Xuất bản thông tin
Những cánh đồng nuôi tôm, cảng cá tấp nập bên cửa biển đã mang lại cuộc sống khá phồn thịnh cho cư dân sống dọc kênh nhà Lê chảy qua đất Quỳnh Lưu và một phần đất Diễn Châu, Nghệ An hiện nay.
Kênh nhà Lê chảy vào Nghệ An qua khe Nước Lạnh, nay là phía bắc thị trấn Hoàng Mai, H.Quỳnh Lưu, giáp Thanh Hóa. Đây là khu vực có nhiều núi đá vôi sừng sững trải dọc theo QL 1A hiện nay. Đoạn kênh này nối từ khe Nước Lạnh với lạch Cờn tại xã Quỳnh Phương. Hiện đoạn kênh này vẫn thông suốt dù trải qua nhiều biến động do quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp. Chỗ rộng nhất của kênh khoảng 12 m, chỗ hẹp từ 7-10 m. Hai bên kênh là những cánh đồng lúa. Ngay điểm tiếp giáp với lạch Cờn là một cống ngăn mặn. Cống này có nhiệm vụ ngăn nước mặn tràn lên kênh để lấy nước ngọt tưới cho hàng chục héc ta lúa của các xã ven kênh.
Nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh (cuốn Kênh nhà Lê - Lịch sử và huyền thoại - Nhà xuất bản Thời Đại 2010) dẫn Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng kênh nhà Lê qua Nghệ An cũng được đào cùng lúc với kênh nhà Lê ở Thanh Hóa. Đến năm 1003, vua Lê Đại Hành tổ chức cho nạo vét, mở rộng kênh Đa Cái chảy qua phía nam Nghệ An. Hệ thống kênh đào này đã nối thông các con sông tự nhiên tạo thành hệ thống đường thủy thông suốt từ Thanh Hóa cho đến sông Lam ở phía nam Nghệ An, với chiều dài gần 80 km. Tàu thuyền vận tải từ các bến cảng: Cửa Cờn, Cửa Quèn, Cửa Thơi, Cửa Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội có thể đi thông ra Thanh Hóa rồi ra kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình).
Từ sông Hoàng Mai đổ ra Cửa Cờn, nhà Lê tiếp tục cho đào một nhánh kênh chạy dọc biển, hướng về phía nam dài chừng 14 km, xuyên qua 7 xã vùng Bãi Ngang thuộc H.Quỳnh Lưu: Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy. Vùng Bãi Ngang này hình thành khu dân cư đông đúc từ thế kỷ thứ 10, khi Lê Hoàn cho đào kênh Mai Giang nối ba cửa lạch: Cờn - Quèn - Thơi. Đoạn kênh này đã mang lại cho người dân Bãi Ngang nhiều thuận lợi trong sản xuất, đánh bắt cá và đi lại. Trải qua các đời vua sau đó, với nhiều lần nạo vét, mở rộng kênh, vùng Bãi Ngang ngày càng trở nên đông đúc, trù phú với các nghề ngư, diêm, nông, thương mại đường biển, đường sông. Người dân địa phương gọi đoạn kênh này là sông Mơ. Hiện tại, sông Mơ rộng chừng 10 - 12 m, mực nước phụ thuộc vào thủy triều. Sông Mơ đang là nguồn cung cấp nước cho việc nuôi trồng thủy, hải sản của cư dân các xã vùng Bãi Ngang. Tại các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, những "cánh đồng tôm" bạt ngàn với hàng chục héc ta hồ tôm nhiều năm nay đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Từ cửa Quèn tại xã Tiến Thủy, kênh nhà Lê tiếp tục nối với cửa Thơi ở xã Sơn Hải, H.Quỳnh Lưu với chiều dài khoảng 4 km. Đoạn này hiện bị bồi lấp khá nhiều và khi nước thủy triều rút, nhiều đoạn kênh trơ đáy. Ông Bùi Trung Cải, cư dân xã Sơn Hải cho biết đoạn kênh này trước đây nước rất sâu. Người dân Sơn Hải, Quỳnh Tiến thường dùng kênh để vận chuyển muối, gạo. Do lâu ngày không được nạo vét, người dân sống hai bên kênh lấn chiếm nên lòng kênh cạn dần, chỉ khi thủy triều lên cao, thuyền bè mới có thể vào được.
Tấp nập cửa Vạn
Phía nam cửa Thơi là xã Quỳnh Thọ. Từ đây, nhà Lê tiếp tục cho đào đoạn kênh dài 13 km nối với sông Bùng ở cửa Vạn thuộc xã Diễn Bích, H.Diễn Châu. Người dân địa phương gọi đoạn này là kênh Mi. Đoạn kênh này nước lên xuống cũng phụ thuộc thủy triều. Khi triều từ hai cửa sông tràn lên, nước kênh dâng cao. Tại xã Diễn Mỹ, khi triều lên cao, nước mặn tràn lên ngập đồng ruộng, người dân phải đắp đê dọc kênh để ngăn mặn.
Theo nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, kênh Mi trong con mắt chiến lược của các vị quan trấn thủ, trị nhậm Hoan Châu, Châu Diễn hết sức quan trọng, vì đây là đường sông khá an toàn để lên lỵ sở của phủ Diễn Châu. Nằm trong vòng cung hạ lưu sông Bùng đổ ra biển, xã Diễn Ngọc bốn bề là sông nước. Từ thời nhà Lý, khi Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An đã cho đặt các quan Sát hải sứ và quân Bình hải ở đây để trông giữ các thuyền buôn ra vào ở cửa Vạn. Đến thời nhà Nguyễn, ở Diễn Châu là đại công trường khai thác đá sò phục vụ cho việc xây dựng, sửa chữa thành Nghệ An. Việc vận chuyển sò này phải dựa vào tuyến đường thủy là kênh nhà Lê, do đó, kênh nhà Lê đoạn từ Diễn Châu vào Vinh trở nên rất tấp nập.
Năm 1425, Lê Lợi đã đánh tan một đội quân của giặc Minh tại cửa biển này khi ông cho quân mai phục ở cửa Vạn để chặn đứng sự chi viện của quân Minh từ phía bắc theo đường biển tràn vào. Khi 300 chiến thuyền của giặc đã vào sâu trong cửa Vạn, Lê Lợi ra hiệu các đạo quân xông ra vây đánh. Bị tấn công bất ngờ, quân Minh thua tơi tả, 300 chiến thuyền chở quân lương, vũ khí cùng nhiều lính tráng bị tiêu diệt.
Cửa Vạn được xem là một trong 8 thắng cảnh của đất Diễn Châu do thiên nhiên tự kiến tạo. Hiện đây là một cảng cá tấp nập, nơi tàu thuyền ngư dân các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Kim vào neo đậu, trú tránh gió bão. Mỗi ngày có khoảng 500 tàu thuyền lớn nhỏ ra vào cảng. Cách đó không xa là bãi biển Diễn Thành đã được Nghệ An quy hoạch thành khu du lịch biển với hệ thống khách sạn, nhà hàng khá đẹp. Biển và hệ thống kênh rạch ở đây đang tạo thành mô hình phát triển kinh tế đa dạng, mang lại cuộc sống phồn thịnh cho người dân vùng đất này. |
Theo thanhnien.com.vn
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương