Xuất bản thông tin
Ngày 12/5, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh để trao đổi kinh nghiệm về thu hút, triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, BOT trên địa bàn. Tiếp và làm việc cùng Đoàn công tác có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký cùng Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Đoàn công tác Bộ GTVT đã tham quan, thị sát nhiều công trình giao thông theo hình thức đối tác công – tư (PPP) của Quảng Ninh như cầu Bạch Đằng; Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn; Sân bay Vân Đồn…
Sau đó, Đoàn công tác đã làm việc, trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thay mặt Đoàn công tác đã ghi nhận, đánh giá cao cách làm của Quảng Ninh. Các đ/c trong Đoàn công tác cho rằng: Quảng Ninh là điển hình, hình mẫu lý tưởng cho việc vận dụng linh hoạt trong huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Nhìn từ Quảng Ninh, có thể thấy được sự bứt phá nhanh chóng, các công trình động lực nhằm thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng liên tục được triển khai. Đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục được Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong thu hút nguồn lực, giải quyết mâu thuẫn Luật Ngân sách nhà nước và việc sử dụng nguồn lực ngoài ngân sách. Cùng với đó là kinh nghiệm trong công tác GPMB hiệu quả, công tác vận động quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ chính quyền hành động, triển khai các dự án hạ tầng giao thông để trở thành bài học có giá trị, có thể nhân rộng và áp dụng cho các địa phương khác.
Hai bên đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm quý báu
về phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác - công tư
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, từ thực tiễn Quảng Ninh, về chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Bộ GTVT sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ có sự thay đổi, điều chỉnh về giao quyền là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các quốc lộ, cao tốc của địa phương, về nguồn vốn GPMB, phân bổ kinh phí duy tu, bảo trì…
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định cơ bản đồng tình với các kiến nghị của tỉnh. Bộ sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa về cơ chế chính sách. Bộ trưởng cũng giao cho lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ tham mưu để sớm trả lời Quảng Ninh những vấn đề thuộc thẩm quyền trên tinh thần ủng hộ, hợp tác như kiến nghị Bộ GTVT quan tâm xem xét một số nội dung liên quan đến hỗ trợ giảm lãi suất vốn vay, gia hạn thời gian vay vốn đối với các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công-tư do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; điều chỉnh mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ; đẩy nhanh thủ tục tiếp nhận hạng mục đảm bảo hoạt động bay thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; đưa vào Chương trình vốn đầu tư trung hạn 2021 - 2025 để sớm đầu tư các dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 4B và dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 279 trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh quy hoạch thời gian thực hiện Dự án đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; bổ sung vốn GPMB cho Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai đầu tư xây dựng cảng Hòn Nét - Con Ong theo phương thức PPP, BOT...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cùng
lãnh đạo các cơ quan của Bộ GTVT làm việc tại Quảng Ninh
Thay mặt lãnh đạo địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt vận dụng linh hoạt trong huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, trong đó ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, tạo được sự bứt phá nhanh chóng.
Theo ông Cao Tường Huy, Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình đầu tư nhằm kết hợp và huy động nguồn lực từ khối tư nhân và thí điểm đầu tư theo phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư"; ban hành Nghị quyết chỉ đạo các cấp ủy lãnh đạo thí điểm áp dụng hình thức đầu tư PPP với các mô hình "Đầu tư công - quản lý tư" và "Đầu tư tư - sử dụng công".
Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thay vì bị động "chờ" nhà đầu tư đến với mình, Quảng Ninh đã chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án vào địa bàn. Tỉnh cũng đã chủ động xóa bỏ tư duy đầu tư dàn trải, manh mún thay bằng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm và hiệu quả. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tổng lực, dứt điểm, đo lường hiệu quả thiết thực. Trong đó, giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội, "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư".
"Điểm nổi bật trong thực hiện mô hình đầu tư theo hình thức PPP đó là luôn có định hướng phát triển với tầm nhìn dài hạn gắn với 7 quy hoạch chiến lược, đồng bộ; kiên trì với định hướng phát triển đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược...", Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký cho biết thêm.
Được biết, với quan điểm, phương châm hành động "Hiệu quả của doanh nghiệp là thành công của tỉnh", Quảng Ninh cam kết luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình, vòng đời thực hiện dự án. Điều này có nghĩa tỉnh phải đồng hành cùng các nhà đầu tư, xây dựng niềm tin từ đội ngũ lãnh đạo, chính quyền và nhân dân. Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm, không phân biệt nguồn vốn công hay tư, thực hiện kiểm điểm công việc thường xuyên, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp. Minh bạch các lợi ích chính quyền, người dân và nhà đầu tư; giải quyết kịp thời, hiệu quả quyền lợi cho người dân, củng cố niềm tin trong nhân dân để nhận được sự ủng hộ ngay từ đầu...
Từ năm 2014 đến 2019, tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án theo hình thức PPP trên địa bàn tỉnh khoảng 46.297 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực giao thông có 7 dự án với tổng vốn 43.099 tỷ đồng. Hiện Quảng Ninh đã có gần 100km đường cao tốc, đang triển khai cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với tổng chiều dài trên 80km, sở hữu cảng tàu khách quốc tế, sân bay quốc tế tư nhân đầu tiên ở Việt Nam… Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt gần 345.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, trong đó vốn ngoài nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân gần 20%/năm và chiếm hơn 57% cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội.
Nguồn: Bộ GTVT
New articles
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ giữa hai Bộ trưởng
- Đại hội Công đoàn Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V lần thứ I, nhiệm kỳ 2024- 2028
- Thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024
- Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 “Chuyển đổi để bứt phá”
- Kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn đường thủy tại nhiều địa phương