Xuất bản thông tin
Mô hình "Bến thủy an toàn" tại Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) được Ban ATGT Quảng Nam triển khai không chỉ đảm bảo ATGT sông nước mà còn góp phần phát triển nhu cầu du lịch của người dân, du khách.
100% hành khách khi xuống tàu đều phải mặc áo phao và ngồi đúng vị trí - Ảnh: Tấn Việt |
Lập lại trật tự vận tải thủy
Vừa cùng gia đình đặt chân xuống ca nô tại bến Cửa Đại (phường Cửa Đại, Hội An) ra đảo Cù Lao Chàm (Hội An), chị Ngô Thị Loan (du khách Hải Phòng) được nhân viên hướng dẫn mang áo phao đúng quy cách, bố trí chỗ ngồi chia đều hai bên mạn ca nô. Phát hiện một số khách "không vui" khi mang áo phao, phía nhân viên ca nô cố gắng thuyết phục. "Xin vui lòng không bỏ áo phao trước khi cập bến, ngồi đúng chỗ để đảm bảo cân bằng…", anh Hồ Sỹ Minh (SN 1984, lái chính ca nô thuộc Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông) thông báo.
Theo anh Minh, an toàn của hành khách là mục tiêu hàng đầu. Đặc biệt, từ tháng 6, Ban ATGT Quảng Nam phát động xây dựng "Bến thủy an toàn", ý thức của các lái chính và nhân viên phục vụ càng được nâng cao. Việc đảm bảo an toàn được thể hiện qua công tác cụ thể: Xếp khách ngồi ngay ngắn, áo phao chỉnh tề. "Các hãng du lịch, kinh doanh vận tải hành khách tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm đã gửi nhân viên, lái tàu đi đào tạo chính quy, đảm bảo quy định về bằng cấp của Bộ GTVT", ông Trần Hưng, Giám đốc Công ty Sông Hội cho biết.
Ban ATGT Quảng Nam đã kiểm tra ngẫu nhiên 37 phương tiện các loại hoạt động trên các tuyến thủy nội địa và 11 tàu cao tốc tại bến Cửa Đại. Kết quả, hầu hết các phương tiện đáp ứng đầy đủ những tiêu chí về đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, vẫn có 10 trường hợp bị lập biên bản vì chở quá số người quy định, tổng tiền phạt 6,4 triệu đồng. Nhờ kiên quyết xử phạt, từ đầu năm 2016 đến nay, tại Quảng Nam không xảy ra TNGT đường thủy. |
Ông Võ Khương, Giám đốc Công ty Du lịch Phương Đông cho biết, trước đây mọi người có phần chủ quan, coi áo phao không quan trọng nhưng giờ mọi người đã thay đổi hẳn. Đơn vị quán triệt đến các lái tàu chạy đúng tốc độ quy định; Tập huấn kỹ năng ứng cứu khi gặp sự cố; Tuyên truyền, vận động hành khách cùng đồng thuận chủ trương mặc áo phao, đưa mô hình đi vào nền nếp.
Ông Nguyễn Phương, thành viên Ban quản lý Bến thủy nội địa Cửa Đại cho biết, toàn bến có 40 công ty tham gia khai thác với 132 phương tiện đăng ký hoạt động. Trong đó, có 122 cano (từ 14 - 36 chỗ) và 10 tàu gỗ. Tất cả phương tiện khi đưa vào sử dụng đều phải trình đầy đủ giấy tờ như: Đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm… mới được chấp thuận vận chuyển khách.
Được biết, khi hoạt động tại bến Cửa Đại còn manh mún, các ca nô sau khi chở khách ra Cù Lao Chàm thường tranh thủ quay đầu để đón lượt khách tiếp theo. Từ năm 2013 trở lại đây, khi lượng phương tiện tăng cao, đủ đáp ứng từ 2.500 - 3.000 khách/ngày, ban quản lý bến ra quy định mỗi ca nô khi xuất bến buổi sáng phải đợi đến đầu giờ chiều mới được quay đầu. Điều này tránh tình trạng các ca nô chạy loạn xạ, dễ gây va chạm hoặc tạo sóng nước mạnh ảnh hưởng đến sự cân bằng của các tàu khác. Ngoài ra, trước khi khởi hành, danh sách hành khách kèm thông tin nhân thân phải được trình lên biên phòng. Sau khi đối chiếu với thực tế, các phương tiện mới được cấp phép xuất bến.
Xử nghiêm vi phạm
Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm thường xuyên phối hợp cùng Ban quản lý bến Cửa Đại tự thành lập tổ kiểm tra nội bộ, kịp thời phát hiện và có hình thức xử phạt đối với các công ty thành viên, cá nhân vi phạm về đảm bảo an toàn. Hình thức kỷ luật nội bộ cao nhất là cấm vận chuyển khách có thời hạn. Quy định này được các bên tham gia nghiêm túc thực hiện thời gian qua.
Thượng tá Trần Văn Ba, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Đại cho hay: "Lực lượng cử bốn cán bộ túc trực tại bến, một người làm công tác rà soát danh sách hành khách, ba người còn lại kiểm tra đột xuất tại các tàu. Chúng tôi cũng kết hợp tuần tra trên mặt nước, khi phát hiện vi phạm là tuýt còi ngay. Đối với tàu bị xử phạt lần thứ ba, biên phòng sẽ tham mưu cho lãnh đạo TP Hội An đình chỉ hoạt động. Từ đầu năm đến nay, đã có ba đơn vị bị đình chỉ hoạt động với thời hạn một tuần".
Theo ông Trương Khuê, Chánh văn phòng Ban ATGT Quảng Nam, bến Cửa Đại là bến có mật độ phương tiện lưu thông cao nhất tỉnh. Ban ATGT tỉnh đã tuyên truyền, kết hợp vận động kinh phí hỗ trợ áo phao, bình chữa cháy… trên các tàu. Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình bến thủy nội địa an toàn ra toàn tỉnh, với mục tiêu kéo giảm tối đa TNGT đường thủy trên địa bàn.
Tấn Việt
New articles
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ giữa hai Bộ trưởng
- Đại hội Công đoàn Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V lần thứ I, nhiệm kỳ 2024- 2028
- Thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024
- Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 “Chuyển đổi để bứt phá”
- Kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn đường thủy tại nhiều địa phương