Xuất bản thông tin
So với các lĩnh vực khác, đường thủy được ví là "con nhà nghèo", nhưng quyết tâm dùng công nghệ để đổi mới, phục vụ phát triển đang giúp ngành Đường thủy vượt khó và dần "thay da đổi thịt".
Từ năm 2015 đến nay, lĩnh vực đường thủy ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để phục vụ vận tải và quản lý, bảo đảm ATGT |
Dùng công nghệ để đi tắt đón đầu
Còn nhớ trước năm 2015, lĩnh vực đường thủy nói chung và Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) VN nói riêng luôn đứng cuối bảng xếp hạng của Bộ GTVT về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phục vụ quản lý. Tuy nhiên, bất ngờ là từ đó đến nay, sau khoảng 3 năm ngắn ngủi nhưng đường thủy có sự "lột xác" ngoạn mục trong ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa theo xu hướng "số hóa" từ góc độ quản lý đến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, 12 ứng dụng CNTT đã được Cục triển khai để tăng hiệu quả quản lý trên các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Ngay trong tháng 8/2017, Cục ĐTNĐ VN đã gây bất ngờ cho không ít người khi công bố ứng dụng Viwa Alert trên điện thoại di động để người dân chụp, gửi trực tiếp ảnh và các phản ánh, kiến nghị về đường thủy đến Cục. Hiện, trung bình mỗi ngày có hơn 10 hình ảnh do người dân gửi đến, được Cục ĐTNĐ tiếp nhận, tự động phân cấp xử lý (theo tọa độ, địa bàn của bức ảnh) và phản hồi kịp thời đến tổ chức, người dân. "Ứng dụng trên do Cục ĐTNĐ xây dựng, cung cấp miễn phí để người dân dễ dàng phản ánh về những hạn chế, bất cập và hành vi vi phạm xảy ra trên luồng tuyến, cảng bến và vận tải thủy để kịp thời tháo gỡ vướng mắc mà người dân, doanh nghiệp gặp phải", ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN chia sẻ.
Từ năm 2015 đến nay, Cục ĐTNĐ VN đã lắp đặt, sử dụng 55 trạm thu phát tín hiệu tự động nhận dạng phương tiện thủy AIS. Hiện, Cục đang hoàn thiện đề án lắp đặt thiết bị AIS đối với phương tiện thủy cỡ lớn, để nâng hệ số an toàn cho phương tiện thủy trong quá trình hành trình và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. |
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Cục ĐTNĐ cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành GTVT tiên phong ứng dụng, công khai tiếp nhận "đường dây nóng" bằng hình ảnh. Ứng dụng này nhằm nâng cấp một bước "đường dây nóng" điện thoại có ghi âm được đơn vị này lập và duy trì từ năm 2015 đến nay.
Cũng từ con số 0 về dữ liệu đường thủy trực tuyến, đến nay đường thủy đã tạo được bản đồ số trực tuyến trên mạng internet. Trong đó, có thông tin hạ tầng 45 luồng tuyến vận tải chính, tất cả hệ thống 20.000 phao tiêu, báo hiệu, 8.500 cảng, bến, nhà trạm quản lý đường thủy... giúp thuyền viên, chủ phương tiện dễ dàng xác định phương hướng.
Nói về ứng dụng của đường thủy, ông Đoàn Văn Chính, thuyền viên tàu BN-1108 chở than từ Quảng Ninh về sông Công, Thái Nguyên cho biết: "Bản đồ mà Cục ĐTNĐ đưa lên mạng rất có ích với thuyền viên, nhất là những người trẻ, mới vào nghề. Trước kia người làm nghề sông nước muốn đưa tàu đi theo tuyến nào đều tự "mò", tự học để có kinh nghiệm về thời tiết, quy luật nước lên, nước xuống. Còn giờ chỉ cần mở điện thoại xem thông báo mực nước và đường đi trên bản đồ là xong".
Liên quan đến bản đồ số đường thủy, ít người biết là Cục ĐTNĐ đã quyết tâm thiết kế, xây dựng bản đồ này dù không có... tiền đầu tư cho khoản này. Cục trưởng Hoàng Hồng Giang chia sẻ: "Năm 2015, đơn vị đặt ra chủ trương xây dựng bản đồ số, làm nền tảng để quản lý và cung cấp thông tin cho người dân, nhưng khó khăn là không có kinh phí cho việc này. Dù vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện để đi tắt đón đầu, bằng cách mạnh dạn triển khai trên nền tảng dữ liệu của Google Maps được cung cấp miễn phí. Bước đầu bản đồ số này đã cập nhật các thông tin cơ bản về luồng tuyến, cảng bến, nhưng cũng do được xây dựng trên nền tảng trên nên cũng có những hạn chế, chưa có các tiện ích giúp người dân khai thác tốt nhất cũng như chưa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế của bản đồ đường thủy".
Ông Giang cũng tiết lộ, Cục ĐTNĐ đã thử nghiệm lập xong thủy đồ điện tử đối với 400km đường thủy quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế trên sông Tiền, Hậu, Vàm Cỏ Đông và đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy ước quốc tế để có thể công bố.
|
Văn phòng điện tử và số hóa quản lý
Ông Trương Trọng Doanh, Trưởng phòng KH, CN và Môi trường (Cục ĐTNĐ VN) cho biết, trong cung cách điều hành, quản trị của Cục và hệ thống đơn vị trực thuộc đã áp dụng theo mô hình văn phòng điện tử. "Công văn đi, đến giữa các đơn vị cơ quan Cục và đơn vị trực thuộc trước đây đều được xử lý thủ công, nhưng từ năm 2015 được thực hiện theo phương thức điện tử qua hệ thống phần mềm I- River, với tính năng tự động ghi thời gian công văn đến, đi và thời hạn cuối để giải quyết, tạo sự phân công, chỉ đạo minh bạch. Văn bản bị chậm trễ ở khâu nào, do ai đều được máy tính tự động cảnh báo, thống kê. Cục ĐTNĐ cũng áp dụng chữ ký số tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc. Khoảng 98% công văn của Cục đã được giải quyết theo phương thức này", ông Doanh thông tin.
Tìm hiểu của PV cũng cho thấy, không chỉ đơn vị thuộc Cục và các đơn vị trong hệ thống như các đại diện cảng vụ đường thủy, Thanh tra - An toàn trên toàn quốc cũng đã áp dụng mô hình tiếp nhận văn bản, báo cáo cấp trên qua hệ thống máy tính, giúp xóa bỏ khoảng cách và thời gian văn bản đi, đến qua đường bưu điện, chuyển phát bản giấy. Hiện, các thông tin quản lý chuyên ngành về vận tải thủy, cảng bến, luồng tuyến, sự cố giao thông đường thủy... trên hệ thống đường thủy quốc gia được cập nhật hàng ngày lên hệ thống. Và để tạo sự công khai, minh bạch trong quản lý, các phòng thi lấy bằng thuyền viên hay tại bộ phận giải quyết thủ tục cảng vụ cũng được lắp đặt camera để quản lý từ xa.
Cùng với mô hình văn phòng điện tử, thời gian qua Cục ĐTNĐ còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phục vụ người dân, giảm tính thủ công trong lĩnh vực đường thủy như: cung cấp dịch vụ công trực tuyến (trong 7 tháng đầu năm 2017, 23% số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến), mỗi tháng cấp phép cho 5.000 - 7.000 phương tiện thủy (bằng 30-35% tổng số phương tiện) vào cảng bến bằng tin nhắn điện thoại, thí điểm lắp đặt thiết bị đo mực nước, đếm phương tiện tự động, lắp đặt định vị GPS trên phao tiêu để quản lý từ xa; thí điểm dùng phao vật liệu nhựa thay thế phao sắt; cấp miễn phí phần mềm ứng dụng quản lý cho các Cảng vụ đường thủy các địa phương...
"Cục ĐTNĐ cũng trực tiếp làm việc, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp mở sàn giao dịch vận tải thủy, phát triển ứng dụng công nghệ trong quản lý đường thủy. Hiện, thị trường đã có sàn giao dịch vận tải thủy IZIFIX do doanh nghiệp xây dựng, vận hành, kết nối được khoảng 5.000 phương tiện thủy vận tải góp phần cùng cơ quan quản lý thúc đẩy sự phát triển của đường thủy theo xu hướng hiện đại của thời đại công nghệ", ông Trương Trọng Doanh thông tin.
Theo Huy Lộc (Báo Giao thông)
New articles
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ giữa hai Bộ trưởng
- Đại hội Công đoàn Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V lần thứ I, nhiệm kỳ 2024- 2028
- Thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024
- Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 “Chuyển đổi để bứt phá”
- Kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn đường thủy tại nhiều địa phương