Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Cục trưởng Bùi Thiên Thu tham dự Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng năm 2021
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Chiều ngày 15/10/2021, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng, triển khai nhiệm vụ quý IV-2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu là thành thành phần đoàn Bộ Giao thông vận tải tham dự tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

(Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh khai mạc hội nghị)

Ủy ban ATGT Quốc gia đã có đánh giá 9 tháng năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các cấp đã có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình TTATGT và cấp độ phòng, chống dịch Covid-19. Ngành Giao thông vận tải đã quan tâm đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; kịp thời tổ chức luồng xanh vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, bảo đảm kiểm soát tốt, hạn chế nguy cơ lây lan dịch.

Tham luận tại hội nghị đồng chí Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã trình bày hai nội dung:

Thứ nhất: Báo cáo về tình hình ảnh hưởng tiêu cực của tĩnh không các cầu đường bộ đến bảo đảm TTATGT và lưu thông phương tiện đường thuỷ nội địa; đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới

Hiện, cả nước có hơn 27.000 km đường thủy nội địa, trong đó Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trực tiếp quản lý 7.183 km đường thủy nội địa quốc gia. Trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia có tổng số 646 cầu đường bộ, đường sắt bắc qua, trong đó có 251 cầu kích thước khoang thông thuyền không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Tại các cầu trên tuyến chưa được triển khai lắp đặt hệ thống cảnh báo từ xa về tĩnh không thông thuyền, nhiều cầu yếu trên tuyến chưa được xây dựng trụ chống va xô, chưa có phương án cải tạo, nâng cấp, xây mới thay thế cầu cũ, trong khi luồng đường thủy tại khoang thông thuyền dòng chảy xoáy, xiên, đặc biệt nguy hiểm vào mùa lũ, làm mố, trụ cầu tạo chướng ngại vật đối với phương tiện giao thông thủy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy rất cao, nguy hiểm đến kết cấu công trình cầu. Các công trình vượt sông trên được đầu tư xây dựng trước năm 2009, có các thông số kỹ thuật thông thuyền không đồng bộ nên chưa cải thiện được năng lực vận tải thủy trên các tuyến vận tải. Để bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí cầu có tĩnh không thấp, kích thước khoang thông thuyền không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

1. Giải pháp trước mắt: (1) Tiếp tục triển khai thực hiện công tác điều tiết không chế bảo đảm giao thông, chống va trôi mùa lũ tại các vị trí cầu có tĩnh không thấp và có khoang thông thuyền hẹp để hướng dẫn phương tiện thủy lưu thông qua khu vực bảo đảm an toàn. (2) Lắp đặt thiết bị cảnh báo từ xa cầu. (3) Lắp đặt bổ sung báo hiệu khu vực cầu và trên cầu; lắp đặt các trụ chống va đối với các cầu có dòng chảy xoáy, xiên. 

2. Giải pháp lâu dài: Từng bước giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn về tĩnh không các cầu trên các tuyến đường thủy nội địa, trước mắt tập trung vào các hành lang vận tải thủy chính (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Hải Phòng - Ninh Bình, Hồ Chí Minh - Cà Mau, tuyến vận tải thủy kết nối Campuchia), trong đó đặc biệt ưu tiên nâng tĩnh không các cầu: cầu Đuống, cầu Đồng Nai cũ, cầu Bình Triệu, cầu Phước Long, cầu Măng Thít, cầu Nàng Hai, cầu Rạch Ông, cầu An Long…

(Đ/c Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam tham luận tại hội nghị)

Thứ hai: Báo cáo tình hình người dân sử dụng phương tiện dân sinh đi lại trên các tuyến đường thủy nội địa hoặc các tuyến sông, hồ chưa được quy định là luồng đường thủy nội địa dẫn đến nguy cơ mất và đề xuất các giải pháp.

Cả nước hiện có 2.360 con sông, kênh, rạch có tổng chiều dài khoảng 42.000km có thể khai thác vận tải thủy, đã được đưa vào khai thác, quản lý là hơn 27.000 km. Trong đó, hệ thống đường thủy nội địa địa phương hiện nay khai thác chủ yếu lợi dụng điều kiện tự nhiên là chính, công tác quản lý các tuyến đường thuỷ nội địa địa phương còn nhiều bất cập, nhiều tuyến chưa được công bố, quản lý, chưa lắp đặt và duy trì hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa theo quy định. Hiện phương tiện dân sinh đi lại trên các tuyến đường thủy nội địa hoặc các tuyến sông, hồ chưa được quy định là luồng đường thủy nội địa với số lượng rất lớn. Theo số liệu tổng điều tra toàn quốc năm 2007, có trên 290 nghìn phương tiện dân sinh (thô sơ) không thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm.

Theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức quản lý phương tiện được miễn đăng ký và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cảnh báo tại khu vực nguy hiểm đối với hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải. Tuy vậy, nhưng với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật chuyên ngành giao thông vận tải đường thủy nội địa trong phạm vi cả nước, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tổ chức kiểm tra, phối hợp kiểm tra xử lý các vi phạm về ATGT; tổ chức làm việc và thực hiện phối hợp với các địa phương thực hiện các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, trong thời gian qua các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa vẫn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, đặc biệt đối với phương tiện dân sinh (thô sơ) của người dân là do các cơ sở thủ công tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông; chở quá số người, hầu hết không trang bị, không mặc áo phao, mang thiết bị cứu sinh. Trước tình hình nêu trên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề xuất triển khai thực hiện một số các giải pháp sau:

1. Các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa đến các chủ phương tiện dân sinh (thô sơ) biết thực hiện.

2. Đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: (1) Xây dựng và ban hành quy định về tổ chức quản lý đối với phương tiện dân sinh (thô sơ) khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải đảm bảo điều kiện an toàn và triển khai áp dụng pháp luật đối với hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải theo quy định. (2) Chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với cơ quan chức năng, UBND cấp huyện, xã tổ chức thống kê, rà soát, phân loại phương tiện từ đó đưa ra các biện pháp quản lý trên địa bàn (VD: mô hình đánh số quản lý phương tiện thuyền thúng tại khu du lịch Rừng Dừa - Hội An)". (3) Giao cho UBND cấp xã tổ chức thực hiện công tác quản lý và tổ chức cho chủ phương tiện ký cam kết thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa về điều kiện hoạt động của phương tiện.

3. Các lực lượng chức năng thuộc các cơ quan Trung ương, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

4. Khi sửa đổi Luật Giao thông đường thủy nội địa, đề nghị bổ sung nội dung: (1) Quy định bắt buộc mặc phao áo cứu sinh hoặc cầm, đeo dụng cụ nổi cầm tay khi đi trên phương tiện. (2) Quy định về quy chuẩn kỹ thuật về đóng mới đối với loại phương tiện này.

5. Nâng cao chế tài xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo đủ sức răn đe.

Phòng VT&ATGT

Quay lại