Xuất bản thông tin
TS. Bùi Thiên Thu
Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính (28/8/1945) đến nay, ngành Giao thông vận tải Việt Nam đã trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, gắn liền với sự nghiệp Cách mạng của đất nước, qua nhiều giai đoạn hào hùng. Những thành tựu to lớn của ngành Giao thông vận tải có sự đóng góp không nhỏ công sức, trí tuệ và xương máu của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Đường thủy nội địa Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử ngành Đường thủy nội địa, chúng ta không khỏi tự hào, bởi mỗi một thời kỳ chúng ta đều kiên trì thực hiện nhiệm vụ, tận dụng thời cơ và nỗ lực vượt khó để giành lấy những thành công.
Giai đoạn 1954-1965: Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình được lập trên miền Bắc. Giai đoạn này, ngành đường thủy đã khai thác, sử dụng các hệ thống sông ngòi, bến cảng và luồng ven biển, đáp ứng nhu cầu vận tải than, xi măng, phân bón, đất đá, cát sỏi, nông lâm thổ sản… cho các vùng kinh tế dọc sông và ven biển miền Bắc Việt Nam. Thực hiện phương châm "vừa sản xuất, vừa khôi phục, phát triển nhanh", vận tải sông và vận tải biển liên kết và hỗ trợ nhau, khai thác tính ưu việt của mỗi phương thức vận tải, hàn vá vết thương chiến tranh, trong khi các ngành đường sắt, đường bộ bị tàn phá nặng nề chưa kịp khôi phục. Đến năm 1965, mạng lưới vận tải đường thủy miền Bắc có tổng chiều dài trên 9.000 km. Lực lượng vận tải thủy đã phục vụ đắc lực cho công cuộc khôi phục và phát triển đường sắt, đường bộ, thủy lợi; vận chuyển vật tư hàng hóa, đặc biệt là các thiết bị "siêu trường, siêu trọng" phục vụ cải tạo, sửa chữa và xây dựng các nhà máy lớn như Dệt Nam Định, Xi măng Hải Phòng, Điện Uông Bí, Điện Việt Trì, Điện Thanh Hóa; Phân lân Lâm Thao, Gang thép Thái Nguyên, Thủy điện Thác Bà…
Mẹ Suốt, tên thật là Nguyễn Thị Suốt (1908-1968) tham gia vận tải bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ trong những năm 1964-1967
Giai đoạn 1965-1975: Trong giai đoạn này, toàn ngành giao thông vận tải cùng nhân dân cả nước phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, với nhiều thủ đoạn đánh phá ác liệt và hiểm độc, sử dụng nhiều loại vũ khí bom đạn, thủy lôi… nhằm gây thương vong cho cán bộ, thuyền viên và phong tỏa khống chế hoạt động tàu thuyền của ta. Tuy nhiên, thực hiện quyết tâm "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Máu có thể đổ nhưng luồng không thể tắc", cán bộ công nhân viên ngành Đường sông đã sát cánh cùng toàn ngành Giao thông vận tải và toàn dân mưu trí, dũng cảm đảm bảo an toàn giao thông thủy, quyết đưa hàng tới đích. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ngành Đường sông, bằng lòng dũng cảm và óc sáng tạo, dựa vào sức mạnh của nhân dân, hết sức tận dụng khai thác mạng lưới sông rạch vốn có, đã lập nên những chiến công to lớn trên mặt trận sông nước, góp phần cùng với các lực lượng vận tải biển, sắt, bộ và toàn dân chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Vận chuyển hàng cho Khu IV và miền Nam trên kênh Nhà Lê,
tuyến giao thông huyết mạch trong kháng chiến chống Mỹ
Giai đoạn 1975-1986: Hòa bình lập lại, trong điều kiện đất nước còn muôn vàn khó khăn, ngành Đường sông vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm nhận vận chuyển phần lớn nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị... phục vụ xây dựng các công trình trọng yếu của đất nước như Cầu Thăng Long, Cầu Chương Dương, Thủy điện Hòa Bình, Xi măng Hoàng Thạch, Xi măng Bỉm Sơn, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Trị An... Trong những năm 80 của thế kỷ trước, ngành Đường sông vẫn là ngành thực hiện khối lượng vận tải lớn trong toàn ngành giao thông vận tải, với tỷ trọng 38% về tấn thông qua và 40% về tấn luân chuyển trong tổng các phương thức vận tải, tốc độ tăng trưởng sản lượng có những năm đạt trên 10%.
Giai đoạn từ 1986 đến nay: Trong giai đoạn này, ngành Đường thủy nội địa tiếp tục nắm giữ vai trò quan trọng, cùng toàn ngành Giao thông vận tải có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngành đã tiếp tục kiện toàn mô hình quản lý, tách bạch giữa công tác quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành cũng đã dần được hoàn thiện, bộ khung pháp luật chuyên ngành đã được xây dựng tương đối đầy đủ. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng, phương tiện vận tải của ngành cũng được đầu tư hiện đại hóa. Tăng trưởng sản lượng và hàng hóa thông qua của ngành vẫn được duy trì ổn định và chiếm tỷ trọng khá cao trong ngành Giao thông vận tải (18%).
Hạ thủy tàu Giải Phóng nhân kỷ niệm 15 năm ngày Giải phóng Thủ đô (1969)
Tổng kết lịch sử phát triển ngành Giao thông vận tải, tùy từng giai đoạn cụ thể, nhiệm vụ của ngành Đường thủy nội địa có khác nhau, tuy nhiên dù ở thời điểm nào, Ngành cũng đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc các trọng trách được giao.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, ngành Đường thủy nội địa cần khai thác tốt những lợi thế và tiềm năng, tiếp tục có những đóng góp quan trọng hơn nữa cho sự nghiệp phát triển giao thông vận tải. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian tới Ngành cần tập trung một số định hướng như sau:
1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải thủy nội địa; Tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông Đường thủy nội địa.
2. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, đặc biệt là cơ chế phát triển các cảng, bến, luồng đường thủy nội địa; Xử lý các nút thắt về hạ tầng để nâng cao hiệu quả việc kết nối các phương thức vận tải, chú trọng kết nối giữa vận tải thủy nội địa với đường bộ và hàng hải, phát huy vai trò của các cảng thủy nội địa và ICD (cảng cạn).
3. Xây dựng cơ chế chính sách kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh phục vụ cho phát triển vận tải thủy nội địa; đẩy mạnh vận tải pha sông biển; phát triển vận tải container bằng phương tiện vận tải thủy; tối đa hóa hiệu quả vận chuyển hàng hóa, đặc biệt vận chuyển hàng hóa bằng container giữa Việt Nam và Campuchia.
Tàu thuyền vận tải qua âu Rạch Chanh - Long An (khánh thành năm 2016)
trên tuyến giao thông thủy quan trọng từ HCM đi các tỉnh ĐBSCL
4. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước cũng như hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực đường thủy nội địa; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp.
5. Tăng cường công tác đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, kêu gọi các nguồn lực quốc tế tham gia đầu tư phát triển ngành Đường thủy nội địa;
6. Phối hợp chặt chẽ, tăng cường đối thoại với các Hội, Hiệp hội chuyên ngành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện phương châm "Đồng hành với doanh nghiệp".
Đầu tháng 7/2020, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương