Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Doanh nghiệp sợ bảo trì đường thủy vì thời gian quá ngắn
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Sau hai năm thực hiện thí điểm, đấu thầu bảo trì đường thủy quốc gia đã bộc lộ nhiều bất cập gây khó...

13

Bảo trì đường thủy - Ảnh: Tạ Tôn

Vừa đấu thầu lại lo... đấu thầu

Các doanh nghiệp (DN) đường thủy đang mong sớm được tháo gỡ cơ chế và đấu thầu dài hạn hơn để thuận lợi cho cả đơn vị trúng thầu và cơ quan quản lý.

Ông Dương Hải Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa (ĐTNĐ) số 4 cho biết, đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ để đấu thầu các gói bảo trì thường xuyên đường thủy quốc gia năm 2018. Trước đó, tháng 4/2017, DN của ông và nhiều đơn vị khác cũng phải tất bật thực hiện đấu thầu các gói thầu bảo trì do Cục ĐTNĐ Việt Nam tổ chức, với thời hạn gói thầu chỉ đến hết tháng 12/2017.

Việc thời hạn gói thầu chỉ trong 8 tháng khiến DN khá vất vả, thậm chí mệt mỏi với việc chuẩn bị hồ sơ thầu. "Chúng tôi mất nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đấu thầu, rồi ký kết hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán. Thế nhưng, thời hạn thực hiện gói thầu quá ngắn, vừa đấu thầu xong đã phải chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để đấu thầu tiếp", ông Thanh nói.

"Theo Quyết định 47 của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế đấu thầu quản lý bảo trì các tuyến ĐTNĐ quốc gia được thí điểm thực hiện trong thời gian 3 năm, từ 2016-2018. Việc chưa tổ chức đấu thầu theo thời hạn dài gây ra những khó khăn cho công tác quản lý bảo trì và DN. Cục sẽ đề xuất để áp dụng cơ chế đấu thầu với thời gian vài năm/lần để giảm các chi phí và tăng tính cạnh tranh, tiết kiệm ngân sách bảo trì đường thủy".

Ông Hoàng Hồng Giang
Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam

Đồng quan điểm, lãnh đạo các Công ty CP Quản lý đường sông số 3, số 6 cũng cho rằng, thời gian đấu thầu chỉ kéo dài 8 tháng là quá ngắn, dù tính chất công việc ít thay đổi. Ngoài thời gian thầu 8 tháng, 4 tháng còn lại của năm, các đơn vị thực hiện bảo trì cũng phải thực hiện theo đặt hàng của Cục ĐTNĐ Việt Nam.

Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, từ năm 2016, ngành Đường thủy bắt đầu thí điểm đấu thầu quản lý, bảo trì thường xuyên 45 tuyến ĐTNĐ quốc gia. Phương thức đấu thầu giúp giảm được 3-5% kinh phí (khoảng 3,9 tỷ đồng) mỗi gói thầu so với đặt hàng. Trong năm đầu tiên, chỉ đặt hàng bảo trì và đấu thầu thực hiện trong 8 tháng. Tuy nhiên, đến năm 2017, vẫn chưa thể kéo dài thêm thời hạn.

Giải thích về việc chỉ đấu thầu 8 tháng, ông Vũ Mạnh Hùng, quyền Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư (Cục ĐTNĐ Việt Nam) cho biết: "Theo quy định, trước khi đấu thầu phải có kế hoạch đấu thầu được phê duyệt, trong đó có số lượng thầu, giá gói thầu, nguồn vốn, phương thức đấu thầu, thời gian hợp đồng. Tuy nhiên, vướng mắc là dự toán nguồn vốn cho công tác quản lý bảo trì đến cuối tháng 11 hoặc tháng 12 của năm trước mới được giao, nên không đủ thời gian để thực hiện các thủ tục để tổ chức đấu thầu, thực hiện hợp đồng từ ngày 1/1 năm sau".

Cũng theo ông Hùng, quản lý bảo trì đường thủy thường xuyên không thể bỏ trống trong thời gian chưa thực hiện theo hợp đồng đấu thầu nên mới có chuyện đấu thầu 8 tháng, còn 4 tháng phải đặt hàng.

Vì sao chưa kéo dài thời hạn thầu

Chia sẻ với Báo Giao thông, lãnh đạo các DN bảo trì đường thủy đều cho rằng, các gói thầu bảo trì thường xuyên có thời hạn 8 tháng/lần là quá ngắn, cần kéo dài tối thiểu là 3 năm. Thực tế, lĩnh vực bảo trì đường bộ cũng đã áp dụng phương thức đấu thầu thời hạn 3 năm/lần, sắp tới có thể là 5 năm, giúp DN bớt được công sức làm hồ sơ, thủ tục, đồng thời có thể chú tâm đầu tư thêm máy móc, thiết bị bảo trì.

"Các DN bảo trì đường thủy sau khi cổ phần hóa đều phải mở rộng tìm kiếm công việc từ lĩnh vực khác vì việc rất thiếu. Thời hạn thực hiện đấu thầu bảo trì 2-3 năm/lần mới tạo sự ổn định, để DN yên tâm đầu tư các thiết bị, máy móc phục vụ bảo trì", ông Dương Hải Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 4 nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Phả, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 3 cho rằng, nguồn thu từ bảo trì đường thủy thường xuyên không chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập của DN. Nhưng bảo trì vẫn là lĩnh vực truyền thống, nên việc áp dụng thời hạn thầu dài hơn sẽ giúp các DN ổn định, có thể mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác.

Nói về điều này, quyền trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư của (Cục ĐTNĐ Việt Nam) Vũ Mạnh Hùng cho biết, có thể năm 2018 mới bắt đầu áp dụng phương thức bảo trì bằng đấu thầu trong cả năm. Tuy vậy, Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng tính đến phương án đề xuất từ sau năm 2018, tổ chức đấu thầu bảo trì trong thời hạn vài năm/lần để tạo thuận lợi cho DN và cơ quan quản lý.

"Cục đã trình Bộ GTVT dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập trong Thông tư 26 ngày 8/7/2014 của Bộ GTVT hướng dẫn đấu thầu, đặt hàng sản xuất cung ứng dịch vụ công ích quản lý, bảo trì ĐTNĐ quốc gia thuộc dự toán chi ngân sách T.Ư; Đồng thời, xây dựng kế hoạch dự toán thu, chi ngân sách trung hạn để đề nghị tổ chức đấu thầu bảo trì trong thời hạn vài năm/lần", ông Hùng cho biết.

Theo Huy Lộc (Báo Giao thông)

Quay lại