Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Gỡ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp tàu vận tải "sông pha biển"
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu bỏ yêu cầu hoa tiêu, lai dắt phương tiện; cấm thu phí phương tiện 2 lần.

 
Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu các Cục, Vụ chức năng rà soát tất cả các quy định liên quan đến vận tải tàu SB và sửa đổi để giúp doanh nghiệp giảm được chi phí 


Sáng 26/10, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết một năm triển khai tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh – Kiên Giang dành cho phương tiện thủy sông pha biển mang cấp VR-SB. Sau một năm hoạt động, tuyến vận tải này đã vận chuyển được hơn 6 triệu tấn hàng hóa các loại như than, xỉ than, đá, sắt thép, xi măng, quặng, dầu… Hiện đã có 593 phương tiện hoạt động trên tuyến, trong đó có 17 tàu chở container, với 727 thuyền viên được cấp chứng chỉ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, quan điểm của Bộ GTVT là luôn lắng nghe và kịp thời xử lý tất cả những gì doanh nghiệp đề xuất, để tạo điều kiện cho vận tải ven biển hoạt động thuận lợi nhất.

Trước kiến nghị của hàng chục doanh nghiệp về việc phải chi phí lớn do bị  bắt buộc hoa tiêu, lai dắt phương tiện vào cảng biển, trong khi nhiều thuyền trưởng tự đưa tàu vào cảng mà không cần hoa tiêu, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo Cục Hàng hải VN xem xét lại, để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

"Nếu thuyền trưởng có bằng hoa tiêu rồi, lại có kinh nghiệm điều khiển tàu đi tuyến đường đó bao nhiêu giờ, phải được tự dẫn tàu không cần hoa tiêu hàng hải nữa. Có nhiều thuyền trưởng dẫn tàu tốt hơn cả hoa tiêu thì giữ làm gì quy định bắt buộc có hoa tiêu? Do đó, phải quy định cho hợp lý, để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Muốn tàu SB ra biển nhiều, mình phải làm thế nào để chi phí cho tàu thuyền đi ven biển là thấp nhất", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Trước đó, theo đại diện Công ty TNHH Trường Nguyên, chi phí hoa tiêu, lai dắt lớn, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, đề nghị điều chỉnh quy định hoa tiêu bắt buộc, để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.

Cần nói thêm, việc quy định sử dụng tàu lai được phân cấp cho Giám đốc Cảng vụ Hàng hải và thực tế nội quy của hầu hết các Cảng vụ Hàng hải vẫn bỏ ngỏ đối với tàu VR-SB.

Nội dung thiết thực khác cũng được Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo Cục Hàng hải VN và Cục Đường thủy nội địa VN phối hợp giải quyết là không được để xảy ra tình trạng thu phí 2 lần đối với phương tiện cập cảng biển, cảng, bến thủy trong cùng một vùng nước. Tuy nhiên, chủ tàu và thuyền trưởng cũng phải tuân thủ quy định về giấy phép rời cảng, để đảm bảo an toàn, an ninh cảng biển. Trường hợp không tuân thủ phải bị xử phạt nghiêm.

Lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp về vấn đề thuyền viên, Thứ trưởng Nhật yêu cầu các Cục, Vụ chức năng bỏ yêu cầu người đã có bằng cấp, chứng chỉ thuyền viên tàu biển phải học để chuyển đổi bằng cấp sang thuyền viên tàu SB. Người có bằng cấp, chứng chỉ thuyền viên tàu biển sẽ đương nhiên được công nhận làm việc trên tàu SB. Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm VN cũng cần xem xét rút ngắn và đơn giản hơn quy trình chuyển đổi, nâng cấp tàu sông lên tàu SB để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa VN sẽ rà soát tất cả luồng lạch, bố trí kinh phí đầu tư nạo vét những luồng có mật độ tàu thuyền đi lại lớn, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhất là các tuyến nối với Tp. HCM, các tuyến từ  cảng Cái Mép – Thị Vải đi Tiền giang, Campuchia… để tiếp tục tạo thuận lợi và thu hút đầu tư vận tải tàu SB.

Theo Huy Lộc - Phương Anh (Báo Giao thông)

Quay lại