Xuất bản thông tin
Đường thủy phía Bắc mới bắt đầu vào mùa cạn nhưng tuyến sông Hồng từ Việt Trì về Hà Nội...
Tàu thuyền xếp hàng chờ vượt qua đoạn luồng qua xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ |
Đường thủy phía Bắc mới bắt đầu vào mùa cạn nhưng tuyến sông Hồng từ Việt Trì về Hà Nội đã xuất hiện tình trạng phương tiện thủy chở hàng hóa bị ùn ứ, gây khó khăn cho vận tải thủy. Nguy cơ xảy ra tai nạn, chìm đắm phương tiện luôn thường trực.
Xếp hàng nhiều ngày chờ vượt luồng cạn
Những ngày cuối tháng 10, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt trên sông Hồng đoạn qua huyện Phúc Thọ, TX Sơn Tây (Hà Nội), chứng kiến tình trạng phương tiện thủy liên tục bị ùn ứ do luồng cạn. Điển hình trong các ngày 26 - 27/10, hàng trăm tàu thuyền chở cát, vật liệu xây dựng phải neo đậu tại đoạn qua xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ để chờ xuôi về Hà Nội. Trên đoạn sông chỉ khoảng 1- 2km, hàng trăm tàu nằm chờ nước lên. Thậm chí, một số tàu còn bị quay ngang, được tàu khác dùng dây cáp kéo để thoát cạn.
"Hiện chỉ mới bắt đầu mùa cạn nhưng mực nước một số đoạn luồng chạy tàu trên sông Hồng thường xuyên xuống thấp, tàu chở hàng không qua được, chỉ còn cách neo đậu chờ nước lên. Tại một số đoạn cạn đã có dự án nạo vét luồng theo hình thức xã hội hóa, việc đôn đốc tiến độ và quản lý tốt sẽ giúp khơi thông luồng lạch, hạn chế tình trạng ùn tắc". Ông Cao Văn Định |
Đáng ngại hơn, nhiều tàu từ phía thượng lưu xuôi về phải đi lùi để dò đường tìm chỗ đậu đỗ xếp hàng. Khi bị chạm đáy luồng, các tàu lập tức phải rồ ga để thoát cạn. Theo các thuyền viên, mực nước thường chỉ đạt trên dưới 2m nên các tàu chỉ có cách đón nước lên để vượt qua, có khi chờ vài ngày mới qua được. Trường hợp tàu bị mắc cạn phải thuê tàu trục cạn để tránh bị tàu nghiêng, chìm tàu. Khi thực tế trên đoạn qua phường Phú Thịnh, TX Sơn Tây, PV chứng kiến có trường hợp tàu bị mắc cạn gần giữa sông, bị nghiêng và được tàu có cần cẩu trục vớt.
Ông Hồ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đình cho biết, luồng sông Hồng chảy qua địa bàn xã bị cạn khoảng hơn một tuần nay nên thường xuyên có các phương tiện chở hàng dồn ứ. Đây cũng là đoạn đã có đơn vị được cấp phép hoạt động nạo vét khơi thông luồng, nhưng mới hoạt động nên chưa giải quyết được ùn tắc.
Ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc điều hành dự án nạo vét luồng chạy tàu theo hình thức xã hội hóa (của Công ty CP Cát Đại Lợi) tại đoạn luồng khoảng 5km qua địa bàn một số xã như: Xuân Phú, Cẩm Đình, Sen Chiểu của huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, vài ngày gần đây đoạn luồng qua xã Cẩm Đình bị khan cạn nhất, các phương tiện có hàng đều phải dồn lại chờ nước lên, một số trường hợp bị mắc cạn. Đơn vị phải ứng cứu hai phương tiện bị cạn, trong đó nặng nhất là một tàu bị xoay ngang dòng chảy, vướng cạn và bị gãy bánh lái.
"Từ ngày 15/10, chúng tôi triển khai thiết bị thi công tại hiện trường, nhiều thời điểm luồng cạn đến nỗi ngay cả phương tiện nạo vét, vận chuyển cát, bùn thải của đơn vị cũng không đi lại được. Vì vậy, khi nước lên, chúng tôi cố gắng huy động tối đa nhân lực, thiết bị thi công sớm giải quyết khan cạn và sẽ đề xuất cơ quan chức năng tăng công suất nạo vét, khơi thông luồng", ông Ngọc nói.
Chờ nạo vét khơi luồng
Theo ông Cao Văn Định, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6 (đơn vị quản lý bảo trì tuyến), tuy mới chớm mùa cạn nhưng trên tuyến sông Hồng đã xảy ra tình trạng luồng bị cạn tại một số đoạn như: Thượng lưu cầu Vĩnh Thịnh, thượng lưu cầu Long Biên, luồng Bác Cổ (giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy)... Ông Định cũng cho biết, ngày 24/10 đã xảy ra trường hợp một tàu chở gỗ dăm bị tai nạn đoạn phía trên cầu Vĩnh Thịnh, rất may không xảy ra thiệt hại về người.
Ông Nguyễn Công Minh, Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc xác nhận, tình trạng khan cạn đã xuất hiện trên sông Hồng, gây ảnh hưởng đến vận tải đường thủy, trong đó một số đoạn như thượng lưu cầu Vĩnh Thịnh có sự dịch chuyển luồng chạy tàu. Một số đoạn cạn như phía Bắc cầu Long Biên đã được giải quyết bằng cách yêu cầu đơn vị nạo vét luồng ưu tiên nạo vét vị trí cạn nhất. Bên cạnh đó, chi cục cũng tăng cường giám sát các hoạt động nhằm ngăn chặn vi phạm lợi dụng việc thực hiện dự án để khai thác cát ngoài phạm vi luồng được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Huy Lộc
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương