Xuất bản thông tin
Thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy (Hiệp định) và kế hoạch nhiệm vụ năm 2023; Chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2023, theo đó Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy.
Ngày 23 tháng 10 năm 2023, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến tuyên truyền Hiệp định Việt Nam-Campuchia về vận tải đường thủy và cập nhật các quy định liên quan, các nội dung liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật mới tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự chủ trì của Phó Cục trưởng Tống Hoàng Kha. Tham dự hội nghị có 90 đại biểu là đại diện của các cơ quan, bộ, ngành như: Vụ Pháp chế - Thanh tra, Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Giao thông, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan, Cục cửa khẩu, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Hải quan các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, đồn biên phòng cửa khẩu Bà Rịa – Vũng Tàu, Tp Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Long An, An Giang, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh: TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang, Long An, các Cảng vụ đường thủy nội địa, hàng hải TP Hồ Chí Minh, cảng vụ khu vực III, IV, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III và các Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải thủy liên quan đến tuyến vận tải của Hiệp định.
Phó Cục trưởng Tống Hoàng Kha khai mạc tại Hội nghị
Sau hơn 12 năm hoạt động kể từ khi được mở theo Hiệp định ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam - Campuchia, mỗi năm hai nước đã làm thủ tục cho hàng chục ngàn lượt tàu qua lại, hàng triệu tấn hàng hóa và hàng trăm ngàn lượt khách thông qua bằng đường thủy. Thông qua việc ký kết Hiệp định, hai quốc gia đã tạo khung pháp lý riêng cho tuyến, thực hiện tự do giao thông thuỷ có hiệu quả trên sông Mê Công nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách giữa hai nước, cũng như hàng hoá và hành khách từ nước thứ ba quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam và Campuchia.
Với mục tiêu phát triển của Chính phủ, hệ thống cụm cảng của Việt Nam đã ngày một hoàn thiện không những về hạ tầng mà còn các dịch vụ phụ trợ để trở thành hệ thống trung chuyển của khu vực, phát huy vai trò là cửa ngõ phía đông của các nước lưu vực sông Mê Công. Vì vậy, các tuyến vận tải thuỷ giữa hai nước ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi vận tải đa phương thức với chi phí vận tải hợp lý hơn, đáng tin cậy hơn, thời gian vận tải thuận lợi hơn và góp phần giảm gánh nặng đầu tư, bảo trì cho hệ thống đường bộ, cũng như giảm tác động tiêu cực của loại hình vận tải hàng hóa đường bộ là gây ách tắc, tỷ lệ tai nạn cao. Bên cạnh đó, vận tải đường thủy đã và đang đáp ứng xu thế chuyển dịch vận tải hàng hóa chung của thế giới đã được Thủ tướng các nước thống nhất cao tại Hội nghị Coop 26 trong đó có Việt Nam và Campuchia đó là khai thác được lợi ích mà thiên nhiên ưu đãi cho hai nước, tuyến vận tải đường thủy trên sông Mê Công.
Việc phổ biến kịp thời những sửa đổi, bổ sung, những quy định mới trong các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực đường thủy nội địa vừa được ban hành là một việc làm hết sức cần thiết, giúp giải quyết nhiều vướng mắc, tạo điều kiện thực hiện các nội dung liên quan một cách hiệu quả nhất
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã phổ biến tuyên truyền Hiệp định Việt Nam - Campuchia về vận tải đường thủy và cập nhật các quy định, các nội dung liên quan tại Thông tư số 13/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy đến các tổ chức, cá nhân liên quan; cũng như thông báo cập nhật tới các quý vị về các quy định được các bộ ngành, địa phương đã nội luật cụ thể đảm bảo thực hiện điều ước quốc tế như Nghị quyết của HĐND thành phố Hồ Chí Minh về phí hạ tầng cửa khẩu cảng biển, hướng dẫn thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Tại Hội nghị, các cơ quan quản lý đã giải đáp các thắc mắc của đại biểu về các nội dung liên quan đến việc cấp phép vận tải qua biên giới, vấn đề về thu phí hạ tầng, phí phương tiện.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội nghị:
Phòng KHCN-HTQT&MT
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương