Xuất bản thông tin
Các giải pháp kết nối vận tải thủy nội địa với các phương thức vận tải khác nhằm giảm chi phí dịch vụ logistics.
(Ảnh minh họa)
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới và xu hướng toàn cầu hóa, các hoạt động logistics xuyên suốt từ sản xuất đến tiêu dùng ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất, dịch vụ và toàn nền kinh tế nói chung.
Với lợi thế địa lý và độ mở cửa của nền kinh tế đang tăng lên có thể thấy lĩnh vực logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn lĩnh vực logistics thế giới. Dịch vụ logistics Việt Nam bắt đầu phát triển trên cơ sở dịch vụ giao nhận vận tải (freight forwarding) từ những năm 1986. Hiện nay, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics với tốc độ tăng trưởng đều và vững chắc, bình quân hàng năm khoảng 14-16%. Trong hoạt động logistics, vận tải đóng vai trò chính, ảnh hưởng lớn đến thời gian cung ứng và tổng chi phí. Những nhà tổ chức logistics quan tâm đến việc cải thiện chuỗi cung ứng và tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải. Đặc biệt là tiết giảm một cách hợp lý chi phí và thời gian vận tải.
Vận tải thủy nội địa được đánh giá cao so với các phương thức khác nhờ giá cước đơn vị thấp, vận chuyển được hàng hóa với khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, đồng thời bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, giá cước vận tải trọn gói từ "cửa đến cửa" lại có thể cao hơn vận tải đường bộ do chi phí kết nối hai đầu cảng, bến thủy nội địa. Việc bốc xếp lên xuống nhiều lần làm tăng chi phí. Trên nhiều tuyến vận tải ở Đồng bằng sông Cửu Long, chi phí xếp dỡ chiếm tới 35%-40% tổng chi phí vận tải trọn gói. Thời gian vận tải cũng cao hơn 5 lần và tính ổn định thấp hơn so với đường bộ do phụ thuộc vào luồng lạch theo mùa và chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ văn. Bên cạnh đó, số lượng lớn các cầu có tĩnh không thấp cũng gây hạn chế cho vận tải thủy nội địa đối với hàng hoá có yêu cầu chất lượng cao như vận tải container. Với mục tiêu nâng cao tính kết nối vận tải thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, tăng tính cạnh tranh, tạo thành một mắt xích trong chuỗi vận tải đa phương thức nhằm giảm giá dịch vụ logistics, vận tải thủy nội địa cần hướng tới các giải pháp sau:
- Xây dựng cơ chế tài chính đặc thù, trình Chính phủ ban hành, nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực xây dựng, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
- Cần có cơ chế khuyến khích vận tải hàng hóa bằng phương tiện thủy nội địa. Với các tuyến vận tải thủy thuận lợi và có lợi thế vượt trội với đường bộ, cần ưu tiên vận tải container bằng đường thủy.
- Mở rộng, tăng lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa. Xây dựng các cảng thủy nội địa có trang thiết bị hiện đại, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Hồng . Đồng thời, nâng cấp, cải tạo một số cảng chính quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp lớn v.v...Từng bước nâng cao năng lực hàng hóa thông qua cảng.
- Triển khai thực hiện kêu gọi đầu tư hệ thống cảng cạn (ICD) theo quy hoạch được duyệt: Ưu tiên đầu tư các ICD gắn với vận tải thủy nội địa để kết nối các phương thức vận tải.
- Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp đối với các luồng tuyến chính, ưu tiên các tuyến độc đạo, đã nâng cấp cảng mà tàu trọng tải lớn chưa thể cập cảng do hạn chế về luồng (Hải Phòng – Ninh Bình, Việt Trì – Lào Cai, Vạn Gia – Ka Long, Ninh Bình – Thanh Hóa, Quản Lộ - Phụng Hiệp).. Xem xét chủ trương "Đầu tư Xây dựng Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo ( giai đoạn 2)" bằng nguồn vốn ODA và hệ thống quản lý hành trình giao thông tàu thuyền (VTMS). Bên cạnh đó, phát triển và khai thác các tuyến mới để tăng cường năng lực, mở rộng không gian vận tải, tăng tính thuận tiện và cạnh tranh.
- Giải quyết dứt điểm các nút thắt, các điểm tắc nghẽn trên các tuyến đường thủy nội địa huyết mạch như: tĩnh không cầu Đuống, cải tạo tĩnh không cầu Măng Thít;
- Nghiên cứu quy hoạch và điều chỉnh chuẩn tắc luồng các tuyến đường thủy nội địa phù hợp với kích thước luồng hàng; chế độ vận hành và kích thước tàu, sà lan vận chuyển container
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển vận tải container thông qua việc nâng cấp đầu tư trang thiết bị bốc xếp tại các cảng thủy nội địa. Đẩy nhan tiến độ thực hiện dự án xây dựng cảng container đầu mối khu vực Hà Nội ( cảng Phù Đổng) để phát triển vận tải container từ khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội. Ưu tiên phát triển các dịch vụ logistics tại khu vực Hải Phòng, Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
- Đổi mới phương tiện vận tải chuyên dụng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.
- Tìm kiếm và khai thác nguồn hàng để có thể kết hợp hàng 2 chiều nhằm nâng cao hiệu quả và tiết giảm chi phí vận tải thủy nội địa thông qua hình thức sàn giao dịch vận tải.
Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông thủy nội địa, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa; thực hiện các giải pháp tăng tính kết nối vận tải thủy nội địa với các phương thức khác, vận tải thủy nội địa sẽ đóng vai trò một mắt xích quan trọng trong chuỗi vận tải đa phương thức, chiếm một thị phần không nhỏ trong thị trường vận tải, nâng cao tính cạnh tranh, góp phần giảm giá thành dịch vụ logistics.
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương