Xuất bản thông tin
Thực hiện văn bản số 4365/BGTVT-CYT ngày 17/5/2021 của Bộ Giao thông vận tải về thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Thông báo số 102/TB-VPCP ngày 11/5/2021 và một số nội dung liên quan đến phòng phống Covid-19. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xây dựng Kịch bản ứng phó và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Cơ quan Cục Đường thủy nội địa Việt Nam như sau:
I. NHẬN ĐỊNH, DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19
1. Dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp ở nước ta. Trong những ngày qua, cả nước đã ghi nhận rất nhiều ca mắc trong cộng đồng tại 28 tỉnh, thành phố. So với 3 đợt dịch trước, đợt dịch lần này có độ nguy hiểm cao với có nhiều ổ dịch, chủng vi rút có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, trên phạm vi rộng hơn và kiểm soát khó khăn hơn, gây tâm lý lo lắng, hoàng mang trong một bộ phận nhân dân.
2. Nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên toàn quốc là rất cao và có thể xảy ra bất cứ lúc nào và nếu xảy ra sẽ gây hậu quả khôn lường. Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, lo sợ; thực hiện nghiệm các yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch.
II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Đề ra các giải pháp ứng phó có hiệu quả khi có tình huống xảy ra, nhằm phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan, góp phần bảo vệ sức khỏe của cán bộ, công chức, người lao động tại cơ quan Văn phòng.
2. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ, mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để có biện pháp ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh xâm nhập vào cơ quan Văn phòng.
3. Tăng cường sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ quan Văn phòng.
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN ÁP DỤNG
1. Đối tượng: Cán bộ, công chức và người lao động cơ quan Văn phòng.
2. Phạm vi: Trong trụ sở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, số 5 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội
3. Thời gian: Áp dụng từ ngày 22/5/2021 đến khi có thông báo hết dịch.
IV. KỊCH BẢN GIẢ ĐỊNH VÀ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ
1. Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh trong cơ quan.
- Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để triển khai các biện pháp nhằm ứng phó và hỗ trợ khi có dịch bệnh xâm nhập; tổ chức trực, thường trực phòng chống dịch tại các đơn vị trực thuộc cơ quan Văn phòng.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin, khuyến cáo của cơ quan y tế trên Trang thông tin điện tử của Cục và các phương tiện khác để CBCCVC-NLĐ thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh; xây dựng các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch tại cơ quan, đơn vị. Dựng các bảng tuyên truyền tại các khu vực dễ thấy trong trụ sở cơ quan, đơn vị.
- Tổ chức thực hiện ngay tại bộ phận bảo vệ trong giờ hành chính để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác, làm việc, giao dịch, dự họp tại Trụ sở Cục, thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan y tế và theo quy định của cấp có thẩm quyền, như: Rửa tay bằng nước diệt khuẩn, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khử trùng, vệ sinh, không bắt tay, bố trí phòng họp đảm bảo khoảng cách theo quy định... và thực hiện các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan Văn phòng.
- Thường xuyên rà soát các trường hợp có yếu tố, nguy cơ nhiễm bệnh có mặt tại cơ quan Văn phòng (người đến/ở/về từ các vùng, địa phương đang có dịch bệnh trong nước và ngoài nước; người tiếp xúc với trường hợp có yếu tố dịch tễ/nghi ngờ/mắc bệnh Covid-19...) để triển khai kịp thời các biện pháp quản lý, theo dõi, hạn chế tiếp xúc hoặc áp dụng các biện pháp cách ly y tế phù hợp, đúng quy định.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các cuộc họp và làm việc trực tuyến; triển khai giải quyết, xử lý công việc trực tuyến tại nhà. Chỉ bố trí các bộ phận thiết yếu làm việc tại cơ quan nhằm hạn chế, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trong cơ quan.
- Tổ chức phun thuốc khử trùng toàn bộ trụ sở cơ quan; cung cấp nước sát khuẩn tay nhanh để trước cổng trụ sở cơ quan, các phòng họp; trang bị đầy đủ xà phòng sát khuẩn tại các nhà vệ sinh trong cơ quan.
- Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, có biện pháp bảo hộ, phòng vệ... ở mức cao đối với các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác, dự họp, tiếp xúc với trang thiết bị, dụng cụ dễ lây nhiễm như bảo vệ cơ quan, văn thư, phục vụ...
2. Tình huống 2: Có trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh (F1).
- Ngoài việc duy trì các hoạt động tại tình huống 1, Văn phòng Cục kịp thời báo cáo với cơ sở y tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội: số ĐT 19003228 hoặc 0969082115 hoặc 0949396115 hoặc 0916865570) để triển khai các biện pháp y tế cần thiết.
- Lập danh sách, giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người F1; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và khai báo y tế theo quy định.
- Giám sát sức khỏe của cán bộ, công chức, người lao động và các cá nhân, tổ chức đến cơ quan. Chỉ đạo triển khai khai báo y tế trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đối tượng đến trụ sở làm việc theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin để cán bộ, công chức, người lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, không hoang mang lo lắng.
- Phối hợp với cơ quan y tế triển khai các biện pháp khoanh vùng, phun khử trùng, diệt khuẩn.
- Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin triển khai giải quyết, xử lý công việc trực tuyến tại nhà. Chỉ bố trí các bộ phận thiết yếu làm việc tại cơ quan.
3. Tình huống 3: Xuất hiện ca bệnh (F0).
- Ngoài việc duy trì các hoạt động tại tình huống 1, 2; Văn phòng Cục kịp thời báo cáo qua đường dây nóng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội: số ĐT 19003228 hoặc 0969082115 hoặc 0949396115 hoặc 0916865570) và các cơ quan chức năng để triển khai các biện pháp y tế, hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cơ quan, đơn vị và cộng đồng.
- Lập danh sách, quản lý sức khỏe những người có tiếp xúc gần (F1, F2) với người bệnh (F0) báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng để kịp thời thực hiện các biện pháp y tế cần thiết.
- Chỉ đạo triển khai khai báo y tế và giám sát chặc chẽ sức khỏe trong toàn thể cán bộ, công chức, người lao động đơn vị; báo cáo các tổ chức, cá nhân đến trụ sở cơ quan cho cơ quan y tế.
- Tăng cường tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin để cán bộ, công chức, người lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh, không hoang mang lo lắng.
- Phối hợp với cơ quan y tế triển khai các biện pháp khoanh vùng, phun khử trùng, diệt khuẩn, thu gom rác thải của người bệnh (khẩu trang, khăn, giấy lau,… đã qua sử dụng) và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khác theo chỉ đạo của cơ quan chức năng.
- Triển khai triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết, xử lý công việc trực tuyến tại nhà. Chỉ bố trí các bộ phận thiết yếu làm việc tại cơ quan.
- Báo cáo hằng ngày tình hình diễn biến của dịch cho các cơ quan chức năng về các biện pháp phòng, chống dịch.
4. Tình huống 4: Xuất hiện nhiều ca bệnh.
- Ngoài việc duy trì các hoạt động tại tình huống 1, 2, 3; Văn phòng Cục kịp thời báo cáo với cơ sở y tế qua đường dây nóng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội: số ĐT 19003228 hoặc 0969082115 hoặc 0949396115 hoặc 0916865570) và các cơ quan chức năng để triển khai các biện pháp y tế, hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cơ quan, đơn vị và cộng đồng.
- Phối hợp với cơ quan y tế triển khai các biện pháp chống dịch tại cơ quan; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan.
- Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khác theo chỉ đạo của cơ quan y tế.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Văn phòng Cục chủ động triển khai các biện pháp giám sát, kiểm tra theo các nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 408/QĐ-VPC ngày 21/5/2021 của Thủ trưởng cơ quan về thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ quan Cục; đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, báo cáo Thủ trưởng cơ quan để có chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
2. Cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, sẵn sàng ứng phó và hỗ trợ khi có tình huống xảy ra; chủ động thực hiện biện pháp cách ly khi phát hiện có các triệu chứng dịch bệnh.
3. Đề nghị Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, Chi đoàn Văn phòng cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, công chức, người lao động gương mẫu chấp hành, triển khai; vận động, tuyên truyền người thân và gia đình thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
4. Trưởng/Phụ trách các phòng, đơn vị theo tình huống cụ thể, chủ động rà soát khối lượng công việc hằng ngày để báo cáo, đề xuất bố trí cán bộ, công chức, người lao động làm việc tại cơ quan cho phù hợp; các trường hợp còn lại sẽ xử lý công việc trực tuyến tại nhà qua các ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm sát tình hình về dịch bệnh, sức khỏe của công chức và người lao động do mình quản lý, báo cáo kịp thời khi có tình huống xảy ra.
5. Văn phòng Cục kịp thời tham mưu, chủ động đảm bảo kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện thực hiện phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra.
Trên đây là Kịch bản ứng phó và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Văn phòng cơ quan, yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả./.
Toàn văn Kịch bản xem và tải tại đây.
Văn phòng Cục
New articles
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ giữa hai Bộ trưởng
- Đại hội Công đoàn Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V lần thứ I, nhiệm kỳ 2024- 2028
- Thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024
- Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 “Chuyển đổi để bứt phá”
- Kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn đường thủy tại nhiều địa phương