Xuất bản thông tin
Sau khi chuyển từ mô hình đơn vị sự nghiệp quản lý đường thủy sang doanh nghiệp cổ phần, các công ty bảo trì đường thủy không còn cách nào khác là phải tự đổi mới, mở rộng sản xuất kinh doanh để thích nghi.
Doanh nghiệp bảo trì đường thủy đang nỗ lực mở rộng sản xuất kinh doanh bên cạnh nghề truyền thống (Trong ảnh: Kiểm tra đèn báo hiệu trên tuyến sông Hậu) |
Không còn bó buộc sửa chữa báo hiệu
Giữa năm 2016, các tuyến đường thủy Quốc gia do Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam trực tiếp quản lý lần đầu tiên được đấu thầu bảo trì thường xuyên thay cho phương thức đặt hàng như nhiều năm trước. Việc làm này liên quan trực tiếp đến 15 công ty cổ phần quản lý bảo trì ĐTNĐ, trong đó 10 công ty chỉ mới cổ phần hóa từ cách đây hơn một năm.
"Các công ty mới chuyển sang cổ phần đều gặp khó khăn về vốn lưu động nên mong được Bộ GTVT, Cục ĐTNĐ Việt Nam tạo cơ chế để duy trì nguồn việc ổn định trong hai, ba năm để có thời gian thích nghi với cơ chế thị trường." Ông Vũ Trung Tá |
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, trước đây có 15 đơn vị quản lý đường thủy trực thuộc, nhưng năm 2005, 5 đơn vị thí điểm chuyển sang doanh nghiệp cổ phần. 10 năm sau, đến năm 2015 hoàn thành chuyển đổi các đơn vị còn lại.
"Việc chuyển đổi diễn ra trong bối cảnh các đơn vị chỉ bó hẹp trong lĩnh vực bảo trì ĐTNĐ khiến lãnh đạo một số đơn vị và người lao động bị sốc. Tuy nhiên, cổ phần hóa là điều tất yếu để xã hội hóa dịch vụ quản lý bảo trì ĐTNĐ, tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và hoạt động dịch vụ lĩnh vực ĐTNĐ", ông Giang nói và cho biết, kết quả lần đấu thầu đầu tiên là các đơn vị đã tính toán giảm 3-5% chi phí bảo trì ĐTNĐ so với trước đây. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã chủ động mở rộng sang các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác thay vì chỉ bó hẹp trong công việc bảo trì đường thủy.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Trung Tá, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 10 (đơn vị cổ phần hóa năm 2015) cho biết, sau CPH doanh nghiệp đã mở rộng thêm ngành nghề như: Vận tải biển, sửa chữa tàu, kinh doanh vật liệu xây dựng… "Xu hướng CPH là tất yếu, giúp doanh nghiệp huy động thêm nhiều nguồn lực và thay đổi cách quản trị. Thu nhập người lao động không còn cơ chế phân phối cào bằng như đơn vị sự nghiệp nữa", ông Tá nói.
Trong khi đó, ông Dương Hải Thanh, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 4 cũng cho biết, sau hơn một năm CPH doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, nhưng đã nỗ lực tạo thêm việc làm mới cho người lao động. "Để thích ứng, chúng tôi đã bắt đầu khởi nghiệp với các lĩnh vực mới như: Kinh doanh xăng dầu, sản xuất đá, nước sạch", ông Thanh cho biết.
Doanh nghiệp hấp dẫn hơn
Các doanh nghiệp mới chuyển sang CPH dù còn gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm ngoài lĩnh vực bảo trì ĐTNĐ, tuy nhiên đây lại là cơ hội lớn để các đơn vị này phát triển ổn định. Ông Phạm Văn Phả, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 3 (một trong 5 đơn vị đầu tiên của ngành ĐTNĐ được thí điểm CPH năm 2005) cho biết, sau khi chuyển sang cổ phần, doanh nghiệp đã tổ chức lại bộ máy, giảm bộ phận lao động gián tiếp xuống còn 1/3 so với trước. Một mặt doanh nghiệp khẳng định uy tín, chất lượng trong lĩnh vực bảo trì, điều tiết giao thông đường thủy, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực du lịch, kinh doanh khách sạn.
"Thời gian đầu sau CPH, đơn vị chỉ hoạt động trong lĩnh vực bảo trì đường thủy và chỉ có số vốn điều lệ khiêm tốn 9 tỷ đồng. Đến nay, chúng tôi đã kinh doanh thêm tàu du lịch vịnh Hạ Long, tới đây tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 106 tỷ đồng để đầu tư thêm hai tàu du lịch, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp ngoài ngành kinh doanh khách sạn", ông Phả nói và cho biết, một trong những minh chứng về sự hấp dẫn của doanh nghiệp sau CPH là mới đây phần vốn Nhà nước tại đơn vị được bán ra với giá bằng 2,5 lần so với lần đầu phát hành.
Tương tự, các đơn vị như Công ty CP Quản lý đường sông số 6, số 2, số 5… trong nhiều năm làm ăn khá hiệu quả, kết quả chia cổ tức hàng năm đều từ 20 -30%.
Hồng Xiêm
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương