chứ ai mặc làm gì", chủ đò giải thích.
Tại bến đò Chiểu Dương nối từ phường Thọ Sơn, TP Việt Trì, Phú Thọ sang xã Phú Cường, huyện Ba Vì, TP Hà Nội chỉ có duy nhất một con đò hoạt động. Đường đi xuống bến sông để lên đò lòng vòng, khó đi, điểm con đò neo đậu để khách đi lên không có bến bãi kiên cố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn, nhất là khi xe máy từ dưới bến sông lên đò. Giá vé đò Chiểu Dương 20 nghìn đồng/lượt người đi xe máy, nhưng trên đò chỉ trang bị vài chiếc áo phao ở phía khoang điều khiển. Suốt hành trình đò chạy qua sông Hồng, cũng không có hành khách nào mặc áo phao. Những thanh sắt hai bên mạn đò hoen gỉ, rung lên bần bật và kêu leng keng trên suốt hành trình đò sang sông. Chị Hiền, một hành khách trên đò cho biết, do đi đò để sang sông gần hơn nhiều so với đi qua cầu Việt Trì, nên dù hơi sợ, chị vẫn đi. "Tôi chả thấy ai bảo mặc áo phao bao giờ. Khi nào cầu vượt sông kia hoàn thành, tôi sẽ không đi đò này nữa, mùa mưa lũ sợ lắm", chị Hiền nói.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Phú Thọ cho biết, Ban ATGT tỉnh và Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Phú Thọ vừa tiến hành kiểm tra trên tất cả các bến đò đang hoạt động trên địa bàn. Đây là hoạt động thường niên nhằm kiểm tra tình hình đảm bảo ATGT đường thủy trước mùa mưa bão. Kết quả kiểm tra cho thấy, phần lớn các bến đò đều tuân thủ các quy định đảm bảo ATGT đường thủy. "Riêng tình trạng người lái đò và hành khách đi đò không mặc áo phao diễn ra phổ biến, nhưng để xử lý triệt để rất khó. Những trường hợp đó chúng tôi đều nhắc nhở chủ đò nghiêm chỉnh chấp hành quy định mặc áo phao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân cũng như chủ phương tiện trong việc đảm bảo ATGT đường thủy", ông Thanh cho hay.
Theo Hồng Quý (Báo Giao thông)
New articles
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương
- Cục ĐTNĐ Việt Nam tham gia đoàn công tác do đồng chí Trần Hồng Minh - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiểm tra tình hình triển khai thi công xây dựng dự án cao tốc Hậu Giang- Cà Mau- đoạn cao tốc cuối cùng trên trục cao tốc bắc Nam
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ giữa hai Bộ trưởng
- Đại hội Công đoàn Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V lần thứ I, nhiệm kỳ 2024- 2028