Xuất bản thông tin
Sáng 14/10/2021, tại Bộ giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển logistics vận tải đường thủy và vận tải ven biển, tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh thành phố, các Cục, Vụ thuộc Bộ, các Hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực đường thủy nội địa trên phạm vi cả nước, Cục trưởng Bùi Thiên Thu tham dự tại điểm cầu Bộ Giao thông vận tải và có báo cáo tại Hội nghị.
(Cục trưởng Bùi Thiên Thu báo cáo tại Hội nghị)
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng cho biết từ năm 2015 đến nay, Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa (ĐTNĐ), giúp cho vận tải đường thủy nội địa ngày càng có vai trò quan trọng đối với ngành giao thông vận tải.
Với ưu điểm là vận tải khối lượng lớn, giá cước cạnh tranh, có độ an toàn cao và độ tác động ô nhiễm môi trường thấp. Tuy đầu tư cho ngành ĐTNĐ còn thấp: giai đoạn 2015-2020 chỉ chiếm dưới 2% tổng đầu tư cho ngành GTVT, nhưng tỷ trọng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa của ĐTNĐ luôn rất cao. Hàng năm vận tải ĐTNĐ chiếm khoảng 19% tổng lượng hàng hóa trong nước (có nghĩa là cứ 5 tấn hàng trong lưu thông thì có 1 tấn hàng được chuyển bằng ĐTNĐ), và chiếm hơn 20% khối lượng hàng hóa luân chuyển toàn quốc (tỷ lệ ở vùng ĐB sông Hồng là 45%, vùng ĐNB là 47,5% và tại vùng ĐBSCL chiếm gần 80%).
Phương tiện vận tải SB ngày càng tăng và phát huy hiệu quả, khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện VR-SB năm 2020 đã tăng gấp 9 lần so với năm 2015 (năm đầu mở tuyến). 9 tháng đầu năm 2021, đạt hơn 45 triệu tấn (tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2020).
Vận tải container bằng đường thủy nội địa tăng hàng năm, tuy nhiên tỷ lệ đảm nhận của vận tải container bằng ĐTNĐ tại các cảng biển vẫn còn hạn chế, nhất là khu vực cảng biển Hải Phòng chỉ khoảng 1,8%, (tức là 100 container thông qua cảng biển HP chỉ có chưa tới 2 container được vận chuyển bằng ĐTNĐ); khu vực cảng biển TP. HCM, đạt 10-11%; Trong khi tại khu vực cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, việc kết nối giữa ĐTNĐ với cảng biển rất tốt, tỷ lệ hàng vận chuyển Container bằng ĐTNĐ đạt 72%.
Cục trưởng đánh giá về những tồn tại bất cập ảnh hưởng đến vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển, gồm:
(1) Các tuyến vận tải thủy không đồng cấp, tồn tại các điểm nghẽn và các cầu có tĩnh không thấp (cầu Đuống, cầu Bình Triệu cũ, cầu Đồng Nai cũ, cầu Sa Đec).
(2) Phương tiện thủy nội địa chủ yếu vẫn là phương tiện loại nhỏ, hoạt động trên tuyến ngắn, năng suất thấp, rất ít phương tiện chở hàng công-ten-nơ.
(3) Việc kết nối giữa vận tải ĐTNĐ với các phương thức vận tải khác, nhất là đường bộ và cảng biển chưa thực sự thuận lợi.
(4) Cảng, bến thủy nội địa có quy mô hạn chế, trang thiết bị bốc xếp lạc hậu, các cảng thủy nội địa phía Bắc còn vướng các thủ tục, thỏa thuận với cơ quan quản lý về đê điều khi hoạt động trong mùa mưa, lũ.
(5) Việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển, chưa khuyến khích được vận tải thủy nội địa phát triển nhất là vận tải hàng container.
(6) Các doanh nghiệp vận tải thủy hầu hết là tư nhân, phát triển tự phát, manh mún, năng lực tài chính thấp.
(7) Vận tải ven biển bằng phương tiện TNĐ (VR-SB) bước đầu phát huy hiệu quả nhưng còn cần có nhiều giải pháp để tăng cường đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển.
(8) Hiện nay hàng hóa thông qua các cảng biển chủ yếu là hàng container, tuy nhiên chưa có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy vận tải hàng container bằng đường thủy nội địa.
(9) Hệ thống đường thủy nội địa khu vực phía Bắc và miền Trung chịu ảnh hưởng bởi đặc điểm khí tượng thủy văn, ảnh hưởng lớn tới hoạt động vận tải ĐTNĐ.
Trên cơ sở đánh giá về các tồn tại bất cập của hoạt động vận tải thủy và vận tải ven biển, Cục trưởng Bùi Thiên Thu đề xuất một số giải pháp khắc phục, thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy nội địa trong giai đoạn tới, như sau:
Thứ nhất, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tuyến hành lang vận tải thủy chính, hành lang huyết mạch (nâng tĩnh không cầu Đuống, cầu Đồng Nai cũ, cầu Bình Triệu cũ, cầu Sa Đéc; triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp luồng như: dự án nâng cấp tuyến sông Đuống, dự án kết nối Đáy - Ninh Cơ, dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, dự án hành lang logistics đường thủy phía Nam, dự án Chợ Đệm - Bến Lức…) nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư cảng, bến và phương tiện hiện đại, có kích thước lớn để thúc đẩy xu hướng vận chuyển hàng container bằng đường thủy từ cảng biển cửa ngõ vào sâu trong nội địa và ngược lại.
Thứ hai, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cảng theo cụm, kết nối thuận lợi tối đa với đường bộ, cảng cạn, tạo điều kiện hình thành các cảng đầu mối có quy mô lớn có công nghệ bốc xếp hiện đại, tiến tới hình thành các Trung tâm logistics ĐTNĐ và tham gia vận tải đa phương thức.
Thứ ba, nghiên cứu phát triển phương tiện thủy nội địa chuyên dùng, phương tiện chở container phù hợp với đặc thù kết cấu hạ tầng (luồng tuyến, tĩnh không cầu…) ĐTNĐ theo từng khu vực và tuyến vận tải ven biển.
Thứ tư, ứng dụng CNTT hiện đại hóa công tác quản lý, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thuyền viên, phương tiện thủy nội địa.
Thứ năm, miễn phí cơ sở hạ tầng đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa, để tăng tính cạnh tranh, dịch chuyển cơ cấu vận tải để hàng hóa chuyển từ đường bộ xuống đường thủy nội địa, góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường, giảm thiểu ùn tắc, TNGT trên hệ thống đường bộ.
Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương với các doanh nghiệp Vận tải - Cảng - Logistics và các hội, hiệp hội về ĐTNĐ theo phương châm "đồng hành cùng doanh nghiệp".
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp nêu trên, Cục trưởng kiến nghị với các bộ ngành, địa phương, một số nội dung:
(1) Kiến nghị Bộ GTVT:
Tăng đầu tư hàng năm cho ĐTNĐ để đẩy mạnh tốc độ phát triển và tỷ trọng đảm nhận của vận tải ĐTNĐ. Chỉ đạo triển khai các dự án để giải quyết các điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải thủy nội địa như dự án nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, cầu Bình Triệu cũ, cầu Đồng Nai cũ, cầu Sa Đéc (Nàng Hai), dự án hành lang vận tải thủy logistics phía Nam, thi công hoàn thành dứt điểm các dự án như cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ...
(2) Kiến nghị Bộ Tài chính:
Nghiên cứu xem xét ban hành các chính sách khuyến khích vận tải đường thủy nội địa phát triển như: Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với dự án đầu tư, phát triển cảng thủy nội địa; Ưu đãi thuế thu nhập của doanh nghiệp đối với cá dự án đầu tư mới kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; Miễn thuế nhập khẩu thiết bị xếp dỡ hàng hóa công-ten-nơ, thiết bị xếp dỡ hàng chuyên dùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được để lắp đặt, khai thác, nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa của các cảng TNĐ; Quan tâm, bố trí tăng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm cho công tác quản lý bảo trì đường thủy nội địa
(3) Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Nghiên cứu hướng dẫn các địa phương có quy định cụ thể các điều kiện để các cảng, bến TNĐ, cơ sở đóng sửa chữa pt TNĐ ở ngoài đê được hoạt động hiệu quả trong mùa mưa lũ, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của cảng, bến TNĐ
(4) Kiến nghị UBND cấp tỉnh:
Quan tâm bố trí quỹ đất dọc theo các tuyến đường thủy nội địa chính để hình thành những cụm cảng ở khu vực thuận lợi cho việc kết nối với các khu công nghiệp, khu chế xuất…và hình thành tuyến vận tải thủy container kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế, để tối ưu hoá hiệu quả công tác vận tải, đặc biệt phục vụ cho xuất nhập khẩu.
Đề nghị UBND TP. Hải phòng, UBND TP. Hồ Chí Minh, xem xét miễn phí cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa (Do hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa không sử dụng kết cấu hạ tầng của địa phương kết nối với cảng biển, đồng thời góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ của địa phương kết nối với cảng biển).
(Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu kết luận Hội nghị)
Sau khi nghe báo cáo, các đề xuất, kiến nghị của Cục trưởng và hơn 20 ý kiến tham luận của các doanh nghiệp, Hiệp hội, các Bộ, Ngành, Cục chuyên ngành thuộc Bộ GTVT, phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá đây là Hội nghị hết sức quan trọng với mong muốn tìm ra lợi thế, khai thác có hiệu quả tiềm năng của vận tải thuỷ nội địa. Bộ trưởng đánh giá cao sự cố gắng trong công tác chuẩn bị, tổ chức Hội nghị của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cảm ơn các Hiệp hội, Chuyên gia và các Doanh nghiệp đã có tham luận và tham dự Hội nghị.
Bộ trưởng trưởng khẳng định vận tải thủy nội địa là một trong những phương thức vận tải hiệu quả và an toàn nhất, Bộ Giao thông vận tải luôn quan tâm phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển.
Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Vận tải và Cục ĐTNĐ Việt Nam rà soát, tổng hợp lại toàn bộ những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị… Yêu cầu thống kê lại những kiến nghị thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT, Cục ĐTNĐ Việt Nam thì tập trung giải quyết ngay. Những kiến nghị không thuộc thẩm quyền của Bộ, các Bộ, Ngành khác thì cùng phối hợp xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng khẳng định vấn đề lớn nhất hiện tại là Quy hoạch ĐTNĐ. Quy hoạch ĐTNĐ đã được hội đồng Thẩm định Quốc gia thống nhất. Trong thời gian tới, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam cần nghiên cứu kỹ Quy hoạch ĐTNĐ và tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch ĐTNĐ để đảm bảo thực hiện đúng theo Luật Quy cũng như chốt lại những vấn đề tập trung, định hướng trong 05 năm, 10 năm và 15 năm tới của ĐTNĐ.
Khẳng định sự kết hợp, phát triển đồng bộ giữa Hàng hải và ĐTNĐ sẽ góp phần giảm tải cho đường bộ và đường sắt, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo, thống nhất sự phối hợp giữa ĐTNĐ và Hàng Hải để thực hiện tốt Quy hoạch ĐTNĐ và Quy hoạch hệ thống cảng biển đã được công bố. Các cảng biển lớn cần bổ sung bố trí cảng, bến cảng thủy nội địa cho phương tiện thủy nội địa để tập kết, cung ứng hàng container từ sâu trong nội địa bằng đường thủy đến cảng biển kết nối đồng bộ giữa đường thủy nội địa và hàng hải.
Bộ trưởng cho biết có 03 vùng để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng gồm: Cụm phía Bắc với 03 hành lang vận tải thủy chính trong đó có tuyến từ Việt Trì - Phú Thọ - Hải Phòng là quan trọng nhất. Khu vực phía Bắc có tiềm năng phát triển ĐTNĐ lớn nhưng kết quả khai thác còn hạn chế, cần cụ thể hoá Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thuỷ nội địa trên sông Hồng và các sông khác để xây dựng kết cấu hạ tầng ĐTNĐ đảm bảo được yêu cầu sử dụng. Bộ trưởng đề nghị Cục ĐTNĐ Việt cần làm việc với cơ quan liên quan về quản lý đê điều, để tìm cơ chế, giải pháp hình thành và tạo thuận lợi cho các cảng thủy nội địa khu vực sông Hồng và các sông phía Bắc hoạt động trong mùa mưa, lũ.
Khẳng định vận tải thuỷ nội địa khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang phát triển tốt nhưng tiềm năng vẫn còn rất lớn, Bộ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các cảng cần bổ sung thiết bị xếp dỡ hàng container, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi xây dựng cảng thuỷ, xây dựng các tuyến đường bộ kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp với các cảng thủy nội địa, cảng biển, hình thành các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa lớn… đa dạng hoá hệ thống cảng, tạo tiềm lực mạnh để phát triển vận tải thuỷ nội địa và vận tải ven biển khu vực phía Nam.
Về vận tải ven biển bằng phương tiện VR-SB, Bộ trưởng đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu giải pháp để phương tiện VR-SB được hoạt động quanh năm đảm bảo an toàn, nghiên cứu mô hình phương tiện container hoạt động vận tải hàng ven bờ của Thái Lan và các nước trong khu vực để thiết kế phương tiện phù hợp với điều kiện thời tiết ven biển Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng vận tải ven bờ biển Việt Nam.
"Vận tải hàng hóa bằng phương tiện VR-SB trên tuyến vận tải đường thủy ven bờ biển là xương sống của vận tải hàng hoá ĐTNĐ, phải đảm bảo an toàn, có cơ chế quản lý chặt chẽ và được tạo điều kiện phát triển để đảm bảo hiệu quả KT-XH tăng cao". Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đồng thời khẳng định, muốn cụ thể hoá Quy hoạch ĐTNĐ cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp tiếp cận vay vốn, giảm thu phí hạ tầng cảng biển. Bộ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam cùng phối hợp với các đơn vị, các doanh nghiệp, hiệp hội nghiên cứu các cơ chế, chính sách về miễn giảm thuế, tiếp cận vốn… để tạo điều kiện phát vận tải đường thuỷ nội địa, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.
Phòng Vận tải - An toàn giao thông
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương