Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Quyết liệt giảm chi phí vận tải
Từ khóa Xem với cỡ chữ
Vận tải đường thủy nội địa mới ở mức 30,28% thị phần vận chuyển hàng hóa mặc dù tiềm năng này của chúng ta rất lớn.  


Vận tải đường thủy nội địa mới ở mức 30,28% thị phần vận chuyển hàng hóa mặc dù tiềm năng này rất lớn. (Ảnh minh họa)  

Mặc dù được nhiều tổ chức trong và ngoài nước, doanh nghiệp, người dân ghi nhận có những bước tiến vượt bậc về cơ sở hạ tầng giao thông, song Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, ngành GTVT nói chung, lĩnh vực vận tải nói riêng sẽ phải tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa nhằm cung cấp chất lượng dịch vụ vận tải tốt nhất với chi phí thấp nhất. 

Cân đối, hài hòa các phương thức vận tải

Theo đánh giá mới đây của các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có những bước tiến vượt bậc về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ vận tải và logistics… Bộ trưởng có hài lòng về kết quả này?

Tôi muốn mọi cán bộ, công nhân viên trong toàn ngành chỉ nên coi những đánh giá, ghi nhận đó là một sự cổ vũ, khích lệ đồng thời cho chúng ta biết những gì sẽ còn phải làm. Luôn còn rất nhiều việc phải làm. Đó là đặc trưng công việc của chúng ta. Trách nhiệm của ngành và của cá nhân tôi còn rất nặng nề, chưa thể bằng lòng với bất cứ kết quả nào.

"Tôi muốn mọi cán bộ, công nhân viên trong toàn ngành chỉ nên coi những đánh giá, ghi nhận đó là một sự cổ vũ, khích lệ đồng thời cho chúng ta biết những gì sẽ còn phải làm. Luôn còn rất nhiều việc phải làm. Đó là đặc trưng công việc của chúng ta. Trách nhiệm của ngành và của cá nhân tôi còn rất nặng nề, chưa thể bằng lòng với bất cứ kết quả nào".

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Bởi vì, so với nhu cầu phát triển đất nước và của người dân, GTVT nước ta nói chung và lĩnh vực vận tải nói riêng vẫn còn những hạn chế. Dễ thấy nhất là cơ cấu phát triển các phương thức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của từng phương thức vận tải, trong khi tính kết nối giữa các phương thức này còn yếu; Năng lực của các doanh nghiệp tham gia thị trường chưa đồng đều… Thực trạng vừa nêu đòi hỏi cần phải tiếp tục quyết liệt đẩy mạnh việc tái cơ cấu lĩnh vực này, bằng những việc rất cụ thể.

Chẳng hạn, vận tải đường bộ hiện vẫn chiếm thị phần 61,43% về vận chuyển hàng hóa và 95,75% vận tải hành khách, gây quá tải một cách vô lý. Vận tải đường thủy nội địa mới ở mức 30,28% thị phần vận chuyển hàng hóa mặc dù tiềm năng này của chúng ta rất lớn. Vận tải bằng các hình thức khác cũng đang còn rất thấp: Đường sắt chỉ khoảng 2% (hàng hóa); 1,14% (hành khách); hàng không 0,02% và 2,05%...

Trong khi đó, giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ hiện đang cao nhất, từ 1.200-3.500 đồng/km so với vận tải đường sắt chỉ 220-780 đồng/km; đường thủy 207-3.500 đồng/km... Rõ ràng đang có sự bất hợp lý về cơ cấu vận tải, dẫn đến hiệu quả kinh tế còn thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động tiêu cực đến các mục tiêu khác. Trong điều kiện nước ta, điều đó là không thể chấp nhận. Sự mất cân đối này phải được chấm dứt trong thời gian tới và chỉ riêng công việc đó đã cần một sự huy động nguồn lực và quyết tâm rất lớn của toàn ngành.


Bộ trưởng Đinh La Thăng

Việc cân đối các phương thức này dựa trên nguyên tắc nào, lộ trình ra sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tái cơ cấu ngành GTVT, trong đó tái cơ cấu vận tải là một trong 4 lĩnh vực trụ cột.

Bộ cũng đã thành lập Tiểu ban chỉ đạo và yêu cầu các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành xây dựng 5 đề án tái cơ cấu vận tải theo từng lĩnh vực: Hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa theo những định hướng sau: 1. Tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính; 2. Nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải; 3. Xây dựng thể chế, chính sách để phát triển vận tải đa phương thức, logistics và kết nối hiệu quả các phương thức vận tải.

Hàng loạt giải pháp tái cơ cấu lĩnh vực GTVT bước đầu tạo những chuyển biến tích cực, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, năm 2014, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hoạt động logistics của Việt Nam đạt 3,5/5 điểm, xếp thứ 48 trong bảng xếp hạng chỉ số LPI của thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2012; Tốc độ phát triển của thị trường logistics ở Việt Nam trung bình đạt từ 16 - 20%/năm. Đóng góp vào kết quả tích cực này là sự cải thiện 28 bậc của tiêu chí "Chất lượng cơ sở hạ tầng vận tải và thương mại" và 33 bậc của tiêu chí "Năng lực và chất lượng của dịch vụ logistics".

Theo đó, lĩnh vực đường bộ sẽ chỉ tập trung gom hàng, vận chuyển cự ly ngắn và trung bình; Giảm thị phần liên tỉnh; Ưu tiên phương tiện vận tải công cộng, phương tiện thân thiện với môi trường.

Lĩnh vực đường sắt: Chủ yếu đảm nhận vận tải hàng hóa đường dài hoặc trung bình, khối lượng lớn; Vận tải hành khách đường dài, hành khách liên tỉnh, liên thành phố và vận tải hành khách công cộng tại các TP lớn...

Lĩnh vực đường thủy nội địa: Tập trung khai thác thị phần hàng rời khối lượng lớn (như than, xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng…) với chi phí thấp, hàng siêu trường, siêu trọng; Vận tải chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp và nông thôn...

Lĩnh vực hàng hải: Chủ yếu đảm nhận hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc - Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hoá dầu. Cần nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lên 25-30%. Phát triển tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo. Chú trọng đầu tư đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng lưới giao thông quốc gia và đầu mối logistics ở khu vực, xây dựng các cảng cạn và các kết cấu hạ tầng khác hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.

Lĩnh vực hàng không: Tập trung phục vụ vận chuyển hành khách trong nước và quốc tế; Vận chuyển hàng hoá có giá trị kinh tế cao; Tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế…

Tất cả những việc cần làm đều đã rất rõ ràng, với mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, vận tải đường bộ giảm dần tỷ trọng còn 54,4% (đối với hàng hóa) và 93,22% (hành khách). Với các lĩnh vực khác, lần lượt là: Đường sắt 4,34% và 3,4%; Đường thủy nội địa 32,38% và 0,17%; Hàng hải: 8,55% và 0,07%; Hàng không 0,04% và 3,23%.


Đường sắt chủ yếu đảm nhận vận tải hàng hóa đường dài, trung bình với khối lượng lớn (Bốc dỡ hàng tại ga Sóng Thần) - Ảnh: Ngô Vinh

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Thưa Bộ trưởng, để giảm áp lực cho vận tải đường bộ, bên cạnh quy hoạch, chiến lược phát triển bài bản đường sắt, hàng hải, hàng không như Bộ trưởng vừa cho biết chắc chắn không thể hoàn thành một sớm một chiều, nhưng trước thực tế nóng bỏng hàng ngày, liệu có phải cần thêm những biện pháp nào khác hỗ trợ mang tính tình thế?

Những gì tôi vừa trình bày là hướng tới mục tiêu bền vững, lâu dài, mang tính chiến lược cần có lộ trình và thời gian nhất định. Ngoài ra, để khắc phục nhanh hiện tượng quá tải đường bộ - vấn đề nhức nhối và gây nhiều hệ lụy nhất hiện nay đã có hàng loạt các biện pháp được đưa ra thực hiện như: Triển khai nhanh tuyến vận tải ven biển Bắc – Nam.

Qua một năm hoạt động tuyến vận tải này đã vận chuyển được hơn 6 triệu tấn hàng hóa; Tập trung xử lý tình trạng ứ đọng hàng hóa tại các cảng biển thông qua việc tăng cường năng lực xếp dỡ, cải tiến công tác điều phối nội bộ cảng kết hợp với thực hiện hợp lý hóa xếp hàng lên phương tiện.

Cùng đó là triển khai đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh vận tải đường sắt trên cơ sở năng lực hiện hành: Tăng chuyến vận chuyển hàng chuyên dụng; Mở thêm các điểm dỡ hàng; Đóng mới toa xe... Với hàng không thì mở rộng mạng đường bay, tăng năng lực khai thác các cảng hàng không, sân bay; Tăng cường công tác quản lý giá, phí dịch vụ hàng không, phi hàng không... Về hàng hải, triển khai các đề án tăng cường kết nối các phương thức vận tải đến các cảng biển đầu mối, các trung tâm phân phối hàng hóa; Phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics…

Đặc biệt, Bộ GTVT đã phối hợp cùng Bộ Công an, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hàng loạt biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm triển khai hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải, góp phần đưa giá cước vận tải về đúng giá trị thực, đồng thời tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, khích lệ các doanh nghiệp sử dụng loại hình vận tải khác ngoài đường bộ.

Để tiếp tục giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải cần có những giải pháp đồng bộ gì, thưa Bộ trưởng?

Đây là vấn đề được Bộ xác định là cấp bách và phải thực hiện bằng được với việc quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, từ chiến lược, điều kiện kinh doanh cũng như chế tài xử phạt vi phạm…; Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng; Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách, đường thủy nội địa và ban hành theo thẩm quyền nhiều thông tư về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để triển khai thực hiện.

Bộ cũng phối hợp với các địa phương rà soát, quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh theo tinh thần tự do kinh doanh, xóa hẳn cơ chế xin cho gây phiền hà và là nguyên nhân của bất bình đẳng. Tại một số đô thị lớn đang triển khai tăng cường kết nối vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe taxi với các cảng hàng không, nhà ga đường sắt...

Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy hành khách là trung tâm để phục vụ. Chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác cảng, bến, nhà ga chỉnh trang, đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý điều hành, điều độ và thông tin cho hành khách…

Đặc biệt, Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp vận tải, dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics, các doanh nghiệp cảng, bến trong các lĩnh vực GTVT nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Thảo Nguyên (Báo Giao thông)

Quay lại