Xuất bản thông tin
Ngày 28/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang dẫn đầu Đoàn khảo sát, kiểm tra tuyến hành lang đường thủy nội địa số 2 (Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình). Tham gia đoàn công tác có Phó Cục trưởng Lê Minh Đạo, Lãnh đạo phòng Vận tải – ATGT, phòng Vận tải - Cục Hàng hải Việt Nam và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị gồm: Chi cục ĐTNĐ phía Bắc, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng, Sở GTVT Hải Phòng, các Công ty CP QLĐS số 2, số 5 và số 8.
Xuất phát từ bến sông Văn Úc tại Công ty Đóng tàu Thái Bình Dương, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang qua sông Kênh Khê, sông Luộc, sông Hồng đến sông Đào (Nam Định).
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đang khảo sát tuyến đường thủy hành lang số 2
Hành lang đường thủy nội địa số 2, có tổng chiều dài khoảng 300km là 1 trong 9 hành lang trọng yếu nhất của vận tải thủy nội địa, đi qua các sông: Cẩm Phả - Luồng ven biển – Đèn Quả Soài – Kênh Cái Tráp – sông Cấm – sông Đào – sông Lạch Tray – sông Văn Úc – kênh Khê – sông Luộc – sông Hồng – sông Đào Nam Định – sông Đáy. Trên hành lang này, còn tồn tại một số điểm nghẽn có tĩnh không thấp của các cầu vượt sông trong nội thành thành phố Hải Phòng, như cầu Xi Măng, 4,7m, cầu Xe Hỏa, 3,2m, cần An Đồng, 4,7m, cầu Lãm Khê, 7m, cầu Kiến An, 7m, cầu Trạm Bạc 5,7m. Sà lan chở hàng hóa đến 3.000 tấn từ cảng biển Hải Phòng về các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình… phải chờ nước, dằn tàu, có cabin nâng hạ mới qua được; cũng do tĩnh không các cầu trên tuyến thấp, nên hầu như không có hoạt động vận tải container bằng sà lan trên tuyến hành lang đường thủy số 2.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết đang làm việc tới TP. Hải Phòng để chốt tiến độ di dời bến cảng tại khu vực sông Cấm.
"Cần cố gắng để từ nay đến năm 2025, chúng ta phải có được một bến khởi động ở Nam Đồ Sơn. Điều đó đồng nghĩa với việc khơi thông cửa sông, để tàu có trọng tải 10.000 DWT và 20.000 DWT giảm tải có thể vào được bến sông Văn Úc", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong chuyến khảo sát, Thứ trưởng đặc biệt quan tâm tới các luồng sông, trọng tải tàu di chuyển trên sông, cũng như hành lang bảo vệ an toàn bờ sông.
Thứ trưởng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa VN nghiên cứu các giải pháp để có thể khai thác hiệu quả tuyến hành lang số 2, đặc biệt với hàng container. Đồng thời, Thứ trưởng cũng lưu ý cần "rà soát lại các hệ thống biển báo, báo hiệu trên luồng để đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu vận tải".
Về cơ bản, tuyến đường thủy hành lang số 2 (đoạn từ sông Văn Úc - Nam Định) ổn định về luồng, tĩnh không cầu
Ông Lê Minh Đạo- Phó cục trưởng Cục Đường Thuỷ nội địa Việt Nam: " Hiện tại , các tàu lưu thông trên tuyến hành lang số 2 chủ yếu là tàu chở hàng rời như chở than, đá, linker, cát.... các tàu có trọng tải trung bình khoảng 3000DWT, do đó nếu có thể di dời cảng Hải Phòng (đoạn sông Cấm) ra khu vực sông Văn Úc, sẽ thuận tiện hơn cho các phương tiện thuỷ nội địa có trọng tải lớn cập bến, nâng cao hiệu quả kết nối giữa ĐTNĐ đến các cảng biển. Thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ phối hợp với các Cục chuyên ngành thuộc Bộ GTVT và UBND tp Hải Phòng tiến hành khắc phục tình trạng tĩnh không thấp trên luồng, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát lại hệ thống biển báo, báo hiệu trên luồng để đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu vận tải hiện tại và tương lai".
Được biết, hiện nay, một số đơn vị đã có đề xuất đến năm 2025, sẽ từng bước di dời các bến cảng khu vực sông Cấm theo quy hoạch của TP Hải Phòng. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định, không mở rộng phát triển bến sông Cấm.
Khi đó, một lượng hàng hóa nhất định sẽ được chuyển dịch từ sông Cấm về Nam Đồ Sơn, sông Văn Úc. Hai khu vực được đánh giá có mạng lưới giao thông tương đối tốt, đáp ứng được nhu cầu dịch chuyển hàng hóa.
Đồng thời, khu bến Nam Đồ Sơn và sông Văn Úc cũng có phạm vi gồm vùng đất, vùng nước sẽ được quy hoạch với chức năng là cảng cửa ngõ, kết hợp trung chuyển quốc tế, có bến kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh khi có yêu cầu.
Để tối ưu hóa vận tải đường thủy nội địa trên hành lang số 2, đồng thời nâng cao tính kết nối giữa vận tải thủy tới các cảng biển khu vực phía Bắc, Phó Cục trưởng Lê Minh Đạo đã báo cáo, đề xuất Thứ trưởng xem xét thí điểm cho phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SI được hoạt động trên tuyến từ cửa sông Văn Úc đến cửa sông Cấm, trong điều kiện thời tiết thuận lợi (chiều cao sóng không quá 2m) nhằm nâng cao trọng tải phương tiện chạy trên tuyến, đồng thời giảm thời gian hành trình của phương tiện.
New articles
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển đường thuỷ nội địa - giải pháp kéo giảm bền vững chi phí logistics Việt Nam
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hài hòa hóa quy định vận tải thủy các nước Mê Công - Lan Thương