Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Hội nghị song phương Nhóm tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam - Campuchia
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Tiếp tục thực hiện Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam - Campuchia. Trong các ngày từ 08 đến 09/5/2023, phía Việt Nam đã tổ chức Hội nghị song phương thường niên giữa hai nhóm Tạo điều kiện thuận lợi; đồng thời kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện Hiệp định năm 2023 tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Chiều ngày 08/5/2023, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu và Tổng Cục trưởng Tổng cục Vận tải thủy, Hàng hải và Cảng Campuchia Mak Sideth - đã đồng chủ trì Hội nghị song phương thường niên về tình hình thực hiện Hiệp định. Tham gia Hội nghị, về phía Việt Nam có Phó Cục trưởng Tống Hoàng Kha và các thành viên Nhóm tạo điều kiện thuận lợi Việt Nam (Đại diện là lãnh đạo, chuyên viên: Vụ Pháp chế, Vụ Vận tải, Vụ HTQT, Cục Hàng Hải Việt Nam thuộc Bộ GTVT; Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ủy ban Sông Mê Kông); về phía Campuchia, có Ông Bong Vuthy và ông Heng Suthy Phó Tổng Cục trưởng và đại diện Nhóm tạo điều kiện thuận lợi Campuchia (đại diện lãnh đạo của: Cục Hợp tác quốc tế về Hải quan và thuế, Tổng cục Xuất nhập cảnh, Cảng Phnompenh).

Báo cáo về tình hình thực hiện Hiệp định của từng Bên trong thời gian vừa qua, Thường trực Hiệp định của hai nước cho biết đã làm thủ tục cho hơn 85 nghìn lượt phương tiện, hơn 440 nghìn lượt thuyền viên, hơn 16 triệu tấn hàng hóa, trong đó có hơn 2,5 triệu TEU và gần 1,4 triệu lượt hành khách thông qua, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội và hữu nghị giữa hai nước. Trong đó nổi bật là: (1) Việc miễn phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP. Hồ Chí Minh đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy trên tuyến đường thủy Hiệp định; (2) Hạn chế tối đa kiểm tra hải quan đối với hàng hóa quá cảnh; (3) Triển khai thủ tục online tại các cơ quan chức năng tạo thuận lợi cho phương tiện thuyền viên.

Thêm vào đó, hai bên cũng đã trao đổi thẳng thắn với nhau về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong thời gian thực hiện Hiệp định, như: (1) Phương tiện không được làm thủ tục tại cửa khẩu Koh Roka phía Campuchia; (2) Việc chưa có quy định cụ thể về việc kiểm tra hải quan đối với hàng quá cảnh trên tuyến đường Hiệp định giữa hai nước. (3) Phương tiện chưa được hoạt động trên tuyến Cửa Tiểu – Cái Mép Thị Vải, (4) Khó khăn trong việc xin giấy phép vận chuyển hàng quá cảnh đã qua sử dụng. Đồng thời, đề xuất một số nội dung tạo thuận lợi cho giao thông thủy trong thời gian tới như: (1) Kiểm chứng trên danh bạ thuyền viên thay vì kiểm chứng trên hộ chiếu của từng thuyền viên; (2) Bổ sung tuyến đường, cảng bến vào Phụ lục Hiệp định; (3) Tăng thời gian của Giấy phép vận tải thủy qua biên giới đối với tàu chở hàng nguy hiểm; (4) Sửa đổi mẫu Giấy phép vận tải thủy qua biên giới; (5) Nội luật hóa quy định về kiểm tra hải quan đối với hàng quá cảnh trên tuyến Hiệp định…

Sau khi nghe báo cáo của thường trực Hiệp định, ý kiến thảo luận của các thành viên Nhóm tạo thuận lợi cho giao thông đường thủy, hai Bên thống nhất những nội dung sau:

(1) Hội nghị đã điểm lại một số công việc đã thực hiện như việc TP. Hồ Chí Minh miễn phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với phương tiện hoạt động trên tuyến, việc Hải quan Việt Nam hạn chế tối đa kiểm tra thực tế hàng hóa đối với hàng quá cảnh trên tuyến Hiệp định…Đây là những kết quả nổi bật của Nhóm tạo thuận lợi cho giao thông đường thủy hai Bên trong thời gian vừa qua.

(2) Tiếp tục đề nghị cơ quan Hải quan của hai Bên tiếp tục ứng dụng CNTT, khoa học công nghệ trong việc kiểm tra hải quan đối với hàng hóa trên tuyến, không kiểm tra tràn lan gây phiền hà cho doanh nghiệp.

(3) Hai Bên ghi nhận đề xuất của phía Việt Nam về việc bổ sung tuyến Cửa Tiểu - Cái Mép Thị Vải vào Phụ lục của Hiệp định để báo cáo cơ quan thẩm quyền của hai bên xem xét, quyết định

(4) Đối với thủ tục quá cảnh đối với hàng đã qua sử dụng sẽ báo cáo Bộ Công Thương phía Việt Nam để đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 16 của Hiệp định.

(5) Báo cáo cơ quan thẩm quyền của hai Bên nhằm thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 17 của Hiệp định về việc làm thủ tục cả ngày và đêm.

(6) Hai bên ghi nhận đề xuất của Việt Nam về việc tăng thời gian của Giấy phép vận tải thủy qua biên giới đối với tàu chở hàng nguy hiểm từ 2 tháng thành 6 tháng hoặc 01 năm. Đồng thời sửa đổi mẫu Giấy phép để phù hợp với thực tiễn, tránh lãng phí không cần thiết.

(7) Thống nhất về việc chỉ kiểm chứng vào danh sách thuyền viên thay vì kiểm chứng vào hộ chiếu của từng thuyền viên

(8) Phía Campuchia ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc nội luật hóa các quy định của Hiệp định theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho giao thông thủy.

(9) Hai bên thống nhất tiếp tục tăng cường tuyên truyền Hiệp định và các quy định pháp luật có liên quan, thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt, xử lý kịp thời các kiến nghị.

(10) Thống nhất đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp vận tải trên tuyến hoạt động hiệu quả và an toàn.

Trong chương trình làm việc, sáng ngày 09/5/2021, hai Bên đã khảo sát thực trạng hoạt động vận tải thủy Hiệp định tại cảng Tân Cảng Cát Lái, thăm và làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I. Kết thúc khảo sát, hai Bên đã tiếp xúc với các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải thủy trên tuyến để nghe phản ánh về các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình hoạt động, các kiến nghị, đề xuất đã được Nhóm tạo thuận lợi của hai Bên tiếp thu để xem xét xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động trên tuyến đường thủy Hiệp định./.

Phòng KHCN-HTQT&MT

Quay lại