Xuất bản thông tin
Ngày 11/8/1956 Chính phủ ban hành Nghị định 70 thành lập Cục Vận tải Đường thủy, mặc dù nhiều lần đổi tên thành Cục Vận tải Đường sông, Liên hiệp vận tải sông, Khu quản lý đường sông, Cục Đường sông Việt Nam và từ năm 2008 đến nay là Cục ĐTNĐ Việt Nam, nhiệm vụ xuyên suốt của Ngành Đường thủy nội địa Việt Nam là đảm bảo giao thông đường thủy, phục vụ vận tải hàng hóa hiệu quả và an toàn.
(Sà lan trên tuyến Quảng Ninh – Hải Phòng)
Trong giai đoạn chiến tranh, khi đường sắt, đường bộ bị đánh phá tê liệt, Ngành Đường thủy nội địa Việt Nam với tuyến kênh Nhà Lê đã vận chuyển hàng hóa, lương thực và một số mặt hàng quan trọng khác góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc và chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Trong giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển, Ngành cũng có những đóng góp hết sức quan trọng khi vận chuyển phần lớn nguyên liệu, máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng các công trình thủy điện, nhiệt điện, nhà máy xi măng, công trình cầu … phục vụ công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những thành tích, đóng góp của Ngành đã được Nhân dân ghi nhận; tập thể và cán bộ, công chức, người lao động của Ngành đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.
Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi có hệ thống sông, kênh tự nhiên rất thuận lợi để phát triển vận tải đường thủy, bao gồm 2.360 con sông, kênh có tổng chiều dài khoảng 41.900 km với trên 120 cửa sông. Hiện nay chúng ta đang tổ chức quản lý khai thác vận tải hơn 17.000 km đường thủy nội địa, 310 cảng, 6.322 bến thủy nội địa, 270.000 phương tiện; 480.000 bằng, chứng chỉ thuyền viên đã được cấp; 352 cơ sở đóng tàu thủy nội địa, 1.793 doanh nghiệp vận tải đường thủy với 43.440 lao động và số vốn sản xuất kinh doanh là 115.855 tỷ đồng.
(Kênh Nghĩa Hưng, nối sông Đáy với sông Ninh Cơ)
Nhằm phát huy tối đa tiềm năng phát triển nêu trên, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giao thông vận tải, thời gian vừa qua Ngành Đường thủy nội địa Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; thúc đẩy phát triển vận tải thủy ven biển, vận tải container bằng đường thủy; triển khai các giải pháp tăng cường kết nối đường thủy nội địa với cảng biển; làm sâu sắc hơn hợp tác quốc tế với các nước láng giềng và đẩy mạnh hợp tác với các đối tác song phương, đa phương khác… Do vậy sản lượng vận tải đường thủy nội địa tăng trung bình khoảng 10%/năm, riêng năm 2023 đạt hơn 476 triệu tấn, chiếm khoảng 19-20% tổng lượng hàng hóa vận chuyển, luân chuyển tại Việt Nam. Một số điểm sáng nổi bật, như: tuyến vận tải ven biển với sản lượng thông qua gần 100 triệu tấn/năm góp phần hiệu quả giảm tai nạn, ách tắc trên trục đường bộ Bắc - Nam; tuyến vận tải container kết nối cảng biển TP. Hồ Chí Minh với cảng biển Cái Mép - Thị Vải với hơn 70% lượng container[1] thông qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu được vận tải bằng sà lan; Tuyến vận tải thủy quốc tế kết nối hàng hóa giữa Phnom Penh - Campuchia với cảng biển TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu có 30 triệu tấn hàng hóa và gần 1,6 triệu lượt hành khách thông qua, riêng hàng container thông qua tuyến tăng trung bình 20%/năm, đạt hơn 430 nghìn Teus vào năm 2023. Bên cạnh đó vận tải container trên các hành lang vận tải thủy nội địa phía Bắc mặc dù thị phần còn thấp nhưng thời gian vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực[2]… Đây là một số thành tích nổi bật tạo nên sự hiện đại, tính hiệu quả, bền vững và an toàn của ngành đường thủy nội địa, đóng góp chung vào quá trình xây dựng và phát triển của Ngành.
(Cảng thủy nội địa ICD Tân Cảng Quế Võ – Bắc Ninh)
Bên cạnh những thành tích nổi bật nêu trên, Ngành Đường thủy nội địa Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, như: (i) Ngân sách nhà nước đầu tư cho Ngành rất hạn chế[3]; Hạ tầng kết nối đến cảng biển chưa thuận lợi[4]; (ii) Vướng mắc về quy định khi tàu sông mang cấp VR-SI không được đi từ cửa sông đến các cảng biển Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải; (iii) Vướng các thủ tục về đê điều, khó khăn về đầu tư mở rộng khả năng khai thác các cảng thủy nội địa; (iv) Phương tiện thủy nội địa chủ yếu là phương tiện loại nhỏ, hoạt động trên tuyến ngắn, năng suất thấp, chưa phát triển phương tiện chở hàng container; và (v) Hiện nay 70% lượng hàng hóa thông qua cảng biển là hàng container, tuy nhiên tỷ lệ đảm nhận của vận tải thủy đối với hàng container tại các cảng biển phía Bắc còn rất hạn chế, tại cảng biển Hải Phòng chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng hàng thông qua cảng.
(Sà lan container trên tuyến vận tải thủy Hiệp định Việt Nam – Campuchia)
Với mục tiêu phát triển Ngành Đường thủy nội địa Việt Nam hiệu quả, bền vững và an toàn, đáp ứng các tiêu chí giảm chi phí logistics, giảm thiểu tai nạn giao thông, xanh hóa hoạt động vận tải, giảm ô nhiễm môi trường, thì yêu cầu hiện nay đối với Ngành là rất lớn. Để đạt được các mục tiêu này, thời gian tới, Ngành đường thủy nội địa Việt Nam cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chính như sau:
Thứ nhất, Tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Không dự thảo để ban hành các thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, làm phát sinh thời gian, chi phí đối với người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, Tiếp tục tham mưu các cơ chế chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải container, vận tải ven biển bằng đường thủy nội địa; Tăng cường kết nối đường thủy nội địa với cảng biển.
Thứ ba, Từng bước cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng, tập trung vào giải quyết các điểm nghẽn tĩnh không cầu trên 09 hành lang vận tải đường thủy nội địa chính. Quản lý hệ thống phao tiêu, báo hiệu bằng công nghệ thông tin.
Thứ tư, Tiếp tục làm sâu, rộng hợp tác quốc tế với các nước láng giềng, tiếp tục hợp tác với Campuchia về tuyến vận tải đường thủy quốc tế vận chuyển hàng hóa quá cảnh, trung chuyển, xuất nhập khẩu qua hệ thống sông Mê Công; hỗ trợ Lào theo các nội dung đã được nêu trong Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện lĩnh vực đường thủy nội địa; triển khai Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do khu vực cửa sông Bắc Luân giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thứ năm, Đẩy nhanh việc hoàn thiện đưa vào sử dụng hệ thống thông tin quản lý tích hợp phục vụ chuyển đổi số Cục ĐTNĐ Việt Nam, gồm bộ cơ sở dữ liệu trực tuyến về thuyền viên, phương tiện làm nền tảng để triển khai thủ tục điện tử cho tàu, thuyền vào, rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển.
Với truyền thống 68 năm xây dựng và phát triển, với những kết quả mà Ngành Đường thủy nội địa Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua, cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn Ngành sẽ phát huy truyền thống anh hùng, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đoàn kết, thống nhất, chung tay xây dựng và phát triển ngành ĐTNĐ ngày một lớn mạnh, vượt qua mọi khó khăn, luôn hoàn thành nhiệm vụ, viết tiếp những trang sử mới xứng đáng với truyền thống của các thế hệ cha anh trong 68 năm qua. Tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của ngành Đường thủy nội địa Việt Nam, góp phần to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Ts. Bùi Thiên Thu
Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
[1] Trong tổng số 8,15 triệu Teus/năm thông qua cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
[2] Tuyến Hải Phòng – Bắc Ninh (HL1) từ 03 chuyến/tuấn vào năm 2018 đến nay đạt 35 chuyến/tuần; tuyến Ninh Bình – Hải Phòng (HL2) mới triển khai từ đầu năm 2024 đến nay đạt 4 chuyến/tuần/
[3] Chỉ chiếm khoảng 2% tổng ngân sách nhà nước của ngành GTVT.
[4] Do hầu hết cảng biển không có bến thủy nội địa; rất ít khu công nghiệp, ICD có kết nối với đường thủy nội địa, thiếu Depot, khu hậu cần sau cảng biển. Tuyến đường thủy kết nối cảng biển tồn tại cầu đường sắt, đường bộ tĩnh không thấp, cản trở vận tải container đường thủy.
New articles
- Gặp mặt cán bộ hưu trí Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, xuân Ất Tỵ 2025
- Thông báo lịch tiếp công dân định kỳ của Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam năm 2025
- Thư chúc mừng năm mới 2025 của Cục trưởng Bùi Thiên Thu
- Trao đổi chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về kiểm tra phương tiện thủy cho nhân sự của Cục Vận tải thủy Bộ Công chính và Vận tải Lào
- Thúc đẩy đầu tư, khai thác lợi thế vận tải đường thủy nội địa