Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) Đường dẫn liên kết (Breadcrumb)

Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Không ngừng đổi mới để nâng cao công tác bảo trì đường thủy nội địa
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Đó là nhấn mạnh của ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cũng như ông Nguyễn Hữu Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT.

 

Nhiều chuyển biến rõ rệt

Chiều 26/10, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa và thí điểm giao cảng vụ đường thủy nội địa khu vực thực hiện chức năng quản lý luồng đường thủy nội địa quốc gia.

Không ngừng đổi mới để nâng cao công tác bảo trì đường thủy nội địa - Ảnh 1.

Quảng cảnh hội nghị.

Trong thời gian qua, do lần đầu áp dụng thực hiện nghiệm thu công tác bảo trì đường thủy nội địa theo tiêu chí chất lượng; đồng thời thí điểm giao cảng vụ ĐTNĐ khu vực thực hiện là chủ đầu tư nên quá trình triển khai vẫn còn một số lúng túng.

Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GTVT, lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam, công tác quản lý chất lượng các công trình được các nhà thầu, đơn vị tích cực chủ động triển khai thực hiện. Đảm bảo liên tục, luồng tuyến, tài sản kết cấu hạ tầng được duy trì, nâng cao công tác quản lý nhà nước.

Cụ thể, Cục ĐTNĐ đã hoàn thành triển khai, tổ chức điều chỉnh thực hiện nhiệm vụ của Chi cục ĐTNĐ khu vực I và III. Giao cảng vụ ĐTNĐ khu vực trực thuộc quản lý luồng đường thủy nội địa với tổng số 676,6km. Trong đó, cảng vụ I quản lý 215,3km; cảng vụ II quản lý 140km; cảng vụ III quản lý 131km và cảng vụ IV quản lý 190,3km.

Ngoài ra công tác nghiệm thu bảo trì thường xuyên, công tác điều tiết, chống va trôi đối với quý III/2023 cơ bản thực hiện hoàn thành. Các cảng vụ, chi cục kiểm tra, nghiệm thu tháng, quý cho các nhà thầu kịp thời.

Các đơn vị, nhà thầu cũng đã hoàn thành các công trình không thường xuyên. Như 3 công trình sửa chữa kè R4,5,6; 2 công trình nạo vét bảo đảm giao thông tại phía Nam và miền Trung; 1 công trình bổ sung báo hiệu…

Không ngừng đổi mới để nâng cao công tác bảo trì đường thủy nội địa - Ảnh 2.

Ông Dương Hùng Phương, Phó giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV góp ý tại hội nghị.

Qua tổng kết, Cục ĐTNĐ đánh giá, đối với các công trình quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, điều tiết khống chế đảm bảo an toàn giao thông, chống va trôi đường thủy nội địa: Các nhà thầu, đơn vị đã tập trung đi sâu vào chất lượng vì vậy kết quả có nhiều thay đổi rõ rệt. Các đơn vị cập nhật nhật ký kịp thời, đặc biệt là hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa. Công tác triển khai thực hiện, kiểm tra, kiểm soát, đánh giá, nghiệm thu được các nhà thầu, đơn vị thực hiện chặt chẽ, kịp thời, đảm bảo theo quy định.

Các nhà thầu không ngừng nâng cao trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì theo chất lượng thực hiện, nhất là bảo trì hệ thống báo hiệu, cơ bản đáp ứng được tình huống, chất lượng màu sắc báo hiệu đồng bộ trên tuyến.

Không có vụ việc mất an toàn giao thông đường thủy nội địa do chủ quan của các nhà thầu trong thực hiện công tác quản lý, bảo trì, điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi đường thủy nội địa.

Các chi cục đường thủy nội địa khu vực, cảng vụ đường thủy nội địa khu vực cũng thường xuyên bám tuyến, bám luồng, nắm bắt, tổ chức triển khai kiểm tra định kỳ tuyến luồng. Chính vì vậy, công tác khắc phục, xử lý các vấn đề phát sinh được kiểm tra, nghiệm thu phối hợp với nhà thầu ghi nhận giải quyết tại hiện trường, không để tồn đọng kéo dài.

Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng bảo trì, công tác điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi được các bộ phận, cán bộ thực hiện kiểm tra kịp thời, chi tiết… Lực lượng thanh tra, cảng vụ kiểm soát được tình hình trên tuyến, cảng, bến, các khu vực điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trong quá trình thực hiện kiểm tra.

Không ngừng đổi mới để nâng cao công tác bảo trì đường thủy nội địa - Ảnh 3.

Ông Ngô Quang Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Quang Mại ở Nghệ An góp ý tại hội nghị.

Về công tác thí điểm giao cảng vụ thực hiện chức năng quản lý luồng đường thủy nội địa quốc gia, bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định: Công tác tổ chức quản lý được lãnh đạo các cảng vụ chỉ đạo quyết liệt trong việc kết hợp nhiệm vụ kiểm soát hoạt động cảng, bến thủy nội địa với công tác quản lý, bảo trì, điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi đường thủy nội địa trên tuyến. Đa số cán bộ, viên chức cảng vụ có chuyên môn, nghiệp vụ đối với lĩnh vực đường thủy nội địa.

Các tuyến được thí điểm giao cảng vụ đường thủy nội địa khu vực gần trụ sở cảng vụ, đại diện, các tổ các vụ, vì vậy về mặt địa lý rất thuận lợi cho công tác phối hợp thực hiện, giải quyết nhiệm vụ được kịp thời, dễ kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện của nhà thầu, nắm bắt kịp thời các tình huống phát sinh trên tuyến, luồng.

Lực lượng tổ cảng vụ, đại diện cảng vụ cơ bản trải đều trên tuyến, khu vực, bảo đảm được yêu cầu trong công tác kiểm tra, kiểm soát và đánh giá quá trình thực hiện quản lý, bảo trì, điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi của nhà thầu.

Ngoài ra, đối với các công trình không thường xuyên, Cục ĐNTN Việt Nam đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu đảm bảo chất lượng công trình, nâng cao công tác quản lý nhà nước ngay từ thời điểm nhà thầu thực hiện công tác chuẩn bị…

Không ngừng đổi mới để nâng cao công tác bảo trì đường thủy nội địa - Ảnh 4.

Theo ông Nguyễn Hữu Quân, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT: Cách làm hay để nâng cao công tác bảo trì ĐTNĐ là áp dụng khoa học kỹ thuật và không ngừng đổi mới các biện pháp, giải pháp thi công.

Cần không ngừng đổi mới

Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các cảng vụ, nhà thầu, ông Nguyễn Hữu Quân, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT cho biết: Thời gian qua, lãnh đạo Bộ GTVT đã rất trăn trở làm sao để nâng cao hiệu quả công tác bảo trì ĐTNĐ. Trước thực tế và nhu cầu, đòi hỏi đặt ra, lãnh đạo bộ đã quyết định cho thí điểm giao cảng vụ ĐTNĐ khu vực thực hiện chức năng quản lý luồng đường thủy nội địa. Đồng thời thay đổi, thực hiện nghiệm thu theo tiêu chí chất lượng, chứ không theo khối lượng như ngày xưa.

"Trước đây, công tác bảo trì ĐTNĐ được giao cho các chi cục, thế nhưng khối lượng công việc thì rất lớn, trong khi con người thực hiện công việc lại rất ít. Ví dụ chi cục 1 chỉ có 8 người nhưng phải đi nghiệm thu, làm việc 7.000km. Thực tế là rất khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, việc thực nghiệm thu theo tiêu chí khối lượng, đặt ra thực trạng rất nhiều nội dung chúng ta không thể làm được", ông Quân nói và cho biết thêm:

Mỗi hình thức đều có những mặt mạnh, yếu khác nhau, thế nhưng bước đầu, về logic thì tính ưu việt của phương pháp mới đã phát huy. Ông Quân đề nghị Cục ĐTNĐ Việt Nam có đánh giá tổng kết chi tiết, khách quan về các ý kiến bổ sung để hoàn thiện hơn việc thí điểm. Từ đó, tham mưu các chính sách, giải pháp cho Bộ GTVT nhằm nâng cao hơn nữa công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy trong thời gian tới.

Ông Quân cũng nhấn mạnh: Cách làm hay để nâng cao công tác bảo trì ĐTNĐ là áp dụng khoa học kỹ thuật và không ngừng đổi mới các biện pháp, giải pháp thi công. Định mức để lập dự toán là mức tối thiểu để chúng ta thực hiện được công việc. Tuy nhiên, các đơn vị bảo dưỡng thường xuyên có cải tiến, có cách làm hay thì chúng ta sẽ tiết kiệm được kinh phí khi chúng ta nghiệm thu theo chất lượng.

Không ngừng đổi mới để nâng cao công tác bảo trì đường thủy nội địa - Ảnh 5.

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam yêu cầu các nhà thầu bảo trì phải không ngừng đổi mới chính mình.

"Ví dụ, trước đây chúng ta có 9 chuyến kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên. Thế nhưng, hôm nay chúng ta chỉ kiểm tra 5-6 chuyến, nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Vì vậy, các công ty bảo dưỡng thường xuyên cần đổi mới cách thức chỉ đạo, thực hiện gói thầu của mình...", ông Quân nói.

Cùng quan điểm, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam nhấn mạnh: Chúng ta lúc nào cũng mong ngân sách cấp cho năm sau cao hơn năm trước. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là phải thực hiện giải ngân tốt.

Để làm tốt mọi công việc, đầu tiên phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp trên về các văn bản quy phạm pháp luật. Quyết định, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm thế nào để chúng ta làm tốt hơn, thuận lợi hơn.

Bản thân các nhà thầu, tuy có đặc thù khác nhau, nhưng khi có văn bản của cục thì phải có trách nhiệm đề xuất, kiến nghị, ý kiến… Các phòng, ban cũng phải có trách nhiệm tiếp thu, nghiêm túc tổng hợp, đem ra mổ xẻ để từ đó tham mưu cho lãnh đạo cục, bộ những chính sách phù hợp, hiệu quả nhất.

Ngoài ra, ông Thu cũng nhấn mạnh các công ty, doanh nghiệp trúng thầu bảo trì phải không ngừng tự đổi mới chính mình, không ngừng nâng cao kiến thức và trình độ quản lý. Trong đó, chú ý về con người, trang thiết bị, ứng dụng… tránh tư tưởng bao cấp như ngày xưa, đến lúc sẽ bị tụt hậu, bị các công ty khác cạnh tranh. Đặc biệt, luôn nhớ, làm gì thì cũng phải tuân thủ pháp luật.

SỸ HÒA - Báo Giao thông

Quay lại