Xuất bản thông tin
Ngày 05 và 06 tháng 3 năm 2021, tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn công tác của Cục ĐTNĐ Việt Nam do Cục trưởng Bùi Thiên Thu làm Trưởng đoàn đã làm việc với các doanh nghiệp cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh và Long An. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn; ông Võ Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn; ông Nguyễn Phúc Khánh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bourbon Bến Lức. Tham dự các buổi làm việc có đại diện Vụ Vận tải - Bộ Giao thông vận tải, về phía Cục ĐTNĐ Việt Nam có Phó Cục trưởng Phan Văn Duy, Lãnh đạo phòng: VT- ATGT, KHCN-HTQT&MT, Văn phòng Cục; Lãnh đạo Chi cục ĐTNĐ phía Nam và Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III, IV.
Thực hiện Chỉ thị số 37/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, Đoàn công tác đã trao đổi với doanh nghiệp cảng về các giải pháp để ưu tiên kết nối ĐTNĐ với cảng biển. Đồng thời xin ý kiến góp ý nội dung dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải ĐTNĐ.
Tại các buổi làm việc, doanh nghiệp cảng đã kiến nghị một số nội dung, gồm: đề nghị thiết lập tuyến vận tải ven biển giữa Việt Nam và Campuchia kết nối tuyến SB với cảng Sihanoukvile - Campuchia; Bổ sung thiết kế và phê duyệt loại tàu SB đa dụng mục đích trong đó có vận chuyển container; Bổ sung quy hoạch một số tuyến vận tải thủy, phía Bắc tuyến kết nối cảng Hải Phòng, phía Nam kết nối cảng thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Cửu Long về cảng Cái Mép - Thị Vải; Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để hình thành tuyến vận tải container trên sông Vàm Cỏ Đông; Miễn phí cơ sở hạ tầng cảng biển đối với phương tiện thủy nội địa; Áp dụng mức thu phí, lệ phí đường thủy đối với phương tiện thủy nội địa khi ra, vào cảng biển, khu vực hàng hải; Tạo thông thoáng về thủ tục hải quan cho sà lan chở hàng hóa quá cảnh Campuchia hơn so với đường bộ, tiến tới được áp dụng như đối với hàng trung chuyển quốc tế; tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác kiểm soát, thủ tục cấp phép, giảm thủ tục hành chính…
Sau khi nghe báo cáo của Doanh nghiệp cảng, báo cáo của Cục ĐTNĐ Việt Nam và ý kiến thảo luận của các thành viên tại buổi làm việc, Cục trưởng Bùi Thiên Thu ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp. Nêu mục tiêu vận tải thủy nội địa là an toàn, hiệu quả và tăng thị phần, Cục trưởng nhấn mạnh cần tăng cường các giải pháp về an toàn, như: xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, thực hiện công tác điều tiết bảo đảm giao thông, thường trực chống va trôi tại các vị trí trọng yếu trên tuyến đường thủy, phục vụ cho hoạt động vận tải được thông suốt, an toàn; đồng thời nâng cao nhận thức của người điều khiển phương tiện thông qua các hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả như trao tặng miễn phí phao áo cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cho người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn.
Đối với các giải pháp tăng hiệu quả và thị phần vận tải thủy nội địa, cần rà soát về quy hoạch, nâng cấp, cải tạo tuyến vận tải thủy chính như tuyến Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải; tuyến kết nối cảng, bến thủy nội địa khu vực Bắc Ninh với cảng biển Hải Phòng; bổ sung bến phao neo cho phương tiện thủy để giảm thời gian chờ làm hàng tại cảng biển; Cục trưởng giao phòng KHCN-HTQT&MT liên hệ với nhóm công tác phía Hà Lan, đưa nội dung về việc nghiên cứu thiết kế phương tiện vận tải thủy nội địa phù hợp với điều kiện tự nhiên của Việt Nam vào chương trình làm việc, mời Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tham gia phối hợp.
Về cơ chế chính sách, Cục trưởng kiến nghị Vụ Vận tải hết sức quan tâm đến việc tháo gỡ một số vấn đề về cơ chế, như miễn phí cơ sở hạ tầng tại cảng biển đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa, góp phần giảm chi phí vận tải bằng đường thủy, hàng hóa sẽ dịch chuyển từ đường bộ xuống đường thủy, tăng thị phần đường thủy, giảm tắc nghẽn và giảm rủi ro trên đường bộ. Cục trưởng cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ một số vấn đề về cơ chế, như áp dụng mức phí thủy nội địa đối với phương tiện thủy vận tải qua biên giới nhằm giảm chi phí vận tải thủy nội địa.
Kết thúc buổi làm việc, Cục trưởng yêu cầu phòng chuyên môn thuộc Cục tiếp thu đầy đủ ý kiến của các doanh nghiệp cảng để hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải ĐTNĐ. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tiếp tục giải quyết các vướng mắc, bất cập liên quan đến hoạt động vận tải thủy giữa Việt Nam - Campuchia.
Trong nội dung các buổi làm việc, hưởng ứng đề nghị của Cục ĐTNĐ Việt Nam về việc ủng hộ phao áo cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn và Công ty Cổ phần Bourbon Bến Lức đã ủng hộ gần 3.000 dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân để trao tặng cho người dân tại các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn. Đây là một hoạt động mang đậm tính nhân văn, có ý nghĩa lớn đối với công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải thủy nội địa.
Phòng Vận tải - An toàn giao thông
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương