Xuất bản thông tin
Trước bức xúc của dư luận về nạn "cát tặc" hoành hành tại các tuyến sông ở Hà Nội, ngày 11.11, Công an TP.Hà Nội đã ký quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trên lĩnh vực đường thủy nội địa với Công an 8 tỉnh có địa bàn giáp ranh, gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Trao đổi với báo chí, thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 15 tuyến sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài 493,3 km. Trong đó, có 7 tuyến sông có hoạt động khai thác cát, nạo vét cát lòng sông. Công an TP.Hà Nội nhận định, do nhu cầu và lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản là rất lớn nên tình trạng "cát tặc" trên các tuyến sông diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là các khu vực giáp ranh.
Cũng theo thiếu tướng Khương, công tác quản lý, giám sát các tổ chức được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc được chấp thuận khai thác thực hiện các dự án nạo vét luồng đường thủy tận thu sản phẩm hiện còn chưa chặt chẽ, buông lỏng, dẫn đến việc các tổ chức, cá nhân lợi dụng để khai thác cát trái quy định.
Đáng lo ngại, việc khai thác cát trái phép gây tác động tiêu cực đến môi trường, hệ thống đê, kè, sạt lở đất ven sông, gây bức xúc trong dư luận. Ngoài ra, qua kiểm tra 221 bến bãi trên địa bàn thành phố, Công an Hà Nội phát hiện nhiều bến bãi tập kết, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động tự phát, nằm sát cơ đê, làm ảnh hưởng đến dòng chảy và đe dọa an toàn đê điều trong mùa mưa lũ; gây bụi ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Theo Công an TP.Hà Nội, từ 16.11.2015-15.10.2016, các đơn vị trực thuộc cơ quan này đã kiểm tra, bắt giữ 146 vụ việc, 171 đối tượng liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên cát, sỏi lòng sông trái phép. Mới đây nhất, ngày 3.11, Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68 - Công an TP.Hà Nội) đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt quả tang 15 phương tiện đường thủy đang khai thác cát trái phép tại khu vực sông Hồng (đoạn qua địa bàn Q.Bắc Từ Liêm và H.Đan Phượng). Trong đó, có 8 phương tiện tàu hút cát sang mạn và 7 phương tiện vận chuyển cát.
Theo Thanh niên
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương