Xuất bản thông tin
Sáng nay (16/3), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã tiếp và làm việc với ông Marc Stordiau, Chủ tịch Tập đoàn Rent a port (Vương quốc Bỉ) về các hợp tác lĩnh vực cảng thủy nội địa và cảng biển.
Rent a port mong muốn hợp tác với Việt Nam về các lĩnh vực cảng thủy nội địa và cảng biển
Tại cuộc làm việc, ông Marc Stordiau cho biết, Tập đoàn Rent a port và Công ty Mẹ Ackerman & van Haaren đã đầu tư trên 2,5 tỉ USD vào các dự án cảng tại Bỉ và Trung Đông. Tại Việt Nam, Tập đoàn đã triển khai nhiều dự án khu công nghiệp tại Hải Phòng, Quảng Ninh, trong đó có dự án cảng hàng lỏng 2 vạn tấn phụ trợ cho khu công nghiệp Đình Vũ, dự án Khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Cát Hải, dự án KCN Bắc Tiền Phong và Khu công nghiệp Tiền phong (Quảng Ninh).
Với kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển cảng biển và hậu cần cảng, Rent a port mong muốn hợp tác phát triển cảng và vận tải đường thủy nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, khu vực sông Mekong nói riêng vì đây là khu vực giàu tiềm năng cho vận chuyển đường thủy hàng nông sản xuất khẩu. Rent a port nhận thấy có thể xuất khẩu hàng rau củ, hoa quả từ khu vực này sang Qatar, Oman với khối lượng lớn theo hướng: thiết lập hệ thống kho lạnh, container lạnh tại các cảng đường thủy nội địa để tập trung nông sản, sau đó vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa đến cảng biển để xuất khẩu. Vì vậy, Rent a port mong muốn được Bộ GTVT hỗ trợ, phối hợp, cho phép phát triển cảng đường thủy nội địa, hệ thống logistics, các luồng hàng hải, các cảng biển… phục vụ việc xuất khẩu nông sản này.
Ren a port cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét cho phép đầu tư xây dựng cảng đường thủy nội địa kết hợp cảng biển tại Khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Cát Hải có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng đến 100.000 tấn để phục vụ vận chuyển, bốc xếp hàng rời, cụ thể là ngũ cốc với khối lượng lớn và cập nhật, bổ sung bến cảng này vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc.
Đặc biệt, Ren a port đề nghị Bộ GTVT cho phép triển khai thí điểm việc nạo vét một phần luồng sông Chanh. Vậy liệu thải sau nạo vét qua công nghệ xử lý sẽ được sử dụng làm vật liệu san lấp cho dự án Khu công nghiệp Tiền Phong. "Chúng tôi sẽ làm thí điểm khoảng 500 nghìn m3, sau khi được chấp thuận mới tiến hành cho khoảng 6km sông Chanh để kéo dài luồng. Với biện pháp xử lý mới này vừa đảm bảo về vấn đề môi trường, không đổ thải ra biển, vừa tận dụng được bùn thải, giảm chi phí sử dụng vật liệu truyền thống như cát đối với các dự án san lấp nền. Đây là một công nghệ mới, sau này có thể áp dụng rộng rãi tại Việt Nam", ông Marc Stordiau nhấn mạnh.
Bộ GTVT luôn hoan nghênh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư,
đối tác tham gia đầu tư, hợp tác phát triển GTVT tại Việt Nam
Hoan nghênh và đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư của Tập đoàn Rent a port, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã bày tỏ đồng tình với các đề xuất của Tập đoàn. Bộ trưởng cho rằng, đây là những đề xuất hợp lý, không chỉ góp phần thúc đẩy hạ tầng cảng thủy nội địa và cảng biển mà còn phát triển vận tải. "Nghiên cứu khả thi dự án tổng thể hệ thống vận tải và xuất khẩu hàng rau củ, quả từ khu vực sông Mekong sang Trung Đông không chỉ góp phần giảm tải đường bộ, giảm chi phí logistics mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực", Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng cũng nhất trí cao với đề xuất về xây dựng cảng đường thủy nội địa kết hợp cảng biển để trung chuyển. Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị, Rent a port lập hồ sơ đề nghị cụ thể, xác định rõ mục tiêu phục vụ loại hàng nào, trên cơ sở đó Bộ GTVT sẽ làm việc với địa phương, bộ, ngành để thống nhất trình Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.
Bộ trưởng đặc biệt hoan nghênh đề xuất về thí điểm sử dụng công nghệ mới trong xử lý bùn thải sau nạo vét luồng tuyến của Tập đoàn.
"Nếu áp dụng công nghệ này thành công sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về bảo vệ môi trường và kinh tế. Tuy nhiên, để được chấp thuận triển khai, Rent a port cần lập hồ sơ chi tiết cho đề nghị thí điểm, trong đó nêu rõ đánh giá tác động môi trường, sạt lở hai bên bờ khi tiến hành nạo vét và tác động môi trường khi sử dụng hóa chất để xử lý bùn thải làm vật liệu san lấp. Bộ GTVT sẽ làm việc với các Bộ ngành liên quan nhanh chóng xem xét", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và cho biết thêm Bộ GTVT luôn hoan nghênh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đối tác tham gia đầu tư, hợp tác phát triển GTVT tại Việt Nam.
Theo mt.gov.vn
New articles
- Đoàn công tác của Cục ĐTNĐ Việt Nam họp song phương với đối tác Mê Công – Lan Thương trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ ký thuật Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giữa các nước Mê Công – Lan Thương về vận tải đường thủy tại Thái Lan
- Cục ĐTNĐ Việt Nam phối hợp với Sở GTVT Hà Nội đảm bảo an toàn giao thông đường thủy
- Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT về khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ sau bão số 3
- Cục ĐTNĐ Việt Nam phối hợp công tác tìm kiếm cứu nạn vụ sập cầu Phong Châu