Xuất bản thông tin
Các hiệp hội cho rằng, hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa không sử dụng kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển, không gây ùn tắc giao thông nên không cần thu phí.
Đề xuất trên được gửi đến Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bởi 5 Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa, gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ Hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam.
(Nguồn ảnh: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp)
Theo các Hiệp hội, đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí logistics, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp vận tải thủy, cung cấp dịch vụ logistics và chủ hàng gặp rất nhiều khó khăn do chi phí tăng cao.
Để tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh phát triển khi tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021, trong đó giao nhiệm vụ cho các địa phương: "kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của Nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội".Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, họ phải đóng thêm phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa gây ra nhiều khó khăn, bất cập.
Theo phân tích của 5 hiệp hội:
Hàng hóa vận tải bằng đường thủy không sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển (do địa phương quản lý) mà chỉ sử dụng cảng, bến (do chủ cảng bến quản lý), luồng đường thủy nội địa, luồng hàng hải (do Bộ GTVT quản lý). Bên cạnh đó, đường thủy nội địa không chỉ góp phần làm giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ của địa phương kết nối đến cảng biển, mà còn giảm khí thải carbon vào môi trường hướng tới thực hiện cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 là Việt Nam sẽ có "phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", cũng như góp phần giảm phí duy tu sửa chữa hạ tầng hàng năm của Chính phủ. Theo thống kê 05 năm trở lại đây, chi phí công dành cho phát triển đường thủy chỉ bằng một phần rất nhỏ so với đường bộ. Đường thủy nội địa chủ yếu sử dụng tuyến luồng, sông, kênh mang tính tự nhiên hiện hữu.
Các Hiệp hội tán thành việc Hội đồng nhân dân Thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết và tổ chức thu phí đối với hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ (đối tượng sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển) để bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ hoặc tái tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng của địa phương. Tuy nhiên, việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa được vận tải bằng đường thủy xét thấy là chưa đúng đối tượng, làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp vận tải đường thủy. Đồng thời chi phí logistics tăng sẽ làm giảm sự cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng sẽ mất nguồn thu từ dịch vụ logistics, dịch vụ xếp dỡ.
Trong thực tế, việc Thành phố Hải Phòng thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa đã làm giảm sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển, mất lợi thế là cảng biển trung chuyển của khu vực. Trước khi thu phí, từ năm 2012 đến 2017 tốc độ tăng trưởng hàng năm sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng đạt 7,8%/năm, Quảng Ninh đạt 3,5%/năm, sau khi thu phí từ năm 2017 đến 2020, tăng trưởng hàng thông qua cảng biển Hải Phòng bị giảm một nửa chỉ còn 3,9%/năm, trong khi đó cảng biển Quảng Ninh tăng hơn 4 lần đạt 15,3%/năm.
Nếu miễn phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy sẽ tăng sức cạnh tranh của vận tải đường thủy so với vận tải đường bộ là cơ sở để khuyến khích hàng hóa dịch chuyển từ đường bộ xuống đường thủy nội địa góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, tiết kiệm chi phí, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm chi phí dịch vụ logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Từ các phân tích nêu trên, Ngày 24/12/2021, Đại diện cho các doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa, 05 Hiệp hội cùng ký văn bản đề xuất Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành xem xét, có ý kiến chỉ đạo:
(1) Thành phố Hải phòng không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa;
(2) Đối với các địa phương có ý định thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển giống như Thành phố Hải Phòng, đề nghị không thu phí đối với hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa.
Ngày 29/12/2021, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị HĐND, UBND TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh xem xét miễn, giảm phí sử sụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy. Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang đã có buổi làm việc về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đường thủy nội địa và hàng hải với UBND TP. Hải Phòng, tại buổi làm việc Thứ trưởng đã đề nghị UBND TP. Hải Phòng xem xét không thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy./.
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
New articles
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ giữa hai Bộ trưởng
- Đại hội Công đoàn Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V lần thứ I, nhiệm kỳ 2024- 2028
- Thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024
- Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 “Chuyển đổi để bứt phá”
- Kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn đường thủy tại nhiều địa phương