Xuất bản thông tin
Tháng 9/2015, UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở GTVT Hà Nội về việc di dời toàn bộ tàu thủy nội địa tại Bến Thủy (đầu đường Thụy Khuê) về khu vực Đầm Bảy, đồng thời yêu cầu thực hiện ngay trong tháng 10-2015. Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm này, các du thuyền phục vụ ăn uống, giải trí... vẫn đang hoạt động nhộn nhịp…
Các tàu thuyền vẫn neo đậu tại Bến Thủy đầu phố Thụy Khuê bất chấp lệnh di dời.
Đã hơn 3 tháng kể từ thời hạn "chót" bắt buộc phải di dời, phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại khu vực và ghi nhận cả chục du thuyền, quán bar, nhà hàng vẫn nhộn nhịp hoạt động ngày đêm. Nhiều tàu thuyền cũ nát, gỉ sắt bị bỏ hoang cũng vẫn "tại vị". "Như chưa hề có quyết định di dời", "phải chăng đang có tình trạng trên bảo dưới không nghe"… là những ý kiến chúng tôi ghi nhận khi tiếp xúc với nhiều người dân sở tại.
Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, hiện có 13 đơn vị có phương tiện thủy đang hoạt động trên Hồ Tây, gồm: Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây, Công ty CP Du lịch thương mại Tây Hồ, Công ty CP Sông Potomac, Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây, Công ty TNHH Nhuận Mai, CLB Đua thuyền, Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản, Công ty TNHH Dịch vụ Kim Linh, Công ty CP TM&CN Sông Hồng, Công ty CP Việt Thái quốc tế, Công ty TNHH Đầu tư TM&DV Hải Đăng, Xí nghiệp môi trường Hồ Tây, Công ty Liên doanh Hà Nội Lake View.
Hoạt động kinh doanh của các du thuyền, nhà nổi tại Hồ Tây thời gian qua đã và đang khiến mặt nước Hồ Tây tại khu vực ô nhiễm nghiêm trọng. Hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, quán bar tại đây còn gây tình trạng mất an ninh trật tự. Các tàu thuyền cũ nát lưu cữu tại đây còn gây mất an toàn và mỹ quan đô thị. Chính vì vậy, quyết định di dời các tàu thuyền đang hoạt động tại Bến Thủy Hồ Tây sang địa điểm mới của UBND thành phố đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo bà con. Tuy nhiên, đã hơn 3 tháng trôi qua, việc tàu thuyền chưa nhúc nhích, chuyển dời đã làm nảy sinh những hoài nghi, thắc mắc của người dân trong việc triển khai thực hiện quyết định từ các sở, ngành, chính quyền và đơn vị có liên quan.
Tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này, chúng tôi được biết, vào cuối năm 2015, ông Nguyễn Việt Phương - Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định: "Việc chưa di dời được thuộc trách nhiệm của UBND quận Tây Hồ. Nếu quận chưa di dời thì UBND TP Hà Nội phải có công văn đốc thúc chứ không phải việc của Sở GTVT Hà Nội". Trong khi đó, trả lời Báo Hànộimới về nguyên nhân chậm di dời Bến Thủy, ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, bến thủy nội địa tại khu vực Đầm Bảy (phường Nhật Tân) đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Việc đầu tư xây dựng bến thủy nội địa tại khu vực Đầm Bảy thuộc trách nhiệm của Sở GTVT Hà Nội.
Đối với những phương tiện cũ nát, không sử dụng phải thanh thải, đầu tháng 10-2015, quận Tây Hồ đã có Công văn số 984/UBND-QLĐT yêu cầu các đơn vị có phương tiện tự thanh thải, đưa ra khỏi Hồ Tây. Tuy nhiên, đến hết tháng 12-2015, không có đơn vị nào tự thanh thải phương tiện theo yêu cầu của UBND quận. Tháng 1-2016, UBND quận Tây Hồ tiếp tục ra Văn bản số 109/UBND-QLĐT lần thứ 2 yêu cầu các đơn vị tự thanh thải phương tiện thủy nội địa cũ nát, không sử dụng khỏi khu vực Hồ Tây.
Cũng theo UBND quận Tây Hồ, việc bắt buộc các đơn vị thực hiện việc thanh thải và di dời gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các đơn vị đều có đăng ký, đăng kiểm đầy đủ, chấp hành nghiêm túc các thủ tục xin phép về bảo hiểm, chứng chỉ thuyền trưởng, thuyền viên… và các giấy phép trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. UBND quận đã đề nghị các đơn vị có phương tiện là tàu, thuyền hiện đang có hoạt động kinh doanh dịch vụ trên Hồ Tây di chuyển trước về khu vực Đầm Bảy, nhưng các đơn vị đề nghị sớm hoàn thành xây dựng bến đỗ tiến hành di chuyển.
UBND quận Tây Hồ cho biết: Mới đây (ngày 22-1-2016), UBND quận đã tổ chức họp liên ngành với Thanh tra Sở GTVT, Đội Thanh tra giao thông đường thủy nội địa và các đơn vị chức năng thuộc quận để thống nhất biện pháp xử lý các phương tiện thủy nội địa trên Hồ Tây theo ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố. Theo đó các đơn vị đã thống nhất: Báo cáo, đề nghị Sở GTVT đẩy nhanh tiến độ xây dựng bến thủy nội địa tại khu vực Đầm Bảy, phường Nhật Tân tạo điều kiện cho công tác di dời các phương tiện thủy về địa điểm tập trung, bảo đảm cảnh quan, vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra xử lý các vi phạm đối với các phương tiện thủy nội địa đang hoạt động trên mặt nước Hồ Tây, thiết lập hồ sơ quản lý chặt chẽ để có biện pháp xử lý triệt để; xây dựng và triển khai kế hoạch liên ngành để di dời, thanh hải các phương tiện thủy nội địa trên mặt nước Hồ Tây với lộ trình rõ ràng, thời gian triển khai kế hoạch sau tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Theo Dạ Quang (Hà Nội mới)
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương