Xuất bản thông tin
Nhận lời mời của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), ngày 21/9/2023, Cục trưởng Bùi Thiên Thu cùng lãnh đạo Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV đã tham dự Hội nghị toàn thể thường niên Hiệp hội Cảng biển Việt Nam tại thành phố Vũng Tàu. Đây là sự kiện quan trọng nhất của khối cảng biển Việt Nam hàng năm. Tham dự hội nghị còn đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai, Cục Hàng hải Việt Nam, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng khoảng hơn 500 đại biểu là người điều hành, quản lý cấp cao đến từ 81 cảng thành viên và đại diện từ hiệp hội, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị ngành khai thác cảng.
Ngoài nội dung tổng kết, đánh giá hoạt động trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như phương hướng hoạt động trong thời gian tới, Hội nghị còn là diễn đàn để các doanh nghiệp cảng biển báo cáo hiện trạng quản lý, khai thác, định hướng phát triển và kiến nghị với các cơ quan nhà nước với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các cảng biển hoạt động, phát triển, đóng góp tích cực vào mục tiêu chiến lược kinh tế biển.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Bùi Thiên Thu đã có bài phát biểu với chủ đề "Vai trò của Đường thủy nội địa trong kết nối cảng biển, phát triển vận tải đa phương thức, giảm chi phí logistics".
Nhấn mạnh vai trò của lĩnh vực đường thủy nội địa, Cục trưởng cho biết hiện nay, khoảng 20% hàng hóa lưu thông tại Việt Nam được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, trong khi chi phí vận tải thủy cũng như tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường thủy nội địa là rất thấp, điều này cho thấy ưu thế mà vận tải đường thủy nội địa đem lại cho ngành giao thông và xã hội; đặc biệt trong xu thế vận tải xanh, logistics xanh thì đường thủy nội địa càng có vai trò quan trọng vì là phương thức vận tải khối lượng lớn, có mức phát thải thấp, không làm tắc nghẽn giao thông. Bên cạnh đó, vận tải đường thủy nội địa còn có vai trò quốc tế khi hiện nay hầu hết hàng container của Campuchia quá cảnh Việt Nam thông qua các cảng Cát Lái và Cái Mép - Thị Vải được vận chuyển bằng sà lan trên tuyến vận tải thủy qua biên giới Việt Nam - Campuchia, lượng hàng này tăng trưởng 20%/năm; riêng năm 2022 đạt 417.000 TEU, góp phần kết nối giao thương giữa doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Tuy vậy, việc phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa thời gian qua vẫn còn nhiều điểm nghẽn, trong đó dễ dàng nhận thấy nhất là sự đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của vận tải đường thủy nội địa. Cụ thể, mặc dù đóng góp khoảng 20% sản lượng vận tải của toàn ngành giao thông, nhưng nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa so với tổng đầu tư ngành giao thông vận tải còn chiếm tỷ lệ chưa đến 5% (cả ngân sách nhà nước và đầu tư tư nhân).
Để tiếp tục phát huy, đồng thời nâng cao vai trò của lĩnh vực đường thủy nội địa trong liên kết cảng biển, phát triển vận tải đa phương thức, giảm chi phí logistics, Cục trưởng Bùi Thiên Thu đã nêu lên một số vấn đề cần được quan tâm xử lý, tháo gỡ như: Xử lý điểm nghẽn hạ tầng: nạo vét, thanh thải, nâng tĩnh không cầu; Giải quyết vấn đề kiểm tra hải quan, tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh, chuyển tải Việt Nam - Campuchia bằng đường thủy nội địa; Cần có bến sà lan chuyên dụng tại các cảng biển để chuyên môn hóa xếp dỡ, giảm thời gian chờ làm hàng; Các ICD, trung tâm logistics cần được kết nối với ít nhất 01 phương thức vận tải khối lượng lớn (đường thủy, đường sắt); Các địa phương cần quy hoạch, bố trí quỹ đất cho đường kết nối cảng, khu hậu cần dịch vụ cảng, bãi container rỗng (depot)… cho các cảng biển, cảng thủy nội địa; Quan tâm tăng vốn đầu tư công cho lĩnh vực đường thủy nội địa (luồng lạch, báo hiệu…), lấy đầu tư công là vốn mồi - dẫn dắt đầu tư tư (cảng bến, phương tiện).
Hiệp hội Cảng biển Việt Nam được thành lập từ năm 1994. Đến nay, qua 29 năm thành lập, hiệp hội đã có 81 thành viên là các cảng biển trải dài ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, những cảng lớn tại Việt Nam đều là thành viên của hiệp hội. Hiệp hội đang có hai thành viên Ban chấp hành đảm nhận vai trò Chủ tịch và Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á - APA, nhiệm kỳ 2023-2024.
Chi cục ĐTNĐ khu vực III và Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV
New articles
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ giữa hai Bộ trưởng
- Đại hội Công đoàn Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V lần thứ I, nhiệm kỳ 2024- 2028
- Thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024
- Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 “Chuyển đổi để bứt phá”
- Kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn đường thủy tại nhiều địa phương