Xuất bản thông tin
Phương tiện cố tình trốn tránh làm thủ tục rời cảng, bến đều bị các cảng vụ nơi tàu đến kiểm tra, xử phạt.
Cảng vụ viên kiểm tra phương tiện cập một bến thủy ở Hải Dương |
Phương tiện thủy tự ý rời cảng, bến hoặc xuất phát từ bến cóc, bến dù sẽ được thông báo cho đơn vị cảng vụ nơi khác đón lõng, xử phạt tại nơi trả hàng. Giải pháp này đang mang lại hiệu quả trong quản lý hành trình đi, đến của phương tiện thủy vận tải hàng hóa.
Nơi báo tin, nơi xử phạt
Những ngày đầu tháng 7/2016, khi thực tế tại một số bến thủy nội địa trên sông Hồng, Đuống thuộc địa bàn Hà Nội, PV Báo Giao thông nghe không ít thuyền viên than vãn bị "phạt gắt" lỗi không có giấy phép rời cảng, bến.
Tại bến Mai Lâm (sông Hồng, quận Long Biên) Thuyền trưởng tàu NB-6866 Trần Văn Giới cho biết, tuần trước bị Cảng vụ Đường thủy Hà Nội phạt 2,5 triệu đồng vì tàu không có giấy phép rời cảng, bến đi. Còn tại bến Cống Thôn (sông Đuống), thuyền viên Trần Chưởng, tàu HNa-0190 cũng cho biết, do khi xuất phát từ một bến thuỷ ở Hà Nam không làm thủ tục rời bến nên khi đến bến trả hàng lập tức bị kiểm tra, xử phạt hơn 2 triệu đồng.
Theo các thuyền trưởng, trước kia ít tàu quan tâm đến chuyện làm thủ tục rời cảng, bến, nhưng giờ bị kiểm tra gắt nên chả mấy tàu dám trốn. Ngay cả việc lấy hàng ở bến không phép cũng phải hạn chế (vì không được làm thủ tục cấp phép rời cảng, bến - PV), để tránh bị xử phạt ở nơi trả hàng. Xác nhận các trường hợp trên, Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Hà Nội Phạm Thắng cho biết, từ tháng 6/2016 đến nay, ngoài hai trường hợp trên còn có hơn chục trường hợp khác bị xử phạt lỗi không có giấy phép rời cảng, bến.
Ông Thắng cũng cho biết, đây là hai trường hợp nhận được tin báo từ đơn vị cảng vụ khác về việc phương tiện không làm thủ tục rời bến. "Theo quy chế phối hợp, ngoài tăng cường kiểm tra nội dung trên, các đơn vị trong cùng Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II thực hiện cơ chế thông tin và tiếp nhận thông tin từ cơ quan cảng vụ, từ đơn vị cảng vụ khác để chủ động "đón" kiểm tra, xử lý phương tiện không làm thủ tục rời bến", ông Thắng nói.
Cảng vụ khu vực và địa phương phối hợp
Ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết, nhằm kiểm soát chặt nơi đi, đến của phương tiện thủy vận tải liên tuyến, ngoài quy chế phối hợp trong nội bộ Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II, từ tháng 9/2015, giữa Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I, II và Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh (trực thuộc Sở GTVT Quảng Ninh) đã thực hiện quy chế phối hợp quản lý phương tiện và xử lý phương tiện vi phạm.
"Cơ quan cảng vụ nào phát hiện phương tiện thủy, tàu biển tự ý rời cảng, bến có trách nhiệm thông tin đến cảng vụ nơi phương tiện có thể đến để phối hợp xử lý. Đơn vị nơi có phương tiện đến có trách nhiệm xử lý theo quy định và thông báo lại kết quả xử lý cho bên gửi thông tin", ông Cường cho biết và nhấn mạnh, điều này đã tạo ra cơ chế "cộng đồng trách nhiệm" giữa các đơn vị cảng vụ, ngăn chặn hiệu quả nạn phương tiện tự ý rời cảng, bến và kiểm soát tải trọng phương tiện.
Phương tiện cố tình trốn tránh làm thủ tục rời cảng, bến đều bị các cảng vụ nơi tàu đến kiểm tra, xử phạt. Vì thế, nếu như trước kia có khi cảng vụ phải đi tìm chủ phương tiện để yêu cầu làm thủ tục thì nay nhiều chủ phương tiện đã chủ động liên hệ với cảng vụ". Ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II |
Trong 6 tháng đầu năm 2016, các đơn vị cảng vụ thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II đã phát hiện, xử phạt gần 700 trường hợp cảng, bến, phương tiện vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng, trong đó có đơn vị có số lượng xử phạt tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I, số phương tiện vi phạm được xử lý tại phạm vi của đơn vị cũng tăng hơn 200%, trong đó khá nhiều trường hợp xử phạt do nhận được thông tin từ đơn vị quản lý bến nơi phương tiện xuất phát. Việc kiểm soát chặt chẽ phương tiện đã góp phần đưa số lượt phương tiện vào cảng, bến ở các cảng vụ trên tăng 20 -30% so với cùng kỳ năm trước.
"Trước kia, gần như cơ quan cảng vụ nào cũng chỉ tập trung quản lý ở phạm vi quản lý của mình. Bây giờ, việc quản lý phương tiện từ nơi khác đến thành trách nhiệm chung, mang lại hiệu quả rõ rệt", ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho biết, mới đây Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II và Cảng vụ ĐTNĐ Quảng Ninh đã phối hợp, xử phạt nghiêm một trường hợp tàu du lịch tự ý chở khách từ vịnh Hạ Long sang đảo Quan Lạn (Quảng Ninh). "Quy chế phối hợp giữa các lực lượng cảng vụ đã tạo được hiệu quả rõ rệt, giúp nâng ý thức chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ của chủ phương tiện, thuyền viên và ngăn ngừa nguy cơ TNGT từ cảng, bến", ông Dũng khẳng định.
Theo Hồng Xiêm (Báo Giao thông)
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương