Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Khẩn trương đưa âu Rạch Chanh vào hoạt động
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Âu Rạch Chanh sẽ được đưa vào hoạt động trong những ngày tới để phục vụ phương tiện lưu thông thuận tiện hơn.

IMG_3835

Các phương tiện phục vụ công tác điều tiết giao thông để tàu thuyền qua âu Rạch Chanh được thuận lợi, an toàn. Ảnh: Phan Tư

 Âu tàu Rạch Chanh (TP Tân An, tỉnh Long An), điểm nối quan trọng trên tuyến hành lang đường thủy quốc gia số 2 (ĐBSCL) đã được nghiệm thu bàn giao để đưa vào sử dụng trong những ngày tới.

Rút ngắn hơn 30km từ Đồng Tháp Mười về TP HCM

Những ngày qua, người dân vùng Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười đang háo hức mong ngóng thông tin ngày âu Rạch Chanh được khai thông. Âu tàu Rạch Chanh là điểm nối quan trọng nằm trên tuyến hành lang đường thủy quốc gia số 2 từ Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp lên TP HCM.

Là một người có thâm niên trong ngành vận tải đường thủy, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HTX Rạch Gầm, rất mong mỏi chờ ngày âu Rạch Chanh được thông thuyền. Ông Liêm cho biết phần lớn các phương tiện thủy dưới 500 tấn từ vùng Tứ Giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười muốn về TP HCM đều phải xuôi sông Tiền xuống kênh Chợ Gạo để đi qua sông Vàm Cỏ.

Có một hướng đi khác là ra cửa biển rồi qua sông Soài Rạp để đi ngược lên các bến của TP HCM. Tuy nhiên những phương tiện nhỏ đi ra cửa biển rất nguy hiểm, nhất là vào mùa gió chướng. Một số phương tiện phải đi ngược lên kênh 12 ở thượng nguồn, qua Tây Ninh để đi về TP HCM với chặng đường rất xa.

"Nếu âu Rạch Chanh được mở, phương tiện sẽ từ sông Tiền qua kênh Nguyễn Văn Tiếp đến âu Rạch Chanh qua sông Vàm Cỏ Tây rất thuận lợi, có thể rút ngắn hơn 30km nếu đi đến kênh Chợ Gạo", ông Liêm nói.

IMG_3870

Ông Đinh Văn Phú, Giám đốc DNTN xay xát Rạch Chanh đang đếm từng ngày chờ âu Rạch Chanh vận hành để tàu thuyền chở lúa đến nhà máy của ông thuận lợi hơn. Ảnh: Phan Tư

 Ông Đinh Văn Phú, giám đốc DN tư nhân xay xát Rạch Chanh, cũng đang đếm từng ngày chờ âu Rạch Chanh thông thuyền. Khi triển khai dự án, ông phải lùi nhà máy vào để thi công phần âu thuyền. Ông Phú cho biết khi âu được thông thì ghe tàu chở lúa gạo đi qua đến khu vực nhà máy của ông cũng thuận lợi hơn.

"Bộ GTVT đã tạo điều kiện cho tôi được lập một bến thủy nội địa ngay nhà máy, lòng kênh được nạo vét sâu, mở rộng, ghe thuyền chở lúa đi lại thuận tiện hơn rất nhiều", ông Phú hồ hởi nói.

Nối thông hành lang đường thủy quốc gia số 2

Hành lang đường thủy quốc gia số 2 từ vùng Tứ Giác Long Xuyên qua Đồng Tháp Mười theo kênh Nguyễn Văn Tiếp về TP HCM có chiều dài hơn 253km. Đây là tuyến đường thủy nhộn nhịp của vùng ĐBSCL để ghe tàu chở nông sản lên TPHCM và chở vật liệu xây dựng ngược về lại. Tuy nhiên, để chống ngập mặn, những nă trước Bộ NN&PTNT đã xây dựng cống Rạch Chanh nên tuyến kênh này bị tắc.

Nhằm khơi thông lại tuyến hành lang nhộn nhịp này, được sự tài trợ của Ngân hàng thế giới, Bộ GTVT đã thực hiện dự án Phát triển cơ sở hạ tầng ĐBSCL (dự án WB5). Sau một thời gian triển khai, đến nay toàn bộ 253km tuyến hành lang này đã được nạo vét. Trên tuyến có 18 cầu cũng đã được nâng cấp để đảm bảo tĩnh không thông thuyền.

Đặc biệt, âu tàu Rạch Chanh là điểm tắc trên tuyến hành lang số 2 đã được đầu tư với quy mô hiện đại. Một buồng âu dài 140m, rộng 19,5m. Một cầu vượt âu Rạch Chanh được xây dựng bằng bê tông cốt thép bề rộng 11,5m, khoang thông thuyền 6,5x30m đảm bảo cho cả phương tiện thủy và bộ lưu thông.

IMG_3852

Công trình âu Rạch Chanh đã được nghiệm thu và sẽ bàn giao cho Cục ĐTNĐ để đưa vào khai thác. Ảnh: Phan Tư

 Vào mùa lũ, nước từ kênh Nguyễn Văn Tiếp chảy về hạ nguồn. Hệ thống cửa âu sẽ được mở 24/24. Các phương tiện khi lưu thông đến âu sẽ neo đậu chờ tại các vị trí cụ thể. Lực lượng chức năng sẽ điều tiết cho từng phương tiện qua âu theo một chiều. Sau khi phương tiện từ bên này qua hết thì sẽ điều tiết cho phía bên kia qua.

Vào mùa hạn, do nước mặn từ sông Vàm Cỏ Tây (hạ nguồn) lên cao, để tránh xâm nhập mặn lên thượng nguồn, hệ thống cửa âu sẽ được vận hành theo sự điều tiết. Khi cửa âu phía hạ nguồn mở, phương tiện được lưu thông vào buồng âu, cửa hạ nguồn sẽ đóng lại. Sau đó cửa âu phía thượng nguồn mở ra để phương tiện đi qua kênh Nguyễn Văn Tiếp (thượng nguồn). Cứ như vậy lần lượt các phương tiện sẽ được lưu thông qua âu một cách nhịp nhàng và tránh tình trạng xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến mùa màng.

Dự kiến sau khi hệ thống âu Rạch Chanh đi vào hoạt động sẽ có khoảng từ 80.000 – 105.000 lượt phương tiện có tải trọng từ 300 đến 600 tấn lưu thông mỗi năm.

Lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết hiện tất cả các hạng mục đã được nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng, đơn vị dự kiến trực tiếp quản lý âu tàu cũng đã tổ chức vận hành thử đảm bảo an toàn. Hiện Ban đã tiến hành thủ tục bàn giao cho Cục ĐTNĐ Việt Nam nhằm sớm đưa âu Rạch Chanh vào hoạt động trong những ngày tới.

Phan Tư

Quay lại