Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm: Khởi nguồn cho sự nghiệp nam tiến
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Theo sử sách, trong thời gian chưa đầy 3 năm sau khi lên ngôi hoàng đế, Lê Hoàn đã dẹp xong cuộc nổi loạn trong nước, đồng thời thực hiện sự nghiệp vĩ đại phá Tống (năm 981), bình Chiêm (năm 982). Trong công cuộc nam tiến đánh Chiêm Thành để bảo vệ và mở mang cương thổ, ông đã cho khơi mở tuyến đường thủy nội địa đầu tiên mà dân gian vẫn quen gọi là kênh nhà Lê. Cho đến nay, sau hơn 1.000 năm tồn tại, nhiều đoạn kênh nhà Lê vẫn còn vô cùng hữu dụng.

 

Con đường bình Chiêm

Với tầm nhìn chiến lược cả về quân sự và kinh tế, Lê Hoàn đã cho đào kênh từ sông Mã qua núi Đồng Cổ theo trục nam - bắc đến sông Bà Hòa, rồi từ đó khơi dòng vào Nghệ An. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: "Quý Mùi (năm Thiên Phúc năm thứ 4 - 983, NV), khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to, bèn sai người đào kênh. Khi đào xong kênh, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện".

 

Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm: Khởi nguồn cho sự nghiệp nam tiếnKênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm: Khởi nguồn cho sự nghiệp nam tiến

Sông Mã (đoạn chảy qua Đan Nê - Đồng Cổ) - nơi Lê Hoàn cho khai đào kênh nhà Lê nối Thanh Hóa với Nghệ An - Hà Tĩnh - Ảnh: N.M

 

Theo TS sử học Hà Mạnh Khoa, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Sử học Việt Nam thì vào thế kỷ 10, đường bộ Thanh Hóa vào nam cũng hiểm trở không kém ra phía bắc. Do kinh đô đóng tại Hoa Lư (Ninh Bình) nên muốn tiến vào nam, thủy quân sẽ đi theo các hệ thống sông Tạc Khẩu, sông Hoạt, sông Báo Văn, sông Lèn, sông Mã rồi dừng lại ở vùng Đan Nê - Đồng Cổ. Đồng Cổ khi ấy là điểm tập kết của quân bộ theo đường Thiên Quan từ kinh đô Hoa Lư vào Thanh Hóa. Từ đây quân lính buộc phải hành quân bằng đường bộ để vào châu Hoan, châu Diễn.

Sau chiến thắng Chiêm Thành trở về kinh đô Hoa Lư, Lê Hoàn nhận thức rõ tầm quan trọng của giao thông trong chiến tranh. Những con đường thủy hay đường bộ thuận tiện là yếu tố góp phần không nhỏ vào thắng lợi. Nhưng với điều kiện lúc bấy giờ, việc mở mang phát triển đường bộ không dễ dàng, nên Lê Hoàn tận dụng các chi lưu của sông Mã, sông Cầu Chày, sông Chu, sông Hoàng, sông Yên rồi tổ chức khơi đào nối liền và thông suốt từ Đồng Cổ đến sông Bà Hòa (xã Tân Trường, H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa ngày nay). Từ sông Bà Hòa đổ ra cửa Bạng, quân lính Lê Hoàn đào mới một đoạn kênh thẳng ở vùng Mai Lâm, dài khoảng 1,5 km, để uốn thẳng dòng sông chảy men theo khe nước lạnh vào đất Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tiếp đó, vào năm Quý Mão (1003), Lê Hoàn đi Hoan Châu (Nghệ An) và ông đã sai đào kênh Đa Cái nối kênh Sắt ở bắc Nghệ An với sông Lam. Như vậy, từ đó đi từ vùng sông Mã (Thanh Hóa) đến vùng sông Lam (Nghệ An) ngoài tuyến đường bộ và đường biển đã hình thành thêm một tuyến đường thủy nội địa an toàn, thuận tiện.

 
 

Nhiều nhà sử học đã ghi nhận, công trình đào kênh thời Tiền Lê do Lê Hoàn khởi dựng đã mở đầu cho sự nghiệp phát triển hệ thống giao thông thủy nội địa dưới thời phong kiến của Việt Nam vào thế kỷ 10 thể hiện sự lớn mạnh của quốc gia độc lập tự chủ trong việc thực hiện chức năng quản lý các công trình công cộng của nhà nước phương Đông. Sau này, các triều đại nhà Lý, Trần vẫn tiếp tục đào lại, đào mới những dòng kênh trên đất Thanh Hóa tạo nên một con đường giao thông thủy nội địa hoàn chỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Dòng kênh nhà Lê đã góp phần bảo vệ vững chắc biên giới phía nam và mở rộng bờ cõi là một mục tiêu của tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam.

 

Trong vòng 26 năm trị vì, Lê Hoàn là người đặc biệt quan tâm đến vùng đất phía nam. Ông đã tiến hành 6 hoạt động quân sự lớn ở phương nam không chỉ nhằm bảo vệ biên giới, mà còn trực tiếp chuẩn bị cho quá trình nam tiến của người Việt, mở rộng thêm cương giới lãnh thổ của quốc gia về sau. Vì vậy chính hệ thống kênh nhà Lê do Lê Hoàn chỉ đạo khai mở nối với các hệ thống sông có sẵn ở phía nam Thanh Hóa vào tới Nghệ An đã mang lại giá trị vô cùng to lớn cho các đợt nam tiến của nhà nước Đại Cồ Việt cũng như các triều đại sau này. 

Khai phá đồng bằng xứ Thanh

Không những đóng vai trò là tuyến giao thông thủy phục vụ quân sự, hành chính, kênh nhà Lê còn có tác dụng vô cùng to lớn về mặt thủy lợi, góp phần khai phá vùng đồng bằng Thanh Hóa. Cũng theo TS Hà Mạnh Khoa thì vào thế kỷ thứ 10, nhờ có hệ thống kênh nhà Lê nên vùng đồng bằng Thanh Hóa đã thu hút nhiều người sống ở vùng trung du, miền núi xuống khai phá trồng lúa nước. Đây là quá trình di dân mang tính bước ngoặt trong phát triển kinh tế, xã hội thời bấy giờ.

Những vùng đất hoang có sông đào chảy qua đã trở thành những miền đất hứa vẫy gọi cư dân khắp nơi đến dựng làng mở ấp. Mùa hạn dòng kênh có nhiệm vụ cấp nước, mùa mưa lũ trở thành nơi dẫn nước ra biển. Nơi dòng kênh chảy qua, người dân đã tạo nên nhiều cánh đồng màu mỡ với những xóm làng trù phú... Sự phát triển kinh tế - xã hội tạo cho những phong tục truyền thống như thờ cúng tổ tiên, ghi công những người đi đầu trong việc đánh giặc giữ nước, dựng làng. Nhiều ngôi chùa được dựng xây dọc trên những làng, ấp theo tuyến kênh nhà Lê, như chùa Hương Nghiêm ở giáp Bối Lý, chùa Báo n, chùa An Hoạch ở Đông Sơn, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở Duy Tinh (Hậu Lộc), chùa Hưng Phúc ở Hương Yên Duyên (Quảng Xương)...

Cuộc sống thanh bình của những làng quê ven kênh nhà Lê đã góp phần sản sinh và phát triển nhiều làng nghề truyền thống với sản phẩm nổi tiếng cả nước, đồng thời tạo dựng nên nhiều dòng họ có thế lực, sản sinh nhiều người tài giỏi cống hiến cho đất nước, như dòng họ Lê Lương ở giáp Bối Lý (H.Thiệu Hóa ngày nay) nổi tiếng suốt từ thời Đinh, Lê đến Lý, Trần với những tên tuổi như bảng nhãn Lê Văn Hưu, Lê Quát, Lê Giốc; hoặc dòng họ Lê Liêm đầy thế lực ở Hà Trung. Chính dòng họ này đã nhận một người họ Hồ làm con nuôi, sau này sinh ra Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly)...

Theo thanhnien.com.vn

Quay lại