Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Cần có bãi lưu giữ các phương tiện đường thủy vi phạm
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Hiện nay các địa phương đã có quy hoạch giao thông thủy nội địa đến 2020, nhưng thực tế đến thời điểm này, chưa một địa phương nào có bãi tạm giữ phương tiện vi phạm.


Hà Nội cần tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. (Ảnh minh họa)

Ông Đoàn Đức Quang, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông đường thủy Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra giao thông đường thủy Hà Nội đã tiến hành mở các đợt kiểm tra chuyên đề nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 271 vụ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy, phạt tiền nộp kho bạc nhà nước gần 600 triệu đồng. Theo ông Quang, các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: mở các bến thủy nội địa trái phép; phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, người lái chưa có chứng chỉ chuyên môn phù hợp.

Đặc biệt, theo ông Quang, do Hà Nội chưa có bến bãi giữ phương tiện vi phạm, nên rất khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng thanh tra giao thông đường thủy, CSGT đường thủy cũng như các lực lượng khác tham gia quản lý trong lĩnh vực này.

Ông Đoàn Đức Quang cho biết: "Có những phương tiện phát hiện ra vi phạm thiếu chứng chỉ chuyên môn, có những phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm. Về nguyên tắc, với những phương tiện đó bắt buộc chúng tôi phải tạm giữ, nhưng vì chưa có bãi tạm giữ nên tính cưỡng chế của vi phạm đường thủy là điều hết sức khó khăn đối với các lực lượng chuyên ngành cũng như đối với các lực lượng chức năng khác liên quan đến công tác quản lý giao thông đường thủy".

Thừa nhận thực tế này, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng cho biết, hiện tại cả nước mới có 2 địa phương là Hải Phòng và Tp.HCM có địa điểm trông giữ phương tiện vi phạm, nhưng chỉ đủ khả năng trông giữ phương tiện vi phạm chờ khởi tố và cũng chỉ được xây dưng với quy mô nhỏ, có phao neo giữ phương tiện và thường bố trí ở các đoạn kênh, đoạn sông nhánh.

Theo ông Giang, nguyên nhân là do chưa có quy chuẩn kỹ thuật về địa điểm trông giữ phương tiện đường thủy vi phạm. Trên thực tế, do điều kiện thủy văn phức tạp, ảnh hưởng của dòng chảy, ảnh hưởng của thủy triều và vị trí xây dựng không được ảnh hưởng đến hành lang luồng lạch… gây khó khăn cho các địa phương khi xác định vị trí xây dựng các khu trông giữ phương tiện vi phạm.

Mặt khác, việc bắt giữ và quản lý phương tiện đường thủy sau khi bắt giữ cũng rất phức tạp vì theo quy định, cơ quan bắt giữ phải chịu trách nhiệm về tài sản thu giữ. Điều này dẫn tới việc ít địa phương xây dựng được điểm trông giữ phương tiện đường thủy vi phạm.

Ông Hoàng Hồng Giang cũng cho biết, để tăng hiệu quả xử lý với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, lực lượng thanh tra giao thông chủ yếu giữ các giấy tờ để buộc doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải chấp hành hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Theo ông Giang, thu giữ giấy tờ của chủ phương tiện vi phạm cũng chỉ mang tính tương đối, bởi khi không có giấy tờ thì việc ra vào các bến thủy nội địa cũng sẽ bị xử phạt nên chủ phương tiện sẽ phải thực hiện khắc phục lỗi bị giữ giấy tờ để lưu hành phương tiện một cách hợp pháp. Tuy nhiên, điều này cũng không nhỏ đế tính răn đe của pháp luật.

 Thiếu điểm trông giữ phương tiện đường thủy vi phạm đang ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy

Ông Giang cho biết thêm: "Cái này rõ ràng sẽ hưởng vì khi không cưỡng chế mang tính mạnh mẽ thì thực thi không nghiêm. Có một số trường hợp CSGT đường thủy kiểm tra, nhưng chủ phương tiện thậm chí bỏ đi, không tiếp tục điều hành phương tiện, giao phương tiện cho cảnh sát muốn giữ thì giữ. Đâm ra thực thi pháp luật cũng rất hạn chế".

Ông Đoàn Đức Quang, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông đường thủy Hà Nội cũng cho biết, trường hợp phát hiện các phương tiện đường thủy vi phạm thì buộc lực lượng thanh tra giao thông phải phối hợp với các lực lượng khác đưa phương tiện về các vị trí, như cảng Hà Nội, cảng Khuyến Lương, cảng Sơn Tây để đình chỉ hoạt động của phương tiện.

Tuy nhiên, theo ông Quang, lực lượng thanh tra giao thông cũng phải áp dụng biện pháp "linh hoạt", thực hiện đình chỉ phương tiện tại chỗ, giao cho chủ phương tiện tự trông coi để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Trong thời gian phương tiện bị đình chỉ, lực lượng thanh tra giao thông cũng phải cắt cử người giám sát để buộc doanh nghiệp chấp hành hình phạt. Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận, do thiếu điểm trông giữ phương tiện đủ tiêu chuẩn nên hiệu quả xử phạt phụ thuộc nhiều vào bản thân các doanh nghiệp, chủ phương tiện. Thậm chí, có trường hợp chủ phương tiện cố tình làm đắm chìm phương tiện để làm khó cơ quan chức năng. Khi đó, không chỉ là vấn đề thỏa thuận bồi thường, mà quan trọng là sự mất an toàn giao thông là rất lớn.

Để khắc phục vấn đề này, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ xây dựng cơ chế để huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư vào việc xây dựng các điểm trông giữ phương tiện đường thủy vi phạm. Theo ông Giang, hiện tại, cục Đường thủy nội địa đang làm việc với các địa phương, trên cơ sở đó sẽ trình Bộ GTVT quy hoạch các điểm lưu giữ phương tiện.

Ông Giang cho biết thêm: "Chúng tôi đang bàn với Cục CSGT, Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng quy chế tạm giữ phương tiện vi phạm. Sau đó, chúng tôi sẽ thí điểm. Hiện tại 1-2 tháng nữa sẽ xong, sẽ lấy ý kiến Bộ GTVT để thực hiện".

Cũng theo ông Giang, các điểm trông giữ phương tiện đường thủy vi phạm sẽ phải kết hợp nhiều nhiệm vụ khác như: trục vớt, cứu hộ, nạo vét tận thu khu vực doanh nghiệp quản lý, cung cấp dịch vụ nước, dầu đối với phương tiện thủy,thu phí trông giữ phương tiện và phí phát sinh… để đảm bảo nguồn thu cho nhà đầu tư.

Rõ ràng, việc thiếu điểm trông giữ phương tiện đường thủy vi phạm đang ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy. Do vậy, việc xã hội hóa điểm trông giữ phương tiện vi phạm là rất cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả thực thi của pháp luật trong lĩnh vực này. Có như vậy, doanh nghiệp, chủ phương tiện vi phạm không thể "nhờn luật", tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Theo VOV Giao thông 

Quay lại