Xuất bản thông tin
Sáng ngày 7/1/2022, tại trụ sở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Bùi Thiên Thu và Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng đồng chủ trì hội nghị "An toàn giao thông đường thủy nội địa năm 2022". Hội nghị trực tuyến với 96 điểm cầu có sự tham gia của gần 300 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo ủy ban ATGT quốc gia, Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), Thanh tra Bộ GTVT, Cục CSGT, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố; các Công ty quản lý, bảo trì ĐTNĐ; các Hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, chủ cảng, bến thủy nội địa; các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành đường thủy nội địa. Về phía Cục ĐTNĐ Việt Nam còn có sự tham gia của các Phó Cục trưởng, Lãnh đạo và Chuyên viên các Phòng tham mưu của Cục.
Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Tống Hoàng Kha phát biểu:
Toàn quốc hiện có hơn 27.000km đường thủy đang được khai thác vận tải, gồm: hơn 7.100 km luồng đường quốc gia và hơn 20.500 luồng địa phương. Trong năm qua, có thêm gần 800 phương tiện thủy đăng ký mới để tham gia giao thông, nâng tổng số phương tiện được quản lý đăng ký lên hơn 256.500 chiếc, nhiều tuyến vận tải thủy sôi động.
"Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT các luồng vận tải thủy đều là luồng xanh để vừa phòng chống dịch Covid-19 và duy trì vận tải, Cục Đường thủy nội địa VN phối hợp với các địa phương, hội, hiệp hội doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp không để đứt gãy vận tải thủy và bảo đảm phòng dịch, giữ gìn trật tự ATGT".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, giao thông đường thủy vẫn phổ biến tình trạng phương tiện không đăng ký, đăng kiểm tham gia giao thông; người điều khiển phương tiện, thuyền viên không có chứng nhận khả năng chuyên môn; vi phạm về chở quá tải, trang thiết bị cứu sinh; cảng bến thủy hoạt động không phép, quá hạn giấy phép; tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây cản trở, ảnh hưởng đến giao thông thủy và tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy năm qua đạt hiệu quả rõ nét. Đường thủy luôn duy trì luồng xanh vận tải ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trong năm 2021, TNGT đường thủy trên toàn quốc cũng giảm hơn 23% số vụ, hơn 25% người chết và hơn 85% người bị thương.
Cục Đường thủy và các hội, doanh nghiệp vận tải thủy đã phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động đội ngũ thuyền viên chấp hành pháp luật giao thông "Liên Cục Đường thủy - Cảnh sát giao thông - Đăng kiểm và liên ngành ở các địa phương kịp thời giải quyết các khu vực có nguy cơ phát sinh "điểm nóng" mất trật tự ATGT".
Năm 2021, hàng nghìn cảng, bến thủy, phương tiện được lực lượng quản lý đường thủy tuyên truyền, ký cam kết tuân thủ pháp luật ATGT đường thủy. Cục Đường thủy cũng vận động, quyên góp được hơn 6.200 phao, dụng cụ nổi cứu sinh để cho người dân tại 14 địa phương, góp phần tuyên truyền nâng nhận thức xã hội về ATGT đường thủy, đặc biệt người dân sử dụng phương tiện nhỏ, dân sinh vùng khó khăn.
Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Vũ Hải cũng cho rằng, nhóm phương tiện thủy cỡ lớn có sự chuyển biến tích cực trong chấp hành đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, lo ngại nhất là phương tiện gia dụng loại nhỏ. Năm qua, các lực lượng, địa phương tăng cường tuyên truyền, quản lý giúp ngăn ngừa TNGT do phương tiện thủy loại nhỏ, gia dụng và góp phần quan trọng trong kết quả kéo giảm TNGT đường thủy.
"Phương tiện thủy gia dụng (dưới 15 tấn, 5-15CV) là nhóm có nguy cơ cao nhất gây TNGT đường thủy và thiệt hại về người. Thời gian tới, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy cần tiếp tục quan tâm, tăng cường tuyên truyền, vận động nâng nhận thức và quản lý sát sao đối với nhóm phương tiện này", ông Hải nói.
Năm 2021 toàn quốc xảy ra 53 vụ TNGT đường thủy, làm chết 35 người và 1 người bị thương. So với năm trước giảm hơn 23% số vụ (giảm 16 vụ), hơn 25% người chết (12 người) và hơn 85% người bị thương (giảm 6 người). Trong đó, xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 7 người đều do phương tiện thủy gia dụng (không đủ điều kiện an toàn phương tiện, cứu sinh) gây ra.
Cũng tại Hội nghị, Các chủ cảng, bến và doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa có một số ý kiến:
Giao thông thủy nhộn nhịp, với mật độ dày đặc, phức tạp, nhiều loại phương tiện thủy theo mục đích sử dụng dựa trên đặc tính hàng hóa vận chuyển.
Các tuyến luồng, bến cảng, bến thủy nội địa chủ yếu được lợi dụng yếu tố, điều kiện tự nhiên, qui hoạch chưa đồng bộ: tuyến luồng thường nhỏ hẹp, các tuyến vận tải không đồng cấp, nhiều công trình vượt sông (cầu) có tĩnh không thấp, khoang thông thuyền hẹp, các bến cảng, bến thủy nội địa không có vùng neo đậu cho phương tiện, các cảng chưa có bến chuyên dụng cho phương tiện thủy nội địa.
Còn hiện tượng vi phạm hành lang an toàn giao thông nghiêm trọng như khai thác cát trên ĐTNĐ.
Phương tiện thủy nội địa hành trình dài, tuy nhiên hệ thống quản lý, giám sát còn nhiều hạn chế.
Hoạt động vận tải thủy nội địa diễn ra trên cả vùng nước thủy nội địa và vùng nước Hàng hải, tuy nhiên ý thức, kiến thức, tay nghề, kỹ năng của đội ngũ Thuyền bộ thủy nội địa còn nhiều hạn chế.
Còn hiện tượng trộm cắp, đợt nhập phương tiện thủy lúc neo đậu và phương tiện đang hành trình.
Những năm gần đây, đối với các hoạt động cảng bến thủy nội địa đã có nhiều sự chuyển biến tích cực về cả chất và lượng, đặc biệt ý thức và hiểu biết Pháp luật của các Chủ phương tiện, đội ngũ thuyền viên trực tiếp tham gia hoạt động đón trả hành khách tại cảng được nâng lên rõ rệt. 100% không có phương tiện nào quá tải được phép rời bến; sự phối hợp giữa chủ cảng và các lực lượng chuyên ngành tại cảng cũng được nâng cao và hợp lý trong các qui trình phối hợp. Công tác đảm bảo an toàn giao thông tại cảng bến và hoạt động vận tải hành khách luôn luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong các chỉ đạo, phối hợp nghiệp vụ tại cảng.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội Địa Việt Nam Bùi Thiên Thu trao tặng 01 Giấy khen và 01 đèn pin cho đồng chí Nguyễn Văn Tính, Trạm trưởng Trạm quản lý Đường thủy nội địa Ba Mom và 01 Giấy khen cho tập thể Trạm quản lý Đường thủy nội địa Ba mom, Công ty Cổ phần Quản lý Đường sông số 3 vì đã có thành tích trong công tác đảm bảo an toàn giao thông ĐTNĐ.
Đại diện Lãnh đạo ủy ban ATGT Quốc gia; Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Cục CSGT trao tặng dụng cụ cứu sinh cho người dân, người điều khiển phương tiện thủy nội địa… thông qua đại diện Hội vận tải thủy và các đơn vị quản lý bảo trì ĐTNĐ.
Cuối buổi Hội nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phát động phát hơn 2.855 dụng cụ cứu sinh cho đại diện Hội Vận tải thủy Việt Nam để triển khai trao tặng cho người dân thường xuyên tham gia giao thông đường thủy nội địa (dự kiến tại 11 địa phương thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam, gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh)
Trong thời gian tới Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân trong và ngoài ngành ủng hộ dụng cụ cứu sinh để hỗ trợ cho người dân thường xuyên tham gia giao thông đường thủy nội địa.
Qua hoạt động vận động và trao tặng dụng cụ cứu sinh này nhằm góp phần làm chuyển biến nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đường thuỷ, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, xây dựng và hình thành văn hoá giao thông đường thuỷ trong cộng đồng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Cục trưởng Bùi Thiên Thu trân trọng cảm ơn sự tham dự và góp ý của quý đại biểu tại Hội nghị và cảm ơn ý kiến chỉ đạo của đồng chí Khuất Việt Hùng. Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật đã và đang được hoàn thiện để phục vụ tốt cho hoạt động vận tải thủy nội địa cũng như công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Hiện nay về hạ tầng ĐTNĐ vẫn còn non yếu, hệ thống phao và biển báo… hầu hết đã cũ hỏng hoặc chưa bảo đảm tiêu chuẩn. Nguồn ngân sách cấp cho ngành ĐTNĐ còn rất hạn chế vì vậy không thể đầu tư dàn trải và cần xử lý theo lộ trình. Về ứng dụng công nghệ thông tin cần được xây dựng hệ thống hoàn chỉnh, thống nhất. Cần quản lý an toàn và hiệu quả đối với phương tiện cấp VR-SB. Về công tác phối hợp liên ngành giữa Cục ĐTNĐVN, Cục Đăng kiểm, Cục CSGT hiện nay đang rất tốt nhưng nếu như không được sự hỗ trợ của địa phương, các Sở Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố thì rất khó triển khai đối với hoạt động của giao thông ĐTNĐ. Vì một ngành vận tải thủy hiệu quả và an toàn mong sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ của tất cả các địa phương, cơ quan, ban ngành và sự chỉ đạo sát sao của các Vụ, đặc biệt là của Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban ATGT quốc gia. Thay mặt cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Bùi Thiên Thu xin trân trọng cảm ơn sự tham dự phát biểu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Khuất Việt Hùng Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông, các đồng chí của Sở GTVT, ban ATGT, Phòng Cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố, các Cục, Vụ. Nhân dịp trước thềm năm mới Cục trưởng Bùi Thiên Thu chúc tất cả các đồng chí tham dự Hội nghị sức khỏe, thành công và mong các đồng chí tiếp tục ủng hộ cho ngành ĐTNĐVN phát triển, ổn định và bền vững.
Phòng Vận tải & An toàn giao thông
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương