Xuất bản thông tin
Từ ngày 1/7, theo quy định sẽ xử phạt tất cả hành khách và chủ đò, phà có hành khách không mặc áo phao...
Chiếc đò qua sông Lam theo quy định chỉ được chở 12 người nhưng trưa 15/9 đã chở đến 42 người, tất cả đều không mặc áo phao |
Từ ngày 1/7, theo quy định sẽ xử phạt tất cả hành khách và chủ đò, phà có hành khách không mặc áo phao khi qua sông. Thế nhưng đến thời điểm này, tại nhiều bến khách ngang sông, quy định trên dường như bị phớt lờ.
Chưa phạt nên không sợ
Chiều 15/9, PV Báo Giao thông trả 10 nghìn đồng cho hai người, một xe máy lên bến đò Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) băng qua sông Hồng. Chiếc đò mang mã hiệu HN164 chở bốn người cùng ba xe máy từ bờ phía khu vực phố Thúy Lĩnh sang bờ phía xã Kim Lan (huyện Gia Lâm) nhưng không một ai trên đò mặc áo phao hay cầm dụng cụ nổi. Chủ đò là một người đàn ông ngoài 60 tuổi cho hay: "Hồi mới có quy định (tháng 7/2016 - PV), tôi sợ bị phạt nên cũng nhắc khách suốt nhưng họ không chịu mặc, nên sau một thời gian tôi không nhắc khách nữa. CSGT đường thủy có đi kiểm tra nhưng chỉ nhắc nhở là chính".
"Một số lần bến phà đã kiên quyết không cho phương tiện rời bến khi phát hiện hành khách không mặc áo phao và buộc người không mặc áo phao phải lên bờ, nhưng chỉ được một thời gian ngắn đâu lại vào đấy, thói quen của người dân vẫn chưa thể thay đổi được. Lực lượng CSGT đường thủy cũng rất thông cảm nên thời gian qua mới chỉ nhắc nhở chứ chưa tiến hành xử phạt". Ông Cao Thanh Nam |
Cách đó vài km, tại bến đò Trần Phú (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) có các đò mang mã hiệu HN0201 và HN0054 hoạt động luân phiên nhau. Mỗi chuyến đò chở từ 8-12 người cùng nhiều phương tiện xe đạp, xe máy. Trước mái che của các đò này đều ghi dòng chữ "Người đi đò phải mặc áo phao", tuy nhiên, khi khách lên đò, nhà đò chỉ thu đủ tiền. Không một ai từ khách đến chủ đò nhắc nhở gì đến áo phao.
Chiều 16/9, chuyến phà một lưỡi mang mã hiệu HY0509 nối xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) với xã Mễ Sở (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) rời bến khi trên đò có xe ô tô con, 12 xe máy. Trong quá trình phà sang sông, người điều khiển ô tô BKS 89A-065.69 không xuống khỏi xe. Tổng cộng trên phà có hơn 20 người kể cả người nhà đò, tuy nhiên, không một ai mặc áo phao. Khi chúng tôi lên tiếng xin áo phao để mặc, người thu tiền đò tỏ vẻ khó chịu: "Chỉ dăm phút là sang bờ bên kia rồi, không cần mặc đâu".
Cô Thoa (ở Văn Giang, Hưng Yên) điều khiển xe máy BKS 89M-144.85 cho hay, ngày nào cô cũng hai lượt đi về qua bến phà này. "Phà chạy đến 20h-21h tối, chả ai mặc áo phao gì đâu. Tôi có nghe nói CSGT kiểm tra hay xử phạt gì đấy nhưng chưa thấy bao giờ. Mà áo phao rách tơi tả thế kia, mặc có tác dụng không?", cô Thoa nói và chỉ vào 7-8 chiếc áo phao cài ở hai bên thành phà, đa phần đều rách, lớp vải ngoài mục nát lộ cả lớp phao xốp bên trong.
Một lái đò ở bến đò Lương Tài, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang cũng chia sẻ: "Quãng đường qua sông chỉ hai phút, con nước cũng rất yên bình nên không ai mặc áo phao. Từ tháng 7 đến nay, cả bốn chiếc đò hoạt động ở hai bến Lương Tài và Gầm vẫn chưa bị phạt về hành vi không mặc áo phao".
Hãi hùng cảnh nhồi khách, đánh bạc trên đò
16h30 ngày 15/9, tại bến đò Gầm thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chuyến đò qua sông chở gần 20 người, trong khi theo quy định, mỗi đò ở đây chỉ được phép chở tối đa 12 người. Tất cả hành khách không ai được trang bị áo phao. Ông Ngô Văn Lục, chủ đò thừa nhận: "Do nóng, khách mặc áo vào rất vướng víu, vả lại, thời gian qua sông chỉ mất ba phút nên tôi không bảo ai mặc". Nguy hiểm hơn, thời điểm chúng tôi qua sông, ông Lục tự ý cho con trai của mình điểu khiển đò mà không có chứng chỉ do cơ quan chức năng cấp.
Ông Nguyễn Văn Lợi, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên cho biết: "Tôi hay qua lại bến đò này, lượng khách thường rất đông. Biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải đi vì nếu có chờ thì chuyến nào cũng trong tình trạng quá tải như vậy. Còn việc mặc áo phao thì chưa thấy ai kiểm tra, cũng không thấy chủ đò nhắc hay phát cho hành khách. Như tôi đôi lúc cũng muốn mặc nhưng sợ mọi người… cười nên thôi…".
Tương tự, 11h30 ngày 15/9, PV Báo Giao thông có mặt tại bến đò ngang xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nối "ốc đảo" Hồng Lam với dòng sông Lam cuồn cuộn chảy. Đây là thời điểm học sinh tan học, nên dù quy định đò chỉ được chở tối đa 12 người nhưng chủ đò là ông Hồ Cường vẫn "làm ngơ" để 42 hành khách lên đò. Chặng đường đò qua sông dài gần 1km, nhưng không thấy chủ đò nhắc gì đến áo phao và đương nhiên không có hành khách nào mặc áo phao. Em Hồ Duy Vinh, học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (huyện Nghi Xuân) nói: "Thi thoảng, vào những ngày mưa gió, chủ đò có nhắc mặc áo phao nhưng ai thích thì mặc thôi".
Ngày 16/9, tại bến phà Rừng - tuyến giao thông thủy huyết mạch dài gần 1km trên sông Bạch Đằng nối Hải Phòng với TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Trong khung giờ 12h - 13h có rất đông người và phương tiện xe máy nối đuôi nhau xếp hàng chờ lên đò, trung bình đò chở khoảng 35 người và 25 chiếc xe máy/chuyến (theo đăng kiểm được phép chở 48 người, 30 chiếc xe máy) nhưng đều không được nhân viên của bến phát áo phao. Khi khách vừa lên hết đò, một người đàn ông chừng 50 tuổi, mặc bộ đồ trắng lịch sự, đội MBH, trên tay cầm ba lá bài tú lơ khơ và bắt đầu hô "đặt cược". Nhận được lệnh, một số đối tượng giả là hành khách đu theo lời chào, lấy tiền ra cá cược, lôi kéo khách chơi và thách thức mở bài ăn tiền. Lúc này, một khoảng trống của chiếc phà một lưỡi trở thành chiếu bạc, nhiều hành khách và xe máy đang đứng giữa sàn đò bị các đối tượng yêu cầu đứng sát ra lan can. "Trò này diễn ra thường xuyên trên đò, không ai dám nhắc vì sợ bị dằn mặt", người lái đò nói.
Anh Vũ Viết Chiến, trú tại phường Nam Hòa (TX Quảng Yên), người hay qua bến phà Rừng cho biết: "Trời nắng nóng, đoạn sông cũng chỉ khoảng 1km nên không ai muốn mặc áo phao. Nhân viên bến phà cũng vậy, họ không quan tâm hành khách có mặc áo phao hay không, cứ trang bị rồi để đấy, thậm chí có những chiếc áo phao vẫn còn bọc kín trong bao nilon".
Hồng Xiêm
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương